Thứ Tư, 8/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sau Trung Quốc và Thái Lan, DN Nhật chọn Việt Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sau Trung Quốc và Thái Lan, DN Nhật chọn Việt Nam

Quốc Hùng

Sau Trung Quốc và Thái Lan, DN Nhật chọn Việt Nam
Ông Mukuta Satochi (ngoài cùng bên phải), Giám đốc điều hành cấp cao của Liên đoàn kinh tế Keidanren trao đổi với Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm bền lề diễn đàn -Ảnh: Quốc Hùng

(TBKTSG Online) – Phần lớn các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư ở Trung Quốc và Thái Lan quyết định lựa chọn Việt Nam là điểm đến tiếp theo khi muốn mở rộng hoặc dịch chuyển đầu tư nhờ có nhiều thuận lợi về lao động và ngày càng cải thiện môi trường đầu tư.

Thông tin này được ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM chia sẻ tại Diễn đàn "Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam – Nhật Bản 2015" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức vào hôm nay 31-7 tại TPHCM.

Diễn đàn với sự tham gia của gần 50 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại TPHCM và đặc biệt có sự hiện diện của Liên đoàn kinh tế Keidanren với gần 30 doanh nghiệp Nhật Bản. Các doanh nghiệp này hoạt động trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến – chế tạo, dệt may, giao nhận – vận tải, xây dựng – môi trường – bất động sản, tài chính – ngân hàng – nhân sự – bảo hiểm, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại – bán lẻ… đến TPHCM để tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh.

Theo ông Yasuzumi, khảo sát của JETRO cho thấy Việt Nam là nơi được lựa chọn nhiều nhất để thành lập các cơ sở sản xuất theo chiến lược Thái +1 của doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động ở Thái Lan. Mặc dù ban đầu Campuchia và Lào được các doanh nghiệp Nhật Bản ở Thái Lan muốn chọn nhưng do hai quốc gia này có dân số ít, phân tán và chất lượng lao động thấp nên các doanh nghiệp này đã chuyển sang Việt Nam. Các nước khác trong khu vực ASEAN nhận tỷ lệ thấp hơn nhiều.

Tương tự đối với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động ở Trung Quốc đã và đang có chiến lược Trung Quốc + 1 thì Việt Nam cũng là quốc gia được lựa chọn nhiều nhất trong số các nước Đông Nam Á mà doanh nghiệp ở khu vực này muốn lựa chọn.

Ông Yasuzumi cho biết thêm, theo kết quả điều tra của JETRO, các công ty Nhật Bản đã tiến hành tái cơ cấu lại cứ điểm sản xuất trong và ngoài nước từ 2, 3 năm trước. Mặt khác hiện số công ty có có dự định tái cấu trúc trong 2, 3 năm tới là 595 công ty trong tổng số hơn 3.470 công ty trả lời điều tra với số dự án di chuyển lên đến 780. Trong số này có 213 công ty lớn. Nơi chuyển đến của các công ty Nhật Bản từ Trung Quốc: các nước ASEAN chiếm hơn phân nửa (52,2%), trong đó Việt Nam chiếm gần một nửa, là nơi đến nhiều nhất theo chiến lược Trung Quốc +1.

Ông Yasuzumi cho rằng xu hướng doanh nghiệp Nhật ở Trung Quốc chuyển sang một nước thứ 3 khác đã diễn ra trước đây và giờ đây tiếp tục có xu hướng tăng lên cũng vì do chi phí lao động sản xuất ở Trung Quốc ngày càng cao và một số trở ngại khác.

Qua tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, ông Yasuzumi cho biết nhiều doanh nghiệp Nhật nhìn nhận Việt Nam có nhiều điều kiện để đầu tư và phát triển nhờ nguồn lao động trẻ và có chi phí thấp hơn hai nước nói trên. Ngoài ra, Việt Nam còn là một thị trường lớn thứ 3 của khu vực Đông Nam Á với hơn 90 triệu dân và đang có cơ hội phát triển nữa khi gia nhập vào cộng động kinh tế chung ASEAN vào cuối năm nay và tham gia TPP.

Tổng vốn đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam đã đạt hơn 37,3 tỉ đô la Mỹ. Riêng tại TPHCM, đầu tư Nhật Bản hiện có 788 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 2,72 tỉ đô la Mỹ.

Các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản vào TPHCM nhiều nhất là: bất động sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; khoa học công nghệ.

Theo người đứng đầu JETRO tại TPHCM, số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư làm ăn ở Việt Nam ngày càng phát triển và mang về lợi nhuận cũng góp phần thu hút đầu tư mới của Nhật vào Việt Nam. Theo JETRO, trong năm 2014, 62,3% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam báo lãi, cao hơn con số 59,9% của năm 2013. Ngoài ra có tới 66% doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn tiếp tục mở rộng hoạt động ở Việt Nam và coi Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng.

Theo ông Yasuzumi với việc dịch chuyển đầu tư sản xuất này, các doanh nghiệp Nhật Bản ở Trung Quốc và Thái Lan cũng sẽ kéo theo các nhà sản xuất công nghiệp phụ trợ đi cùng để phát triển.

Ông Nakajima Satoshi, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM cho biết số lượng hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM (JBAH) đã tăng đến 787 công ty. Ông Nakajima Satoshi tin rằng các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới, trong đó việc Liên đoàn Kinh tế Keidanren đưa đoàn doanh nghiệp đến tìm hiểu môi trường đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam cũng thúc đẩy điều này.

Ông Mukuta Satochi, Giám đốc điều hành cấp cao của Liên đoàn kinh tế Keidanren, nhận định Việt Nam có tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và được coi là cửa ngõ vào ASEAN của Nhật Bản. "Vào cuối năm nay, khi cộng đồng kinh tế chung ASEAN được hình thành thì Việt Nam càng trở nên quan trọng hơn hẳn với tư cách là một cứ điểm kinh doanh trong chiến lược chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Mukuta dẫn đầu đoàn doanh nghiệp của Liên đoàn kinh tế Keidanren đến Việt Nam lần này nói.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp Nhật cũng phàn nàn về chi phí nhân công trong nước đang tăng lên cũng như hạ tầng còn yếu kém.

TPHCM kêu gọi đầu tư Nhật vào hạ tầng và thương mại

ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành của văn phòng JETRO tại TPHCM chia sẻ về xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bàn -Ảnh: Quốc Hùng

Tại diễn đàn, TPHCM mong muốn Nhật Bản đầu tư vào một số dự án trọng điểm đang kêu gọi thuộc các lĩnh vực gồm đường sắt đô thị, xử lý nước thải và thương mại.

Về lĩnh vực đường sắt đô thị, theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, thành phố kêu gọi đầu tư Nhật Bản vào tuyến monorail số 2 và tuyến monorail số 6, trong đó tuyến monorail số 2 có tổng chiều dài 27,2 km có tổng mức đầu tư khoảng 715 triệu đô la Mỹ với hình thức kêu gọi đầu tư là PPP, BOT và tuyến monorail số 6 có tổng chiều dài 6,365 km đi ngầm với hình thức đầu tư ODA, BOT có tổng mức đầu tư ước tính là 1,33 tỉ đô la Mỹ.

Thành phố cũng mong muốn Nhật Bản đầu tư vào dự án hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn thuộc lưu vực số 2 theo hình thức PPP. Tổng mức đầu tư dự kiến là 49,54 triệu đô la Mỹ cho dự án nhà máy xử lý nước thải và 270,5 triệu đô la Mỹ cho dự án hệ thống thu gom.

Bên cạnh đó, thành phố cũng kêu gọi đầu tư Nhật Bản vào dự án khu thương mại ngầm nhà ga trung tâm Bến Thành với hệ thống lối đi ngầm kết nối với các tầng hầm của các tòa nhà lân cận có tổng mức đầu tư hơn 312 triệu đô la Mỹ bằng hình thức PPP.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, thành phố hy vọng tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản qua việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý, tăng cường chuyển giao công nghệ, hỗ trợ ODA và lựa chọn TPHCM như một điểm đến ưu tiên đầu tư, đặc biệt đối với các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp công nghệ cao. Ông Liêm cam kết TPHCM đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, so với các thành phố lớn khác của các nước trong khu vực, TPHCM có các chi phí thiết yếu như nhân công, điện, nước thấp hơn. Chi phí cho lao động giỏi chuyên môn, kỹ năng nghề và có trình độ ngoại ngữ tại TPHCM cơ bản khoảng 440 đô la Mỹ/người/năm. Chi phí điện khoảng 0,09 đô la Mỹ/KWh, nước khoảng 0,43 đô la Mỹ/m3; các chi phí này thấp hơn 2-3 lần so với thủ đô Manila của Philippines, thành phố Quảng Châu (Trung Quốc)…

Tại Diễn đàn, ITPC cũng đã tổ chức buổi kết nối đầu tư – thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản với 5 nhóm lĩnh vực: công nghiệp (năng lượng, hóa chất, điện – điện tử, cơ khí, ô tô, nhựa, dệt may, sắt thép, khoáng sản, máy móc công nghiệp, tái chế…); nông nghiệp – công nghiệp chế biến thực phẩm; giao nhận – vận tải; xây dựng – bất động sản – môi trường; tài chính – ngân hàng – bảo hiểm – nhân sự.
Các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia kết nối hầu hết là những tập đoàn, công ty có qui mô lớn, mạng lưới đầu tư, kinh doanh ở nhiều quốc gia. Có tất cả gần 30 doanh nghiệp Nhật Bản và trên 200 doanh nghiệp Việt Nam

Mời đọc thêm:

>>> Hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có lãi

>>> TPHCM muốn hút đầu tư Nhật Bản vào các ngành then chốt

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới