Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thận trọng khi chuyển đất rừng sang trồng cao su

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thận trọng khi chuyển đất rừng sang trồng cao su

Tấn Đức

(TBKTSG) – Chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su đang được hưởng ứng mạnh mẽ ở Tây Nguyên và các tỉnh Bắc Trung bộ, nhưng nó cũng đang bị lạm dụng để phá rừng, khai thác gỗ. Ngoài ra, việc chuyển đổi ồ ạt mà chưa có những nghiên cứu nghiêm túc về hiệu quả kinh tế và tác động với môi trường có thể sẽ để lại nhiều hậu quả trong tương lai.

Các nhà khoa học thuộc Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp đã khuyến cáo nên cẩn trọng với chương trình phát triển cây cao su trên đất rừng khộp ở Tây Nguyên, loại rừng chủ yếu là cây họ đậu. Lời cảnh báo này được đưa ra tại một cuộc hội thảo diễn ra ở thành phố Buôn Ma Thuột vào trung tuần tháng 4-2009, và đã được đa số đại biểu tham dự ủng hộ.

Theo khảo sát của các nhà khoa học, đất rừng khộp rất nghèo dĩnh dưỡng và không thích hợp với cây cao su như những vùng đất đỏ bazan khác. Do vậy, nếu trồng cao su, và cả các loại cây công nghiệp khác, sẽ phải đầu tư nhiều hơn cho công tác tưới tiêu, phân bón, chăm sóc cũng như chi phí kiến thiết cơ bản ban đầu, nhưng năng suất thu hoạch mủ chỉ có thể bằng 30-40% mức bình quân so với trồng trên đất đỏ bazan, nên khó có hiệu quả kinh tế trong khi rủi ro đối với môi trường thì lại cao.

Hiện Chính phủ đang có chương trình chuyển đổi rừng nghèo, là rừng có trữ lượng gỗ dưới 50 mét khối, sang trồng cây cao su, nhằm giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội cải thiện kinh tế. Chương trình này đang được các tỉnh Tây Nguyên và Bắc Trung bộ hưởng ứng mạnh mẽ. Trong đó, riêng khu vực Tây Nguyên dự kiến sẽ có 100.000 héc ta rừng được chuyển thành vườn cao su, đa số là rừng khộp.

Tuy nhiên, bước đầu triển khai thực hiện đã phát sinh nhiều bất cập, có nguy cơ gây ra những tác hại lớn về môi trường, do công tác quy hoạch và quản lý yếu kém của các địa phương.

Cách nay hơn hai tuần, Đài Truyền hình Việt Nam đã phát đi phóng sự cho thấy chủ trương chuyển đổi rừng nghèo thành vườn cao su đang bị lạm dụng nghiêm trọng ở tỉnh Hà Tĩnh. Hàng trăm héc ta rừng có mật độ cây lớn đã bị chặt phá để lấy gỗ. Đây là hậu quả của sự bất cập trong công tác điều tra, quy hoạch để xác định đâu là rừng nghèo, đâu là nơi không được khai phá. Đồng thời, việc đốn hạ rừng lại được giao khoán trắng cho các công ty mà không có sự kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương.

Chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su nhằm tạo sinh kế cho người dân ở vùng khó khăn. Cho dù quá trình triển khai trong những năm tới được giám sát chặt chẽ và không còn sai phạm, nhưng nhiều nhà khoa học vẫn lo ngại việc chuyển đổi một diện tích lớn đất rừng sang trồng cây công nghiệp có thể gây ra những tác hại lớn về môi trường.

Nếu chỉ nhìn vào mật độ che phủ, thì sẽ không có sự khác biệt giữa rừng tự nhiên hay rừng trồng với vườn cao su, cà phê. Tuy nhiên, tác động của nó đối với môi trường thì hoàn toàn khác hẳn. Để bảo đảm hiệu quả kinh tế, các vườn cây công nghiệp không thể trồng với mật độ dày như rừng tự nhiên.

Thêm vào đó, việc canh tác đòi hỏi phải thường xuyên làm sạch cỏ và cây tạp dưới tán lá, nhằm tập trung chất dinh dưỡng cho cây trồng phát triển. Do vậy, khả năng giữ nước của vườn cây công nghiệp không thể bằng rừng tự nhiên, thậm chí còn phải sử dụng nhiều nước hơn để tưới tiêu (điển hình là cây cà phê).

Trong vài thập niên gần đây, lũ quét liên tục xảy ra với các tỉnh miền Trung. Nguyên nhân chính, theo các chuyên gia, là do tình trạng phá rừng ồ ạt ở Tây Nguyên, để trồng cà phê, làm mất đi khả năng giữ nước trong mùa mưa. Với cây cao su, khả năng giữ nước có thể cũng không hơn gì cây cà phê, nên việc chuyển đổi rừng sang làm đất canh tác có thể sẽ làm tăng hiểm họa về môi trường.

Đáng lo ngại nhất là nguy cơ thoái hóa đất. Các nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh được rừng không chỉ có tác dụng giữ nước, điều hòa khí hậu… mà còn có thể tự bồi dưỡng chất dinh dưỡng, làm màu mỡ đất đai. Trong khi đó, việc canh tác nông nghiệp lại không có khả năng này, trái lại nó còn có thể làm cho đất thoái hóa, nếu không được bổ sung dinh dưỡng bằng phương thức nhân tạo.

Một khi đất bị thoái hóa, những vùng đất rừng cũ sẽ dần biến thành đồng cỏ tranh và theo thời gian cỏ cũng mất dần và chỉ còn lại vùng đất khô cằn bị sa mạc hóa.

Tại cuộc hội thảo nói trên, các nhà khoa học đề nghị không nên chuyển đổi ồ ạt rừng khộp sang trồng cao su, mà nên làm thí điểm trước trên những diện tích nhỏ, để có điều kiện phân tích, đánh giá hiệu quả cũng như ảnh hưởng có thể có với môi trường. Đồng thời, Nhà nước cũng cần đầu tư cho công tác điều tra, nghiên cứu đánh giá tác động môi trường của chương trình này, nhằm đưa ra những biện pháp xử lý trước khi quá muộn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới