Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thị trường cà phê 2011: Đầu xuôi, đuôi…còn kẹt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thị trường cà phê 2011: Đầu xuôi, đuôi…còn kẹt

Nguyễn Quang Bình

(TBKTSG Online) – Năm 2011 đã khép lại. Nếu tính theo lịch kinh doanh từ tháng 1 đến hết tháng 12, ngành cà phê Việt Nam có một năm thành công vượt bậc đáng tự hào. Đây là một năm có lượng xuất khẩu cao nhất với trên 1,2 triệu tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu 2,7 tỉ đô la.

Về sau, có lẽ thị trường có nhiều kỷ niệm để không thể quên những tháng ngày rộn rã ấy. Song, năm này ngành cà phê sẽ thành công mỹ mãn hơn nếu như cuối năm thị trường xuôi chèo mát mái…hơn chút nữa.

Những kỳ tích

Với 1,2 triệu tấn cà phê, tuyệt đại bộ phận là loại robusta hay còn được gọi là cà phê vối thường được dùng để trộn với arabica (cà phê chè), nước ta trở thành nước xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới (xin xem biểu đồ 1 phía dưới). Từ lâu, nước ta đã soán ngôi Indonesia do sản lượng nước này ngày càng giảm. Hiện nay, Brazil có thể sản xuất chừng 750 ngàn tấn loại này hàng năm. Nhưng họ chỉ để tiêu thụ nội địa. Nên có thể còn rất lâu mới lo có ai đó giành ngôi quán quân của ta trong mặt hàng này.

Thị trường cà phê 2011: Đầu xuôi, đuôi…còn kẹt
Biểu đồ 1: Tổng lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam (theo lượng bao 60 kg và lượng tấn)

Giá xuất khẩu bình quân năm 2011 cũng ở mức cao kỷ lục với 2.200 đô la/tấn dù giá bán xuất khẩu lọai 2 dưới hình thức chốt giá sau (trừ lùi) có khi trừ 160 đô la/tấn ở thời kỳ đầu năm. Giá xuất khẩu dưới dạng trừ lùi này có lúc bung lên ở mức cao nhất trong lịch sử mấy trăm năm mua bán cà phê của thế giới, có khi cộng tới cả 300 đô la/tấn trên giá niêm yết thị trường kỳ hạn Liffe NYSE, London.

Nếu như giá nội địa ở thời điểm đầu năm 2011 chung quanh mức 37.000 đồng, thì mức này đang được giữ vững đến cuối năm, sau khi đã phá nhiều kỷ lục giá cao của những năm trước đó. Hôm nay ngỳ cuối năm 31/12, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên cũng đang quanh mức 38.000 đồng/kg. Nhưng so với mức đỉnh trong năm thì giá này đã mất đi 14.000 đồng/kg từ mức 52.000 đồng.

Bàn tay của đầu cơ

Ngay đầu năm 2011, thông tin về tồn kho cà phê tại châu Âu giảm, từ trên 1 triệu tấn vào tháng 7-2009 chỉ còn trên 600.000 tấn vào ngay đầu tháng 1-2011. Thế là giá kỳ hạn robusta Liffe NYSE tăng không mệt mỏi cho đến tháng 6-2011. Thực ra, ngồi nhìn lại, ý đồ đẩy giá lên cao để kéo giãn giá trừ lùi nhằm gom 200-300 ngàn tấn cà phê robusta của các tay đầu cơ đã được hình thành từ lúc ấy. Vì, nếu so đến ngày hôm nay, con số tồn kho tại châu Âu sau khi cân đối cũng chừng 700.000 tấn đã tính trên 250.000 tấn tồn kho đạt chất lượng Liffe; cách nhau 100.000 tấn vẫn chưa có gì là trầm trọng!

Song, bằng thủ thuật thị trường, họ đã quyết đẩy giá tháng giao dịch gần nhất trên robusta Liffe lên cao hơn các tháng sau. Một mặt tạo cao trào đưa hàng về kho Liffe; mặt khác, khi hút được hàng đủ, hàng lưu chuyển trên thị trường sẽ thiếu. Qua đó, họ khống chế giá và lại sử dụng hàng của mình để bán ra với giá trừ lùi “cắt cổ” cho những ai cần hàng sử dụng hay cần hàng giao về sau.

Hiện tượng này được giới kinh doanh cà phê gọi là “siết” hay “vắt giá”. Thường thường, trên cột giá niêm yết của các TTKH, giá tháng giao dịch xa hay cao hơn tháng gần. Sự cách biệt về giá ấy tạo cơ hội cho nhà kinh doanh trả các chi phí kho bãi, lãi suất ngân hàng…Nhưng, đầu cơ hút hàng tạo thiếu. Khi thiếu hàng, giá tháng gần dâng cao hơn tháng xa.

Chứng minh: tồn kho được xác nhận chất lượng Liffe NYSE từ 217.110 tấn vào cuối tháng 12-2010 nhảy lên 416.860 tấn và ngày 11-7-2011. Đúng 200.000 tấn! Đến hôm nay còn 255.550 tấn, gảm gần 20.000 tấn so với  báo cáo gần nhất.
Tạo khan hàng trên thị trường, gây bất thường trong giao dịch, các quỹ đầu cơ đã bán hàng robusta Việt Nam với giá có khi cộng 300 đô la trên giá Liffe London, cao rất xa so với mức bán theo qui định của sàn Liffe cho lọai 2 là trừ 30 đô la dưới giá niêm yết nếu cà phê được bán trực tiếp cho sàn giao dịch này.

Như thế, trong xuất khẩu cà phê, cái người mua quan tâm là giá chênh lệch so với giá niêm yết (differential) hơn là bản thân giá niêm yết, tức giá hàng đêm nhảy múa trên màn hình.

Biểu đồ 2: Giá Liffe từ đầu năm đến cuối năm 2011 (nguồn: BigCharts.com)

Giá cuối năm trầy trật

Rõ ràng, hiện nay, những nhà đầu cơ còn hàng trước đây đã đưa qua kho Liffe NYSE, đang tranh thủ bán hàng tồn kho ra với giá trừ lùi càng cao càng tốt. Chính vì thế, ngay giờ phút này, không có lý do gì để họ đẩy giá kỳ hạn Liffe tăng nhằm làm giãn giá chênh lệch. Do nhiều phía đang bán ra, giá kỳ hạn Liffe đang liên tục giảm, từ gần 2.700 đô la vào đầu tháng 6. Hôm nay, ngày giao dịch cuối năm 2011, giá đóng cửa chỉ còn ở mức 1.810 đô la, mất cả 900 đô la/tấn trong vòng hơn 6 tháng.

Giá niêm yết của TTKH Liffe xuống một cách thê thảm từ đầu tháng 6 đến nay, đặc biệt giai đọan từ đầu tháng 9. Ngay cả so sánh giá kỳ hạn ngày đầu năm với mút cuối cùng của năm 2011, giá kỳ hạn Liffe đầu năm ở mức chừng 2.100 đô la, cao hơn hiện nay chừng 300 đô la (xin xem biểu đồ 2: giá Liffe). Nhưng, giá nội địa không hề giảm, vẫn ở mức 38.000 đồng/kg. Song, lượng bán ra rất ít ỏi vì rất ít người mua.

Xuất khẩu đứng bánh

Chính hiện tượng vênh giữa giá niêm yết và giá trừ lùi đã hãm rất mạnh xuất khẩu. Giá nội địa cao, buộc giá chào xuất khẩu phải cao ở mức bằng hay trừ chỉ chút đỉnh so với giá Liffe. Nên, nhiều nhà xuất khẩu cho rằng hiện nay, giá nội địa quá cao so với mức trả của các nhà nhập khẩu. “Giá cao buộc tôi phải mua cầm chừng để giao những lô đã ký bán. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng này chưa được 20%”, một nhà xuất khẩu ở Long Khánh, Đồng Nai giải bày.

Trong khi đó, một nhà nhập khẩu có văn phòng đại diện tại TPHCM tỏ ra lo lắng: “Nông dân giữ chặt hàng quá làm giá nội địa căng lên, gây khó khăn cho các hợp đồng phải giao của chúng tôi”.

Nhưng, theo giải thích của một nhà phân tích thị trường ở TPHCM: “Giá trừ lùi cho xuất khẩu ở nội địa vậy là đúng vì, ngoài một số yếu tố khác, rất phù hợp với ý đồ của nhà đầu cơ tài chính. Nếu giá trừ lùi thấp, họ làm sao mà bán được giá cao cho hàng đang còn tồn của họ tại châu Âu?”.

Ông tiếp: “Nông dân có quyền không bằng lòng với giá hiện nay. Nhưng còn một yếu tố khác nên xem xét: Do vốn liếng mua hàng của các nhà xuất khẩu hiện nay không đủ lớn, nhiều người từ các thành phần kinh tế khác đang tưởng giá cà phê như thế này là thấp, nhảy vào mua bất kỳ giá nào để trữ kiếm lợi. Tuy mua đầu cơ kiểu này số lượng không nhiều, nó cũng giúp giá nội địa bị nâng dần do mua bán lòng vòng. Ấy cũng là một lý do khác làm cho kế hoạch xuất khẩu chậm lại”.
Khai thông xuất khảu: khi nào?

Theo mạch này, các nhà xuất khẩu cà phê nước ta có thể được ăn Tết Nguyên đán sớm sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ giao hàng cho tháng cuối năm 2011. Có thể thị trường xuất khẩu cà phê robusta Việt Nam chỉ được khai thông khi các nhà đầu cơ nước ngoài đã bán ra đủ lượng hàng tồn theo ý họ với giá trừ lùi tốt, ít nhất cao hơn mức họ đã mua. Sau đó, lại tung chiêu rêu rao hàng thiếu, đẩy giá kỳ hạn tăng, kéo giãn trừ lùi và lại tạo điều kiện cho hiện tượng “vắt giá”.

Cái khó đoán nhất hiện nay là bán đến mức bao nhiêu thì họ dừng bán hàng tồn kho. Đồng thời, với khủng hỏang nợ châu Âu và suy thoái kinh tế Mỹ, liệu các tay đầu cơ có gom đủ tiền để lại thực hiện ý đồ đó nữa không.

Rõ ràng, nếu kế hoạch đầu cơ cho chiến dịch mới này càng trễ bao nhiêu thì bất lợi cho kế hoạch xuất khẩu năm 2012 của ta bấy nhiêu vì một bộ phận nông dân ta cần phải bán để trang trải chi phí hàng ngày. Vả lại, nếu càng trễ thì khả năng “đụng hàng” với các nước xuất khẩu khác là Indonesia và Brazil vào giữa năm 2012, đó là những quả đắng không phải “dễ nuốt”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới