Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tây Ninh: Sốt ruột chờ xây phim trường ở Đảo Nhím

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tây Ninh: Sốt ruột chờ xây phim trường ở Đảo Nhím

Văn Nam

Tây Ninh: Sốt ruột chờ xây phim trường ở Đảo Nhím
Ông Trần Hữu Hậu, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại-đầu tư-du lịch tỉnh Tây Ninh – Ảnh: Văn Nam

(TBKTSG Online) – UBND tỉnh Tây Ninh vừa đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung chức năng phục vụ phát triển du lịch cho hồ Dầu Tiếng với mong muốn sớm phát triển đảo Nhím tại hồ Dầu Tiếng thành một phim trường do Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu làm chủ đầu tư.

Sáng nay (26-11), bên lề hội thảo xúc tiến đầu tư du lịch tỉnh Tây Ninh, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Hậu, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư-thương mại-du lịch tỉnh Tây Ninh xoay quanh dự án này.

Xin ông cho biết hiện nay dự án xây phim trường trên đảo Nhím đã triển khai đến đâu?

Ông Trần Hữu Hậu: Năm 2010, UBND tỉnh Tây Ninh có chủ trương chấp thuận cho Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu thuộc tập đoàn An Viên (AVG) đầu tư xây phim trường trên đảo Nhím trong hồ Dầu Tiếng. Từ đó đến nay, AVG đã tiến hành khảo sát, lập quy hoạch 1/2000; dự kiến tháng 12 năm nay sẽ trình UBND tỉnh bản quy hoạch 1/2000 này.

Về phía tỉnh, chúng tôi đang xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về bổ sung chức năng du lịch cho hồ Dầu Tiếng bởi hồ này lúc đầu chỉ có chức năng cung cấp nước cho nông nghiệp, sau đó mở rộng cung cấp nước cho công nghiệp, sinh hoạt, đặt biệt là nước sinh hoạt cho Tây Ninh, TPHCM.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xem xét đề nghị của tỉnh Tây Ninh và xem xét tổng thể tác động của dự án. Vì đây là chuyện lớn, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương nên Bộ vừa cho biết, phải đến năm 2012 mới có câu trả lời chính thức.

Có ý kiến cho rằng hồ Dầu Tiếng là nguồn cung cấp nước chính cho cả vùng hạ du, đặc biệt là Bình Dương, TPHCM nơi tập trung đông dân cư. Trên cơ sở nào mà tỉnh Tây Ninh quyết định phát triển du lịch ở nguồn cung cấp nước này?

Tôi còn nhớ cách đây nhiều năm, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong một chuyến thăm tỉnh Tây Ninh có nói, Tây Ninh có một hòn ngọc đẹp như hồ Dầu Tiếng nằm cách TPHCM chưa tới 100 km, mà lại để phí, tại sao không phát triển du lịch, Tây Ninh nên nghiên cứu làm du lịch cho hồ Dầu Tiếng.

Từ đó, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh mời Viện nghiên cứu phát triển du lịch tiến hành làm quy hoạch phát triển du lịch cho hồ Dầu Tiếng và bắt đầu xúc tiến mời gọi đầu tư. Một số nhà đầu tư đầu tiên quan tâm đến dự án này gồm Công ty Huy Hoàng, Vinaconex, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và cuối cùng thì đến Tập đoàn An Viên.

Quan điểm của tỉnh là để phát triển du lịch hồ Dầu Tiếng phải chọn được nhà đầu tư đủ lực, và nhà đầu tư phải có cả kinh nghiệm xử lý môi trường song song với việc xây hạ tầng phim trường. Chúng tôi tin tưởng Tập đoàn An Viên vì họ có nhiều công trình lớn tương tự như VinPearl ở Nha Trang …

Tỉnh có đặt vấn đề về môi trường nghiêm ngặt đối với chủ đầu tư khi nghiên cứu triển khai dự án này không?

Chúng tôi đã họp rất nhiều lần, thậm chí Thường vụ Tỉnh ủy cũng họp nhiều lần để quyết định, nhưng điều đầu tiên chúng tôi đặt ra là vấn đề môi trường.

Trong định hướng ban đầu cho nhà đầu tư, trong 340 héc ta của đảo Nhím, thì chỉ có 30% diện tích xây dựng hạ tầng mà thôi, có cả khu sinh thái nghỉ dưỡng, phim trường. Còn lại là vùng cảnh quan, mương kênh giữa môi trường không thoát ra hồ.

Dù gì đi nữa, chúng tôi cũng phải chờ ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép bổ sung chức năng du lịch cho hồ Dầu Tiếng thì chúng tôi mới làm dự án này được.

Trong trường hợp bộ không đồng ý thì sao?

Thì chúng tôi không làm. Phía chủ đầu tư là An Viên cũng có ý kiến rằng, nếu dùng hồ Dầu Tiếng để phát triển du lịch thì nó không chỉ phát triển du lịch mà còn phát triển kinh tế xã hội tỉnh Tây Ninh. Do vậy, đây là vấn đề cấp bách đối với tỉnh. Thực sự Tây Ninh nóng ruột vì dự án này đã manh mún từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được. Nhưng nếu không được phép, thì coi như AVG chấp nhận mất chí phí khảo sát, lập quy hoạch thời gian qua.

Nếu đây là dự án phim trường thuần túy, liệu có đủ sức thu hút khách du lịch, tạo sức đột phá cho phát triển du lịch, kinh tế của tỉnh hay không?

Toàn bộ dự án này trên đảo Nhím có tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu là 1.500 tỉ đồng chia thành 3 khu vực. Khu thứ nhất là khu trung tâm ở giữa đảo làm phim trường, đoạn trên làm khu giải trí hiện đại, giải trí truyền thống, khu vực phía dười là khu làng điện ảnh bao gồm nhiều biệt thự vườn, biệt thự mang phong cách điện ảnh khác biệt vừa dành cho khách là nghệ sĩ, người làm phim, đạo diễn, du khách đến ở, nghỉ dưỡng. Trên thế giới phim trường bao giờ cũng kèm theo du lịch, cho khách tham gia đóng phim xem thử, điều này sẽ rất thu hút khách du lịch.

Theo AVG, họ muốn rằng sẽ xây dựng đảo Nhím trở thành phim trường hiện đại, mang tầm cỡ lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

PV: Xin cảm ơn ông nhiều!

Theo Quyết định số 498/TTg ngày 12-10-1993 của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt công trình hồ Dầu Tiếng có nhiệm vụ cấp nước tưới trực tiếp gần 65 ngàn héc ta của tỉnh Tây Ninh và TPHCM; đảm bảo tạo nguồn nước ổn định cho hạ du và xả nước xuống sông Sài Gòn và mùa kiệt; cấp nước cho các nhà máy nước TPHCM với lưu lượng 7 m3/giây. Về lâu dài, hồ phải được đảm bảo các nhiệm vụ trên và cấp bổ sung nguồn nước trực tiếp cho hơn 30 ngàn héc ta và tạo nguồn cho 40.140 héc ta cho các tỉnh Long An, Tây Ninh và TPHCM.

Trong nhiệm vụ thiết kế hồ Dầu Tiếng chưa có nhiệm vụ phát triển du lịch.

  

 

 

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới