(KTSG) - Một hiệp ước mang tính lịch sử về bảo vệ vùng biển quốc tế đã được ký kết hôm 4-3. Hiệp ước Biển cả mới đặt ra khuôn khổ pháp lý cho các khu vực đại dương nằm ngoài quyền tài phán quốc gia, và nó rất quan trọng bởi cùng một lúc giúp giải quyết ba cuộc khủng hoảng của hành tinh về tình trạng biến đổi khí hậu, sự đa dạng sinh học và nạn ô nhiễm.
- Doanh nghiệp lo lắng trước thông tin TPHCM chuẩn bị thu phí hạ tầng cảng biển
- Doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn do giá cước tàu biển tăng
Niềm vui vỡ òa vào tối muộn thứ Bảy, 4-3 vừa qua khi Chủ tịch hội nghị Rena Lee lên tầng 2 của trụ sở Liên hiệp quốc ở New York để thông báo rằng, High Sea Treaty - Hiệp ước Biển cả bảo vệ vùng biển quốc tế - đã được các thành viên Liên hiệp quốc đồng ý thông qua, chấm dứt một tiến trình đàm phán gian truân kéo dài hơn 10 năm qua. Trước đó, vòng đàm phán thứ 5 kết thúc trong tháng 8-2022 đã không đạt kết quả.
Thỏa thuận mới này đặt ra khuôn khổ pháp lý cho các khu vực đại dương nằm ngoài quyền tài phán quốc gia, và nó rất quan trọng bởi cùng một lúc giúp giải quyết ba cuộc khủng hoảng của hành tinh về tình trạng biến đổi khí hậu, sự đa dạng sinh học và nạn ô nhiễm.
Những vùng biển “di sản chung của nhân loại” về cơ bản là… vô pháp luật!
Gần hai phần ba đại dương trên thế giới nằm bên ngoài biên giới các quốc gia. Đây gọi là những vùng biển khơi hay biển cả (High Seas, Haute Mer), nơi chỉ có những quy tắc rời rạc và về cơ bản là vô pháp luật.
Đàm phán hiệp ước biển khơi được coi là cuộc đàm phán gay cấn nhất trong lịch sử, bởi tại nhiều vùng biển khơi, các nước lớn có tiềm lực kinh tế, khoa học và tài chính mặc tình khai thác, với những việc: thăm dò tài nguyên, khai thác khoáng sản, độc quyền thu giữ nguồn gen…
Có nước với cả đội tàu 17.000 chiếc lùng sục đánh bắt ở mọi ngõ ngách, cơ hồ tuyệt diệt nhiều loài sinh vật, thậm chí còn tự đặt ra luật lệ như thể biến vùng biển khơi làm sở hữu của họ.
Michael Imran Kanu, một thành viên trong đoàn đàm phán đã thốt lên: “Chúng tôi thực sự đã đạt được những kết quả đáng kinh ngạc” và hoan nghênh việc thông qua hiệp ước như một nguyên tắc chính đối với biển cả. Còn Liz Karan, người đứng đầu công việc bảo vệ biển cả ở tổ chức Pew Charitable Trusts, cho biết: “Mỗi hơi thở của chúng ta đến từ đại dương - nơi tạo ra oxy. Một đại dương khỏe mạnh là rất quan trọng để có sự sống trên hành tinh, bao gồm cả sự sống của con người”.
Trên thực tế, một đại dương trong lành không chỉ cung cấp một nửa lượng oxy mà chúng ta hít thở. Nó còn đại diện cho 95% sinh quyển của hành tinh, hấp thụ carbon dioxide và là bể chứa carbon lớn nhất của Trái Đất. Khác với vùng biển ven bờ, các biển khơi rất dễ bị khai thác bừa bãi, lạm dụng và hủy diệt từ mặt nước đến mặt đất.
Trước áp lực gia tăng, António Guterres - Tổng thư ký Liên Hiệp quốc, đã có những lời lẽ mạnh mẽ, nói rằng đại dương là “tiền tuyến”, đồng thời kêu gọi các quốc gia ngừng tranh cãi và kết thúc các cuộc đàm phán bị trì hoãn.
Thời khắc lịch sử của đại dương
Trên hết, các cuộc đàm phán là rất cần thiết để thực thi cam kết 30x30 từ hội nghị đa dạng sinh học của Liên hiệp quốc vào tháng 12-2022, nơi đã đưa ra lời hứa bảo vệ 30% đại dương cùng với 30% đất liền vào năm 2030. Nếu không có Hiệp ước Biển cả, cam kết 30x30 sẽ thất bại, đơn giản vì không có cơ chế pháp lý nào tồn tại để thiết lập các khu bảo tồn trên biển khơi, khiến mọi lời hứa thực hiện cam kết trở nên vô nghĩa.
Cuối cùng thì mọi người đã thở phào khi 193 thành viên Liên hiệp quốc đồng ý đặt 30% diện tích biển vào các khu vực được bảo vệ vào năm 2030 để giúp khôi phục hệ sinh thái biển trong Hiệp ước Biển cả mới. Xin nhắc lại là thỏa thuận cuối cùng về bảo vệ đại dương - Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển được ký kết vào năm 1982, chỉ đặt 1,2% vùng nước được bảo vệ khỏi suy thoái môi trường.
Từ cơ sở pháp lý và quyền tiếp cận công bằng, chia sẻ nguồn lợi cho mọi người nêu trong hiệp ước mới này, các quốc gia sẽ hoàn thiện khung pháp lý để thiết lập một mạng lưới các khu bảo tồn biển khơi (high sea marine protected areas - MPAs), nhằm tạo ra các vùng dự trữ cho việc thích ứng và phục hồi các loài trong điều kiện khí hậu thay đổi. Thỏa thuận cũng sẽ đặt ra các quy tắc cho phép đánh giá tác động môi trường cho các hoạt động khác, bao gồm cả khai thác tài nguyên.
Chúng ta cần đặt việc bảo tồn lên hàng đầu nếu muốn bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho các thế hệ tương lai. Điều đó có nghĩa là ngay lập tức phải đối mặt với tình trạng đánh bắt quá mức và đánh bắt bất hợp pháp, vốn là nguyên nhân lớn nhất gây suy giảm môi trường trong đại dương.
Trên thực tế, các khu bảo tồn biển ở biển khơi có thể đóng vai trò quan trọng trong các tác động của biến đổi khí hậu. Vì vậy, đạt được thỏa thuận lần này quả là một thời khắc lịch sử đối với đại dương.