Thứ Ba, 7/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

SBIC: sau cổ phần hóa, vẫn là… xử lý nợ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

SBIC: sau cổ phần hóa, vẫn là… xử lý nợ

Ngọc Lan

(TBKTSG) – Cũng như Vinalines, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy SBIC (tiền thân là Vinashin) đang tích cực chuẩn bị cho kế hoạch cổ phần hóa (CPH). SBIC đã tái cơ cấu nợ đợt 1 và chuẩn bị tái cơ cấu đợt 2. Liệu doanh nghiệp này đã bước sang một trang mới thật sự hay chưa?

Theo quyết định của Chính phủ cách đây gần một năm về đề án tái cơ cấu SBIC, sau tái cơ cấu, SBIC chỉ còn giữ lại tám công ty con trong tổng số 236 doanh nghiệp các loại “ăn theo” cái tên Vinashin một thời. Tình hình tài chính của SBIC được cải thiện đáng kể nhờ được xóa nợ và đảo nợ từ 10-12 năm, cộng với việc thu gọn mô hình tổ chức đến mức tối đa, SBIC tưởng như đã hội tụ được các điều kiện cần để bắt đầu lại.

Song, mọi chuyện vẫn còn đầy rẫy khó khăn. Bởi sau khi chuyển toàn bộ nợ các công ty con về công ty mẹ để SBIC làm đầu mối xử lý, 165 doanh nghiệp, trong đó có 118 doanh nghiệp mà Vinashin trước kia chiếm hơn 51% cổ phần, lặng lẽ giải thể, phá sản hoặc tiếp tục “chết treo”. Ở những nơi mà  trước đó Vinashin góp cổ phần bằng thương hiệu, thì họ tự xoay xở lấy.

Cổ phần hóa là nhiệm vụ sống còn với SBIC nhưng cổ phần hóa bằng mọi cách, lấy số lượng làm mục tiêu thì e rằng sau cổ phần hóa lại phải tiếp tục xử lý nợ mà thôi.

Hình ảnh của công ty mẹ – SBIC và tám công ty con mà SBIC giữ lại hiện nay có điểm chung là thua lỗ kéo dài, âm vốn chủ sở hữu, trừ Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm (Hải Phòng) “ăn nên làm ra”. Liên tục hơn 10 năm qua, Sông Cấm tập trung đóng tàu, phát triển bất chấp Vinashin sụp đổ vì thua lỗ. Từ mức doanh thu 814 tỉ đồng (năm 2010), Sông Cấm đã đạt 1.300 tỉ (năm 2013), lợi nhuận cao. Mới đây, Sông Cấm và tập đoàn Damen (Hà Lan) đã thành lập liên doanh chuyên đóng các tàu theo thiết kế của tập đoàn này để xuất khẩu sang châu Âu. Tuy nhiên, Sông Cấm đã CPH từ lâu và sự thành công của họ được xem là ngoại lệ.

Theo báo cáo của SBIC, trong năm 2014 họ phải hoàn tất CPH bốn doanh nghiệp: Công ty TNHH một thành viên Tôn Vinashin, Cảng Chân Mây, Công ty đóng tàu Cam Ranh và Công ty công nghiệp tàu thủy Hạ Long. Các công ty còn lại dự kiến CPH trong năm 2015 gồm: Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Cảng Sài Gòn, Công ty Đóng tàu Thịnh Long, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Phà Rừng, Bạch Đằng và công ty mẹ.

Trên thực tế, chưa có công ty nào trong số này đẩy nhanh được tiến độ CPH vì thông thường, doanh nghiệp thua lỗ lớn thường không đủ điều kiện CPH.

Như trường hợp Công ty TNHH một thành viên Tôn Vinashin, để CHP doanh nghiệp này Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC – Bộ Tài chính) đã phải mua bán nợ với các ngân hàng thương mại để xây dựng phương án CPH. DATC đã đề nghị ngân hàng và SBIC xóa tất cả nợ lãi cho doanh nghiệp, khoanh nợ gốc. Tuy nhiên, SBIC đề xuất chỉ khoanh nợ gốc và lãi cho Tôn Vinashin trong vòng năm năm, đợi quyết định của Chính phủ. Còn các doanh nghiệp còn lại trong diện CPH, đều âm vốn chủ từ vài trăm tỉ đến vài ngàn tỉ đồng, kể cả công ty mẹ.

Để CPH được, Chủ tịch Hội đồng thành viên SBIC Nguyễn Ngọc Sự đề xuất Bộ Tài chính cấp đủ vốn điều lệ cho các đơn vị giữ lại, miễn toàn bộ thuế phải nộp. Và quan trọng nhất, những đơn vị thành viên âm vốn chủ sở hữu thì Chính phủ phải xử lý theo cách chuyển các khoản nợ về công ty mẹ để tiếp tục cân bằng sổ sách. Nguồn bù đắp các khoản đã chuyển về công ty mẹ được lấy từ tiền bán cổ phần thu được khi CPH. Trường hợp tiền thu từ bán cổ phần không đủ bù đắp, sẽ kiến nghị Chính phủ tiếp tục có cơ chế hỗ trợ công ty mẹ thông qua hình thức tái cơ cấu nợ, bù đắp lỗ.

Nếu thực hiện theo đề xuất này thì Chính phủ phải tiếp tục “dang tay” cứu SBIC và các công ty con trong thời gian rất dài, chứ chưa phải xử lý nợ xong là họ có thể dần dần đứng trên đôi chân của mình.

Nếu như vậy có nhất thiết phải bằng mọi cách, kể cả dùng tiền ngân sách, để CPH cho đủ số lượng các công ty con của SBIC? Cái giá phải trả để cứu Công ty Tôn Vinashin – một doanh nghiệp không thuộc hàng thiết yếu trong ngành đóng tàu – quá đắt, trong khi, công ty này có “sống” cũng khó lòng cạnh tranh với các công ty tư nhân cùng ngành nghề.

CPH là nhiệm vụ sống còn với SBIC nhưng CPH bằng mọi cách, lấy số lượng làm mục tiêu thì e rằng sau CPH lại phải tiếp tục xử lý nợ mà thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới