Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tai nạn đường sắt đang báo động

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tai nạn đường sắt đang báo động

Lê Anh

Tai nạn đường sắt đang báo động
Để giảm các vụ tai nạn đường sắt nên xóa các đường ngang tự phát để gom vào các điểm chính, nơi có người gác chắn – Ảnh: Anh Quân

(TBKTSG Online) – Vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng giữa ô tô và tàu hỏa xảy ra tại Quảng Trị tối 10-3, khiến đường sắt Bắc – Nam bị tê liệt nhiều giờ đã kéo hồi còi báo động về tình trạng tai nạn đường sắt trong 2 tháng đầu năm 2015.

Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2015, đường sắt xảy ra 86 vụ tai nạn làm chết 37 người và 48 người bị thương. Riêng 9 ngày tết Nguyên đán Ất Mùi đã xảy ra 10 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 9 người, bị thương 3 người.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhận định thời gian qua, tai nạn đường sắt có chiều hướng tăng, nguyên nhân gây ra tai nạn phần lớn do người tham gia giao thông không chấp hành đúng các quy định về an toàn khi vượt qua đường sắt.

Các vụ tai nạn nghiêm trọng của đường sắt phần lớn xảy ra chủ yếu tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt (đường ngang), nhất là đường ngang do người dân tự mở không có gác chắn và đèn tín hiệu. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phân tích, số vụ tai nạn đường sắt tập trung chủ yếu tại các đường ngang chiếm đến 80%.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trên mạng lưới đường sắt hiện tại có hơn 5.000 đường ngang các loại, trong đó 544 đường ngang có biển báo, 304 đường ngang có cảnh báo tự động, 654 đường ngang có người gác, 4.268 đường dân sinh vượt qua đường sắt. Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại Quảng Trị đêm 10-3, nguyên nhân ban đầu được xác định do lái xe tải cố vượt qua đường sắt khi tàu đã đến gần. Điều đáng nói là đường ngang này không có gác chắn và chỉ có đèn tín hiệu tự động.

Để ngăn chặn các vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng, hôm qua 11-3, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có văn bản gửi các địa phương có đường sắt đi qua yêu cầu tăng cường giám sát quy trình của đội ngũ nhân viên gác đường ngang và thường xuyên kiểm tra hoạt động của các thiết bị an toàn trên hệ thống đường ngang, bố trí cảnh giới tại các đường ngang tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn; hướng dẫn quy tắc an toàn giao thông đường bộ khi vượt đường sắt cho người dân.

Đối với các đường ngang không có người gác cần phải có biển báo phù hợp và đặc biệt không để phát sinh thêm đường ngang trái phép. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tạm thời, còn về lâu dài cần phải có những biện pháp căn cơ hơn.

Thứ nhất, ngành đường sắt cần phải xóa bỏ các đường ngang tự phát bằng việc xây dựng các hàng rào chắn để gom vào các đường ngang chính, nơi có người gác chắn và đèn tín hiệu.

Thứ hai, ở các đường ngang có lượng xe qua lại đông thì phải xây dựng cầu vượt vừa tránh được ùn tắc vừa đảm bảo an toàn. Việc này Bộ Giao thông Vận tải cũng đang thực hiện, tuy nhiên trong năm qua chỉ có vài cầu vượt được xây dựng.

Thứ ba, với chiều dài lên đến hàng nghìn ki lô mét, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không thể quản lý hết, vì vậy đối với các đường ngang giao cắt với đường sắt nên giao cho địa phương nơi có đường sắt đi qua quản lý và phải gắn với trách nhiệm của từng địa phương nếu để xảy ra tai nạn.

Vào lúc 21 giờ 41 phút ngày 10-3, tại  Km 639+750 (đường ngang có thiết bị cảnh báo tự động) trên đường sắt Bắc – Nam thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, tàu khách SE5 chạy hướng Bắc – Nam đã đâm vào ô tô đầu kéo biển số 75C-031.99 kéo rơ móc đang chở đá băng qua đường sắt. Vụ tai nạn khiến một người chết và 3 người bị thương.

Đường sắt Bắc – Nam bị tê liệt, lịch chạy tàu bị gián đoạn, 15 chuyến tàu (cả tàu khách và tàu hàng) bị chậm. Đến tối 11-3, công tác khắc phục đường ray đã hoàn thành và thông tuyến đường sắt Bắc – Nam.

Mời đọc thêm:

>> TPHCM mở rộng đường giao cắt đường sắt để giảm tai nạn

>> Nâng cấp 10 cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – TPHCM

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới