Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Sức ép nguồn nhân lực CNTT

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Sức ép nguồn nhân lực CNTT

Tăng số lượng sinh viên CNTT trong các trường đại học là một trong những giải pháp để giảm thiểu những sức ép về nhu cầu nguồn nhân lực CNTT hiện nay. Ảnh: Tuấn Linh.

(TBVTSG) – Nguồn nhân lực cho ngành công nghệ thông tin (CNTT) ngày càng đối mặt với nhiều thách thức khi mà nhu cầu về nhân lực của toàn xã hội tăng nhanh, doanh nghiệp gặp sức ép mạnh trước yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và sự cạnh tranh lẫn nhau để giữ người; trong khi mô hình đào tạo lại chuyển mình quá chậm…

Nhu cầu về nguồn nhân lực CNTT trên thị trường hiện đang tăng nhanh do nhiều yếu tố: sự tăng trưởng trong ứng dụng CNTT của Chính phủ và doanh nghiệp; sau giai đoạn đầu phát triển, Việt Nam bắt đầu hình thành thị trường có nhu cầu về nguồn nhân lực kỹ năng cao cho dịch vụ gia công phần mềm; hoạt động đầu tư của các tập đoàn CNTT đa quốc gia vào Việt Nam; các ứng dụng phục vụ cho người sử dụng cuối bùng nổ với sự tăng trưởng của hạ tầng viễn thông và Internet.

Nhu cầu sử dụng lao động trở nên đa dạng và tăng cao đã đẩy các thách thức về nguồn nhân lực cho ngành CNTT đến mức căng thẳng hơn. Trong khi đó, việc đào tạo vẫn đang được báo động là chưa đáp ứng được sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế về nghề cùng các kỹ năng chuyên nghiệp, ngoại ngữ và năng suất lao động…

Sức ép từ nhiều phía  

Theo ông Ngô Hùng Phương, Tổng giám đốc CSC Việt Nam, khi mà ngành CNTT tại Ấn Độ phát triển, các khách hàng đã đổ xô đến quốc gia này. Tốc độ phát triển nhanh dẫn đến “cuộc chiến” giành giật tài năng tại thị trường này, làm cho tỷ lệ nhân lực chuyển việc và giá nhân công tăng cao.

Các tập đoàn lớn bắt đầu tìm những thị trường mới và Việt Nam được chú ý vì tỷ lệ chuyển việc thấp với khoảng 7-10% (năm 2006), và mức lương thấp hơn tại Ấn Độ 30%.

Nhưng nay thì tình hình đã khác, tỷ lệ chuyển việc ở Việt Nam đã tăng đến 20%, lạm phát gia tăng, giá thuê văn phòng tăng cao làm cho giá nhân công chỉ còn thấp hơn Ấn Độ khoảng 10%. Những yếu tố này đã làm cho khả năng cạnh tranh của Việt Nam bị giảm sút.

Ông Phương báo động về tỷ lệ chuyển việc đang tăng nhanh thông qua các cuộc “săn lùng” nhân sự của nhau chứ doanh nghiệp không chú trọng đào tạo thêm cho các sinh viên mới ra trường để giúp họ rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế, tăng mức độ trung thành ở người lao động và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho chính mình.

“Tỷ lệ chuyển việc trong công ty thấp là yếu tố quan trọng giúp thuyết phục khách hàng. Đó cũng là cách giảm chi phí cho nhân lực và giúp tăng độ ổn định trong toàn ngành,” ông Phương nói.  

Việc đào tạo nhân lực cho nền kinh tế còn mang tính kế hoạch hóa, trong khi nhu cầu về nhân lực của doanh nghiệp lại mang tính thị trường.    

Để giảm thiểu những thách thức kể trên, ngành CNTT chỉ có thể cạnh tranh trên cốt lõi là làm sao có được nguồn nhân lực dồi dào với chất lượng ổn định. Giải pháp có thể là tăng số lượng sinh viên CNTT trong các trường đại học, khuyến khích hợp tác quốc tế và sự tham gia của doanh nghiệp vào hoạt động đào tạo bổ sung kiến thức về quy trình, công nghệ mới và kỹ năng làm việc. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo ngôn ngữ ngay trong trường đại học và đưa ra các yêu cầu về trình độ ngoại ngữ phải theo chuẩn quốc tế.  

Theo ông Võ Văn Khang, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Việt Á, vai trò của CNTT ngày càng trở nên quan trọng trong doanh nghiệp ứng dụng để phục vụ nhu cầu kinh doanh. Nguồn nhân lực CNTT trong các doanh nghiệp không hoạt động trong ngành CNTT còn đòi hỏi những điều kiện đặc thù khác mà việc đào tạo hiện nay chưa thực hiện được. Trong khi đó, thị trường lại biến đổi liên tục, nguồn nhân lực CNTT tại các doanh nghiệp vì thế chịu sức ép không chỉ về kỹ thuật công nghệ mà còn từ các nền tảng khác.  

Sự phát triển nhanh của công nghệ và các ngành nghề kinh tế, tính đa dạng của dịch vụ và sản phẩm cũng đã đẩy tình trạng này vào chỗ khó khăn hơn. Ông Khang cho biết Việt Á đang sử dụng 50 người trong nhu cầu 100 người để quản trị hệ thống CNTT. Đội ngũ này buộc phải có khả năng thích ứng với hiện thực thị trường, phải có đủ độ uyển chuyển và linh hoạt để theo kịp các biến động đó.  

Tính chuyên môn hóa ngày càng cao trong ứng dụng, sự xoay vòng liên tục trong việc sử dụng nhân lực tại các doanh nghiệp cũng đẩy thị trường vào chỗ bó hẹp khi không tuyển người được đào tạo từ đầu mà lấy những người có sẵn kinh nghiệm. Hậu quả là doanh nghiệp không chú trọng trong việc sử dụng những người trẻ, ít kinh nghiệm nhưng sẵn sàng và năng động hơn.  

“Điều này chỉ ra không chỉ sự yếu kém của nguồn nhân lực mà cả tính không chuyên nghiệp trong phương cách tuyển dụng của doanh nghiệp. Ứng dụng CNTT là điều sống còn trong các ngành kinh tế hiện nay. Nhu cầu chắc chắn gia tăng trong giai đoạn tới, vì thế doanh nghiệp phải chủ động hoạch định chiến lược đào tạo và sử dụng nhân lực cho mình,” ông Khang nói.  

Theo ông Phí Anh Tuấn, Giám đốc CMC chi nhánh phía Nam, việc cạnh tranh bền vững không thể chỉ dựa trên chi phí nhân công rẻ mà quan trọng là tính chuyên nghiệp và năng suất lao động. Hiện các trường đào tạo nhiều về chuyên môn kỹ thuật nhưng thiếu đội ngũ về chuyên ngành và hệ thống. Điều mong mỏi của doanh nghiệp là sinh viên có kiến thức nền tảng và am hiểu thực tế để áp dụng được kiến thức đã học vào công việc. “Họ cũng nên được đào tạo để hiểu biết về các chuẩn mực nghề nghiệp cũng như kỹ năng để hội nhập nhanh với văn hóa doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.

Hoạt động đào tạo chuyển mình chậm  

Theo Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Kiếm, Hiệu trưởng Đại học CNTT TP.HCM, lĩnh vực CNTT ngày nay cần đến hàng trăm chức danh, nghề nghiệp mới nhưng các cơ sở đào tạo không đáp ứng kịp. Danh mục lĩnh vực đào tạo tại các trường đại học hiện nay không bao quát được hết các ngành nghề. Ví dụ, Đại học CNTT chỉ đào tạo có năm chuyên ngành. Đó là chưa kể chuẩn đào tạo hiện chưa theo kịp chuẩn nghề nghiệp. Lao động CNTT lại là loại hình làm việc mang tính chất đa quốc gia, phải đáp ứng sự đòi hỏi về nguồn nhân lực toàn cầu vừa cao, vừa đa dạng và khắt khe.  

“Việc quản lý đào tạo không dừng ở việc quản lý con người mà còn ở quản lý chất lượng. Vì thế, phải định hướng lại công tác đào tạo theo các yêu cầu: đổi mới nội dung liên tục; đổi mới phương pháp và đưa công nghệ vào giáo dục; đổi mới phương thức tổ chức và khai thác nguồn lực. Tại sao sinh viên không thể vừa làm vừa học ngay từ năm thứ hai để giúp chuẩn đào tạo và chuẩn nghề nghiệp xích lại gần nhau hơn?” ông Kiếm băn khoăn.  

Theo Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT, khó khăn của ngành CNTT còn xuất phát từ chính bộ máy đào tạo đang gặp nhiều bất cập. Việc đào tạo nhân lực cho nền kinh tế còn mang tính kế hoạch hóa, trong khi nhu cầu về nhân lực của doanh nghiệp lại mang tính thị trường.  

Ông Tùng nhận xét, các mô hình đào tạo hiện đang giẫm chân nhau, lẫn lộn giữa chức năng giáo dục và đào tạo. Theo ông, việc đào tạo chỉ có thể được cải thiện khi có quy hoạch trường, khoa theo từng định hướng đào tạo. Nhà nước điều tiết mối quan hệ giữa trường và doanh nghiệp bằng các chính sách như khuyến khích doanh nghiệp mở trường hoặc khuyến khích trường mở công ty.  

Cần một “cổng thông tin”  

Tiến sĩ Trương Bá Hà, Giám đốc Công ty PSC, Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, nhận định rằng thực tế đào tạo về số lượng và chất lượng hiện đều bất cập vì thiếu điểm giao nhau giữa các bên trong nhu cầu cung cấp và sử dụng nguồn nhân lực. Nhưng bất cập ra sao và giải quyết như thế nào thì chưa có cơ quan nào đảm trách. Sự yếu kém của hệ thống quản lý làm cho việc đào tạo mất định hướng. Hiện ngay cả cơ quan quản lý vĩ mô trong các ngành cũng chưa dự báo được nhu cầu sử dụng nhân lực của ngành mình thì làm sao có các quy hoạch cụ thể cho việc đào tạo!  

Theo ông, cần có một “cổng thông tin” về đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực với các chủ thể chính tham gia, trong đó, cơ quan quản lý thống kê và dự báo nhu cầu xã hội ; các doanh nghiệp đánh giá thực tế đào tạo để vạch ra kế hoạch phù hợp với chiến lược phát triển của mình ; đồng thời các trường đại học nắm được nhu cầu của doanh nghiệp cùng các phản hồi về chất lượng nguồn nhân lực để hoạch định chương trình đào tạo…  

TUYẾT ÂN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới