(KTSG Online) – Tăng trưởng nhanh về lượng thanh toán trong thời gian qua nhưng việc số hóa ngân hàng vẫn được đánh giá là chậm chạp. Nếu không xử lý kịp thời vấn đề pháp lý, tiến trình số hóa ngân hàng sẽ bị kéo lùi so với các quốc gia trong khu vực.
Theo báo cáo “Sức khỏe ngành tài chính và ngân hàng khu vực châu Á–Thái Bình Dương” (Backbase ủy quyền cho Forrester Consulting thực hiện), tốc độ chuyển đổi ngân hàng số tại Việt Nam vẫn chậm hơn so với nhiều quốc gia đang phát triển khác.
Tiến nhanh nhưng vẫn chậm
Ông Iman Ghodosi, Phó giám đốc Backbase khu vực châu Á–Thái Bình Dương, đánh giá các ngân hàng Việt Nam và khách hàng của họ mới chỉ đang ở bước đầu trên hành trình số hóa.
Việc chuyển đổi vẫn diễn ra một cách từ từ khi thống kê có 58% tổ chức tham gia khảo sát cho biết ngân hàng đang triển khai hoặc mở rộng việc cung cấp dịch vụ ngân hàng số, trong khi 28% chia sẻ rằng tổ chức họ “không quan tâm” hoặc “đang dần loại bỏ” dịch vụ số này.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tại Việt Nam, 72% đơn vị trong lĩnh vực ngân hàng nhìn nhận việc thiếu sự nắm bắt về nhu cầu của khách hàng là một trở ngại trong việc phát triển thêm các công cụ số cho người dùng.
Ngoài ra, có 74% đơn vị cho rằng họ không chắc chắn về cách làm việc hoặc hợp tác cùng công ty fintech để triển khai hoạt động, 70% cho biết nguyên nhân nằm ở nền tảng công nghệ đã lỗi thời hoặc phải kế thừa từ giai đoạn trước, 68% giải thích do “các ưu tiên cạnh tranh”.
Báo cáo cho rằng một nguyên nhân cũng xuất phát từ người tiêu dùng khi chỉ có 16% người Việt Nam đang có mức độ tin tưởng tương đối thấp đối với các ngân hàng chỉ có hiện diện số (digital-only bank).
Tuy nhiên, vấn đề này sẽ nhanh chóng được cải thiện khi người dùng càng nắm bắt nhiều thông tin hơn và có quyền kiểm soát để đưa ra những lựa chọn tài chính sáng suốt hơn, tương tự như xu hướng đang diễn ra trên toàn cầu.
Ghi nhận trong thời gian qua, rất nhiều ngân hàng đã đổi mới hình ảnh, nâng cấp ứng dụng, thay đổi cách thức truyền thông và tiếp thị sản phẩm đến khách hàng.
“Nếu như việc phát triển các ứng dụng mobile banking trước đây là “mơ ước” của nhiều ngân hàng thì giờ lại trở nên bình thường”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số: Xu hướng và sáng kiến chiến lược” mới đây.
Theo ông Hùng, thống kê cho thấy trên 94% ngân hàng thương mại đã tham gia vào chuyển đổi số. Trong đó, có một số ngân hàng thương mại rất nhanh nhạy trong việc phát triển số lượng lớn khách hàng. Điều này đã mang lại lợi thế trong tương lai chứ không phải vì nguồn thu phí trước mặt, nhờ thu hút được lượng tiền gửi không kỳ hạn rất lớn.
Bà Trần Diễm Chi, đại diện Backbase Việt Nam, cho biết hiện tại có nhiều ngân hàng đầu tư vào ứng dụng số cho cả khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, từ đó đặt tham vọng tạo nền tảng hệ sinh thái để cung cấp trải nghiệm liền mạch. Tuy nhiên, dù đầu tư nhiều nhưng các giải pháp vẫn mang tính phân mảnh và rời rạc.
Cần sớm có hành lang pháp lý
Một bước tiến mới về pháp lý quan trọng trong thời gian qua có thể kể đến là việc định danh điện tử (eKYC), giúp ngân hàng và khách hàng chủ động và thuận lợi hơn rất nhiều trong hoạt động thanh toán. Điều này đặc biệt thuận lợi trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư hiện nay.
Tuy nhiên, với các nhà băng, vẫn còn rất nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý cần được xem xét.
Chẳng hạn, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó tổng giám đốc BIDV phụ trách khối bán lẻ và trung tâm ngân hàng số, đặt vấn đề hành lang pháp lý cho các dịch vụ trực tuyến hiện vẫn còn rất thiếu nếu muốn thực hiện số hóa toàn bộ cho khách hàng. Với các tổ chức tín dụng, đặc biệt là ngân hàng quốc doanh như BIDV thì có những rào cản pháp lý càng khó khăn hơn.
“BIDV đã có văn bản gửi sang NHNN, hiện giờ chỉ thử nghiệm chứ không có hành lang pháp lý. Nếu chúng ta có hành lang pháp lý đầy đủ thì sẽ phát triển đầy đủ hơn”, bà Giao nói.
Tương tự, ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Ngân hàng MB, đánh giá số hóa ngân hàng không chỉ là phải đầu tư công nghệ. “Các tiêu chuẩn công nghệ mới bao giờ cũng đi trước, hành lang pháp lý đi chậm hơn thì kéo chậm tiến trình số hóa ngân hàng”, ông Thái nhận định.
Ngoài các vấn đề liên quan đến giao dịch trực tuyến như eKYC, hay hợp đồng điện tử, đại diện MB cho rằng cần xem xét đến cả việc mở rộng hệ sinh thái ngoại tuyến, như vấn đề pháp lý của mô hình ngân hàng đại lý.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Hiệp hội Ngân hàng, cho biết bản thân hiệp hội cũng vừa thành lập câu lạc bộ fintech, giúp kết nối các tổ chức tín dụng và các đơn vị công nghệ. Tuy nhiên, ngành ngân hàng hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề pháp lý cần hoàn thiện và đặc biệt quan trọng. Chẳng hạn như vấn đề kết nối dữ liệu với các bên liên quan như y tế, giao thông, bảo hiểm,…
Ông Võ Tấn Long, Phó tổng giám đốc PwC Việt Nam, đánh giá eKYc mới chỉ bước khởi đầu, phổ cập khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho khác hàng. Tuy vậy không gian số tài chính vẫn còn rất nhiều dịch vụ ngân hàng cần được quan tâm, kể cả mô hình ngân hàng đại lý.
Điều quan trọng là cần những quy định về an ninh, an toàn, bảo mật cũng như các đơn vị ngoài ngành tham gia vào hệ sinh thái dịch vụ tài chính tuân thủ với mức độ như thế nào.
“Ngân hàng ảo đang là một trong những xu hướng mà hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đang đẩy mạnh. Cơ quan quản lý cần quan tâm để ngành ngân hàng không chậm chân so với các nước trong nước khu vực”, ông Long nói.