Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sự hình thành và cách làm ăn của các đại lý cà phê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sự hình thành và cách làm ăn của các đại lý cà phê

Nông dân dùng máy bóc vỏ cà phê lấy nhân – Ảnh: Giacaphe.

Bạn Nguyễn Thị Hằng ở huyện Cư Mgar, Dak Lak có câu hỏi gửi tới mục Chuyên gia tư vấn trang Nông sản như sau: “Sao các công ty xuất khẩu không mua cà phê trực tiếp của nông dân mà phải mua qua các đại lý và sự hình thành đại lý cà phê diễn ra như thế nào mà hiện nay, lắm đại lý, công ty tư nhân kinh doanh thương mại cà phê, nhận ký gửi của nông dân rồi đánh bài xù?”.

>>Vỡ nợ, đại lý cà phê bỏ trốn

>>Ít nhất 24 doanh nghiệp cà phê vỡ nợ

>>Ký gửi cà phê: rủi ro đeo bám nông dân

>>Hơn 18.000 tấn cà phê gửi kho: Kẻ nói có người nói không

>>“Tín dụng đen” làm khó xuất khẩu nông sản

Tòa soạn xin giới thiệu bài viết “Sự hình thành và cách làm ăn của các đại lý”, bao gồm cả các doanh nghiệp thương mại cà phê. Mời bạn Hằng tham khảo:

Làm đại lý (bao gồm hộ kinh doanh cá thể, công ty tư nhân) là con đường ngắn nhất và nhanh nhất để làm giàu trong ngành kinh doanh cà phê. Rất nhiều nông hộ có cùng chung nhận thức là phải chọn mặt gửi vàng, nhưng biết chọn ai khi mà không chỉ các đại lý, các doanh nghiệp tư nhân nhỏ chiếm đoạt hay tuyên bố phá sản mà ngay cả những doanh nghiệp lớn xưa nay vốn có uy tín cũng đang dính vào những vụ lùm xùm, tòa án cũng chưa giải quyết được.

Sự hình thành đại lý cà phê

Đây là bài viết của tác giả Lê@, đã đăng trên diễn đàn Giacaphe. Lê@ là một cộng tác viên của TBKTSG Online, là một chuyên gia pháp lý đã gắn bó hơn 20 năm qua với ngành cà phê.

Được sự đồng ý của tác giả Lê@, tòa soạn biên tập và sử dụng lại bài viết này, tên bài viết do tòa soạn đặt.

Vào khoảng năm 1987 trở vể trước hầu như không có khái niệm đại lý cà phê. Người trồng cà phê được cấp sổ để giao dịch với các công ty xuất khẩu, lúc đó gọi là ngoại thương. Qua sổ này người trồng bán cà phê trực tiếp cho công ty và được mua đối lưu một số mặt hàng thiết yếu.

Thời bấy giờ chỉ có các cơ sở gia công chế biến cà phê cho ngành ngoại thương, đó chính là các hợp tác xã. Các công ty ngoại thương kinh doanh cà phê là độc quyền, do vậy mới nảy sinh ra một nhóm người chuyên gom cà phê trong dân và “bắt tay” với cán bộ thu mua của công ty ngoại thương và… đại lý cà phê bắt đầu nhen nhóm từ đây.

Họ chỉ là nông dân, hoặc là tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ. Hàng ngày họ vào các vùng nông thôn để mua gom và vận chuyển bằng đủ loại phương tiện, như xe đạp, xe máy, xe lam, máy cày…Đây là lực lượng đóng vai trò nòng cốt chuyên lo gom hàng. Sau đó tiến lên một bước là hình thức nhận tiền trước và chốt giá hàng ngày để tổ chức mua gom theo từng nhóm, mỗi chiều về đến cân lại cho các trạm – cửa hàng của công ty ngoại thương rồi tính toán chia nhau lãi lỗ trong ngày.

Ban đầu là thế, nhưng khi thị trường cạnh tranh bắt đầu diễn ra, kinh doanh cà phê cũng không còn là độc quyền của ngành ngoại thương, và khi giá cà phê đột biến tăng cao vào những năm 1995-1996 thì nhà nhà – ngành ngành cùng đổ xô vào mặt hàng cà phê. Các nông trường, xí nghiệp sản xuất chuyên trồng cà phê giờ cũng tranh nhau chuyển đổi thành công ty và cũng đăng ký kinh doanh – xuất khẩu cà phê, các công ty lớn của ngành nông sản – thực phẩm ở các thành phố lớn cùng kéo quân lên Tây Nguyên tổ chức mua bán cà phê dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt.

Tình trạng mua bán bát nháo bắt đầu từ đây, các đại lý mọc lên như nấm mọc sau mưa rào.

Không có ở ngành nào như ngành cà phê Việt Nam. Giá trị cà phê so với các loại nông sản khác lớn là thế, nhưng tất cả đều giao tiền trước một cách ồ ạt. Chỉ cần một cú điện thoại bán, có khi năm bảy tấn, có khi một vài container, có khi cả hàng trăm tấn. Alô gút giá và số lượng xong là đến doanh nghiệp để nhận tiền tỉ mà không có một điều kiện pháp lý nào ràng buộc khi họ không giao được hàng.

Lấy tiền xong sẽ giao cà phê sau 5 đến 7 ngày, nhưng có khi nhiều tháng mới có hàng (!). Do vậy mới xảy ra tình trạng trong kho đại lý chỉ có vài chục tấn cà phê nhưng họ đã nhận tiền hàng trăm tấn của nhiều công ty lớn. Công ty nào đến nhìn qua kho cũng đều an tâm vì tưởng là hàng của mình nhưng chưa đến hạn giao và cứ thế là gút tiếp và giao tiền tiếp. Dễ như vậy sao lại không làm đại lý.

Có nhiều đại lý, công ty tư nhân hình thành bằng chính khả năng kinh doanh và năng lực tài chính của mình. Nhưng cũng có lắm đại lý hình thành bằng tay không, gút vài chục tấn lấy tiền sửa chữa – xây kho – dựng bảng hiệu hoành tráng thì càng có nhiều công ty tìm đến giao tiền, rồi lấy tiền công ty sau mua hàng giao cho ông trước. Đó là chuyện mua bán ngay.

Còn khi các công ty dự báo tình hình thị trường cà phê trong tương lai có khả năng tăng cao thì giới kinh doanh cà phê còn có kế hoạch “mua non” bằng cách vay ngân hàng và ký chốt giá giao ứng trước tiền mặt, phân bón, máy móc… cho đại lý với thời gian dài chờ đến vụ thu hoạch. Đại lý bắt đầu chốt giá lại với nông dân với mức giá thấp hơn, ai cần thì đến nhận. Khi giá lên thì doanh nghiệp và đại lý cùng lãi. Nhưng khi giá xuống thì doanh nghiệp ăn đòn còn đại lý ở giữa vẫn vui vẻ.

Thực tế đã có nhiều đại lý ôm tiền của công ty xuất khẩu cà phê về xây nhà, mua xe tiền tỉ để giải quyết khâu oai (tại ĐakLak có doanh nghiệp tư nhân mới mọc lên chừng 7 – 8 năm thôi, chỉ làm đại lý mua cà phê cho một công ty lớn, nhưng chủ doanh nghiệp tư nhân này ngồi trên chiếc ôtô hạng sang mà ông tổng giám đốc của công ty ứng tiền nọ cả đời cũng không dám mơ đến), để làm thương hiệu, chờ đến mùa hay giá rớt mua vào để trả cho công ty của “anh tổng”.

Nhưng không như dự đoán, giá không xuống mà lại lên. Thế là đại lý “lên đường” còn công ty mất vốn, chỉ biết xử lý bằng cách treo nợ chờ thời, vì dẫu sao thì công ty cũng đã “có chỗ chỉ” ai nợ mình. Còn những đại lý khi đã âm ỉ cháy nhưng chưa lên đường (ám chỉ thua lỗ, phá sản) thì buộc các công ty phải nuôi bằng cách bơm tiền tiếp để đại lý họat động. Nếu không họ tuyên bố phá sản thì công ty ứng tiền kia biết ăn nói làm sao với cấp trên.

Cách làm ăn của đại lý

Nông dân thì xem đại lý trong vùng là bà đỡ thật sự (đại lý chẳng khác gì ngân hàng, sẵn sàng tạm ứng tiền mua phân thuốc, chi dùng gia đình cho nông dân khi bà con cần). Họ gắn bó với nhau vì đôi bên cùng có lợi. Nhưng một khi tất cả nông dân trong vùng cùng gửi cà phê vào kho đại lý với số lượng khá lớn thì đại lý tính ngay bài toán là “chiếm dụng vốn”.

Dại gì phải đi vay lãi của ngân hàng để tạo vốn kinh doanh trong khi mình đang có cả kho cà phê của dân ký gửi. Có nhiều hộ gom góp để dành mỗi năm một ít, chờ được giá mới bán để xây nhà, mua sắm tài sản nên đã có thời gian gửi kho cho đại lý đôi khi vài ba năm.

Đa phần thì bản chất của đại lý làm ăn trong các vùng dân cư là cố bảo vệ uy tín để phát triển, làm ăn chân chính, năng nhặt chặt bị. Chẳng may do dự đoán sai, cứ tưởng giá xuống nên tranh thủ bán hết cà phê của dân, chờ đến mùa mua giá thấp nhập lại kho để kiếm lời. Nhưng giá không xuống mà lại quay đầu đi lên, bán xong không thể mua lại đủ số lượng đã bán của dân.

Kinh doanh cà phê mà gặp những trường hợp này là rất khó gượng dậy. Nhiều đại lý lâm nạn nhưng vẫn bưng bít được một thời gian, đến mức không thể trụ được nữa mới công khai xin chịu trận.

Cũng có đại lý hình thành với mục đích là chiếm đoạt tài sản của người khác. Ban đầu họ làm ăn rất sòng phẳng, tạo uy tín để dẫn dắt khách hàng đến với mình một thời gian rồi mới “ra chưởng”. Như vợ chồng ông L., ban đầu xây kho làm đại lý được một thời gian, sau đó nâng cấp thành công ty TNHH, chồng làm giám đốc và vợ làm phó giám đốc. Tài sản của vợ chồng thì ký hợp đồng với nhau lấy nhà ở của mình cho công ty thuê làm văn phòng, lấy nhà xưởng của mình cho công ty thuê để làm kho và cơ sở chế biến… Bà con tưởng họ làm ăn thật thà và phát đạt nên có bao nhiều cà phê đều đem đến gửi để chờ giá.

Nhớ đợt giáp tết năm 2008, khi giá cà phê tăng đột biến từ 24.000đồng/kg lên 34.000đồng/kg, Công ty này gút bán cho các doanh nghiệp lớn với số lượng trên 500 tấn của bà con thu về trên 17 tỉ đồng. Sau tết bà con biết chuyện đến gút giá lấy tiền hoặc lấy lại cà phê thì chuyện đã rồi. Bà con phải chấp nhận lấy tiền theo giá 24.000 đồng/kg, nhưng cũng chỉ có được 50% thôi, phần còn lại xin chờ đến khi nào có thì trả tiếp.

Họ còn tuyên bố: “nếu hộ nào không đồng ý thì cứ kiện ra tòa vì công ty có vốn điều lệ chỉ là 1 tỉ đồng đã thua lỗ hết rồi, nếu cần thì họ tuyên bố phá sản thế là xong. Khi đó không có gì để chia đâu. Còn nhà ở và kho xưởng là tài sản của riêng họ, không có cơ quan pháp luật nào dám lấy tài sản riêng đó để trả nợ cho công ty (của vợ chồng họ)”.

Đó chỉ là thiểu số nhưng nó là “con sâu làm rầu nồi canh”, còn nhiều đại lý làm ăn uy tín, vươn lên hình thành công ty, vừa kinh doanh thương mại cà phê trong nước, tiến thêm sang lĩnh vực xuất khẩu.

Không gửi cà phê cho đại lý hay đại lý không gửi cho công ty thì gửi ở đâu?

Với câu hỏi này, nhiều người trả lời ngay là nên gửi cho các doanh nghiệp lớn, có uy tín. Đúng rồi, nhưng cũng cần xem lại, như Lâm Đồng có cả tập đoàn cà phê C., đã ngã quỵ, các công ty nhỏ hơn như T.,, P., …cũng ra đi từ lâu rồi. Tại Đak Lak xảy ra vụ Hứa Thanh Hồng thuộc Công ty Simexco bị công an bắt giam năm ngoái cũng liên quan tới nhận ký gửi của nông dân. Năm 1999 – 2001 Công ty I. ở Dak Lak đã nhận gửi kho trên 220 tấn cà phê nhưng chỉ trả được gần 50 tấn, số còn lại 186 tấn của 42 hộ đến nay không biết ai sẽ trả. Tòa buộc công ty phải trả nhưng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã kháng nghị yêu cầu hủy bản án.

Cũng trong thời gian này, một chi nhánh khác của công ty I, đã nhận gửi của nhiều hộ, hiện còn tranh chấp lòng vòng, trên 100 tấn, chưa biết tòa sẽ quyết trách nhiệm thuộc về ai?

Nhiều người giới thiệu nên đem đến Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột gửi là an toàn. Nhưng nông dân toàn ở vùng sâu vùng xa, ai mà chở cà phê từ huyện lên tỉnh để gửi.

Ai cũng biết là các công ty xuất khẩu cà phê lớn hiện nay chưa biết sẽ “lên đường” vào lúc nào vì nhiều công ty đang sống dựa vào sự tiếp sức của ngân hàng là chính, còn vốn chủ sở hữu đã bốc hơi sạch sành sanh từ lúc nào chẳng ai nhớ.

Vốn kinh doanh thì chủ yếu là ráng tìm và ký hợp đồng ngoại, dùng bộ hợp đồng này mang thế chấp ngân hàng để có vốn hoạt động, hoặc dùng cà phê của nông dân, đại lý ký gửi để thế chấp lấy vốn vay vòng. Một khi dùng cà phê của nông dân hay đại lý ký gửi để thế chấp vay vốn ngân hàng, lấy tiền vốn này tạm ứng lại cho nông dân, đại lý với lãi suất cao hơn lãi vay ngân hàng, hưởng chênh lệch mà sống nhưng rất dễ xảy ra mất vốn nếu giá cà phê biến động, đại lý xù nợ.

Nguồn: Lê@ – Giacaphe

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới