Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Số ảo và sự lãng phí tài nguyên quốc gia

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Số ảo và sự lãng phí tài nguyên quốc gia

Kho số là tài nguyên của quốc gia nhưng đang bị các nhà cung cấp dịch vụ khai thác một cách lãng phí bằng nhiều hình thức như khuyến mãi, giảm giá… Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Tính đến cuối tháng 9-2008, số thuê bao điện thoại trên toàn quốc đã vượt qua con số 70 triệu, đạt tỷ lệ hơn 80 máy/100 dân, trong đó hơn 80% là thuê bao điện thoại di động. Đây là con số tăng trưởng “chóng mặt” nếu so với tổng số 45 triệu thuê bao của năm ngoái và 27 triệu vào cuối năm 2006.

Theo hãng Telecom-munications Management Group – TMG, khi mật độ điện thoại tăng 1% thì thu nhập bình quân đầu người tăng 4,7% hoặc khi mức sử dụng Internet tăng 1% thì thu nhập bình quân đầu người tăng 10,5%. Nếu đo lường được sự phát triển của mạng viễn thông theo tiêu chí này thì quả là tín hiệu đáng mừng.

Vì mạng điện thoại là phương tiện hữu hiệu giúp rút ngắn khoảng cách về thông tin và cách biệt dân trí giữa các vùng miền. Khi cộng đồng sử dụng mạng rộng lớn, tính tương tác cao cũng sẽ giúp các nhà cung cấp có cơ sở để phát triển các tiện ích kèm theo cho xã hội.

Ở một góc cạnh khác, nhìn vào cơ cấu thị phần, trong tổng số thuê bao hiện nay, tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang chiếm khoảng 55% thị phần, Viettel với 34%, tiếp đến là SPT, EVN Telecom…

Nghĩa là sau năm năm kể từ khi S-Fone, mạng di động thứ hai ra đời, rồi tiếp đến là Viettel, bộ mặt của ngành viễn thông đã thay đổi nhanh chóng nhờ sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là bề nổi của vấn đề. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về tính thực chất và hiệu quả của con số 80 máy điện thoại/100 dân.

Việc các mạng di động thi nhau khai thác kho số – một dạng tài nguyên quốc gia – bằng phương thức chính là giảm giá, khuyến mãi đã kéo theo tình trạng các thuê bao “sống bám”. Nhiều người sở hữu quá nhiều SIM và “tuổi thọ” của thuê bao rất ngắn.

Thử làm một phép tính, với 13 triệu thuê bao cố định hiện nay chia cho khoảng 10.000 xã trên toàn quốc, mỗi xã “sở hữu” trung bình chỉ 1.300 số điện thoại! (nếu trừ TPHCM và Hà Nội với 3 triệu thuê bao thì tỷ lệ này càng thấp hơn).

Hiện tại mạng di động đạt 57 triệu số, nhưng nếu tính theo từng mạng công bố (Viettel 25 triệu, MobiFone 23, VinaPhone 12 và S-Fone 5 triệu) thì đã xấp xỉ 70 triệu. Vậy mà Viettel còn đưa ra chỉ tiêu cuối năm nay đạt 28 triệu trong khi MobiFone là 30 triệu và VinaPhone 20 triệu.

Nếu vậy, số thuê bao trên toàn quốc sẽ vượt xa ngưỡng 1 máy/người ngay trong năm nay. Quả là một con số không tưởng nếu lấy số thuê bao làm tiêu chí tính mật độ điện thoại – cơ sở để đo lường một xã hội hiện đại.

Một trong những tiêu chí hàng đầu về mạng điện thoại là một công nghệ “phát triển càng lên cao thì càng xuống thấp”. Nghĩa là một mạng di động càng phát triển càng mang tính phổ thông và đến được với đại đa số người dùng. Trong sự phát triển đó, cơ hội cho người thu nhập thấp sẽ lớn hơn, và người giàu sẽ bù cho người nghèo, cuối cùng nhà cung cấp sẽ được hưởng lợi.

Nhưng việc phát triển gắn liền với khuyến mãi ồ ạt như hiện nay đã ít tạo cơ hội cho người dân ở các vùng sâu vùng xa, trong khi lại tạo ra kẽ hở cho những người “sở hữu” nhiều SIM. Đó cũng chính là lý do mà gần đây chỉ số ARPU (thu nhập bình quân trên thuê bao) của các nhà cung cấp ngày càng tụt giảm.

Tại các cuộc hội thảo gần đây, các chuyên gia quốc tế đã cảnh báo các nhà quản lý là việc công bố năng lực của một mạng viễn thông chỉ đơn thuần dựa trên số thuê bao có thể gây nhầm lẫn rằng tần số mà nhà khai thác đang được quyền sử dụng đã bị quá tải, hoặc kho số đang cạn kiệt.

Theo chuyên gia viễn thông Phạm Tiến Thịnh, việc cạnh tranh bằng cách giảm giá có thể dẫn đến hậu quả không tích cực trong sử dụng tài nguyên quốc gia về tần số. Điều này có thể dẫn đến việc các nhà khai thác “thổi phồng” số thuê bao và ảo tưởng về hiệu quả đầu tư của mình.

Cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Thông tin Truyền thông đã ký hợp đồng giải ngân với bốn doanh nghiệp gồm VNPT, EVN Telecom, Viettel và Vishipel để phát triển các dịch vụ viễn thông cơ bản cho vùng công ích trị giá hơn 1.200 tỉ đồng. Số tiền không nhỏ này để cho các doanh nghiệp sử dụng vào việc phát triển và duy trì các thuê bao ở vùng đặc thù, những nơi ít có cơ hội thụ hưởng những dịch vụ về điện thoại, Internet. Tuy nhiên, một doanh nghiệp viễn thông không thể giống như tất cả những doanh nghiệp khác, vì họ đang sở hữu tần số và kho số quốc gia, tài nguyên chung của toàn dân. Việc phát triển kinh doanh phải đi liền với trách nhiệm xã hội. Nếu hiện tượng số thuê bao ảo cứ tiếp tục kéo dài thì khó có thể đánh giá chính xác được sự phát triển của mạng lưới viễn thông cả về lượng lẫn về chất.

TUYẾT ÂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới