Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thông tư 01 chỉ giúp ‘kìm cương’ nợ xấu trong… ngắn hạn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thông tư 01 chỉ giúp ‘kìm cương’ nợ xấu trong… ngắn hạn

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Báo cáo lợi nhuận quý 2 vẫn cho thấy bức tranh khá tích cực nhưng hệ thống ngân hàng vẫn đang đối mặt với tình trạng suy giảm chất lượng tài sản, vốn có độ trễ về mặt tác động.

Thông tư 01 chỉ giúp 'kìm cương' nợ xấu trong... ngắn hạn
Chất lượng tài sản ngân hàng phụ thuộc vào khả năng phục hồi của nền kinh tế. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngân hàng tiếp tục báo lãi cao

Thị trường tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh đạt lợi nhuận cao của nhiều ngân hàng dù tác động tiêu cực của của dịch Covid-19 vẫn còn đó. Chẳng hạn như lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của Ngân hàng SeABank đạt 753,8 tỉ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ 2019, đáng chú ý là tỷ lệ thu nhập thuần ngoài lợi nhuận cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ, ở mức 34%.

Ở Ngân hàng Quốc Tế (VIB), lợi nhuận trước thuế trong sáu tháng đầu năm đạt 2.356 tỉ đồng, đạt trên 52% kế hoạch năm, ghi nhận mảng dịch vụ vẫn đóng góp quan trọng vào kết quả chung, còn dư nợ tín dụng tăng 6%, trong đó cho vay bán lẻ tăng 8%.

Báo cáo tài chính của VPBank cho thấy lợi nhuận tăng mạnh gần 51,6%, trong khi thu nhập lãi thuần tăng gần 8,8%. Còn với Sacombank, thu nhập lãi thuần tăng gần 31% so với cùng kỳ, đạt 2.637 tỉ đồng cho thấy các ngân hàng vẫn đạt được những con số tăng trưởng tích cực trong hai quý đầu của năm.

Thống kê chung của FiinGroup cho thấy có nhiều ngân hàng đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ở mức cao trong quý 2 vừa qua, bao gồm VIB (41%), HDBank (39,7%), Vietinbank (38,9%), TPBank (30,4%) và VPBank (20,6%).

“Các ngân hàng này hầu hết đều là các ngân hàng có mảng kinh doanh tín dụng bán lẻ hoặc tín dụng tiêu dùng khá lớn trong cơ cấu dư nợ tín dụng. Riêng TPBank thì gần đây nổi lên là “ngôi sao” trong việc phát hành và kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp”, báo cáo lý giải.

Nguồn: FiinGroup

Nhìn xa hơn, theo thống kê của FiinGroup, nhóm ngân hàng niêm yết đặt kết hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 4,9% trong năm nay. Con số này cho thấy sự tích cực hơn rất nhiều so với dự báo đưa ra trước đó là giảm 11,9%. Điều này có nghĩa là các ông chủ nhà băng lạc quan hơn trước kia khá nhiều.

Tuy nhiên, không phải báo cáo nào cũng mang ‘màu hồng’, như Vietcombank mới đây. Lợi nhuận sáu tháng hợp nhất trước thuế đạt 10.981 tỉ đồng, giảm gần 3% so với cùng kỳ. Sacombank dù thu nhập vẫn đạt mức tích cực nhưng lợi nhuận trước thuế cũng giảm nhẹ 2,2% vì vẫn phải tăng trích lập dự phòng trong kỳ.

Sự khác biệt về mặt con số lợi nhuận tiếp tục phụ thuộc vào mức độ trích lập dự phòng của các ngân hàng, hay nói cách khác là thái độ ứng xử của các nhà băng với các khoản nợ xấu tiềm tàng. Khác với các doanh nghiệp kinh doanh trực tiếp ảnh hưởng, hậu quả của Covid-19 để lại có độ trễ với các ngân hàng.

Đưa nợ xấu đến tương lai

Cho phép ngân hàng tái cấu trúc các khoản nợ trong mùa dịch Covid-19, Thông tư 01 từ khi ra đời vào đầu tháng 3, không chỉ được giới chuyên gia đánh giá cao, mà nhiều lần còn được đại diện cơ quan quản lý khẳng định về tầm quan trọng trong việc giúp các ngân hàng ổn định tình hình tài chính trong mùa dịch.

Khác với báo cáo trong quý 1, đến nay sự ảnh hưởng của Covid-19 đến hệ thống ngân hàng đang dần rõ ràng hơn, thể hiện qua báo cáo về chất lượng nợ.

Nguồn: FiinGroup

Ở trường hợp Vietcombank, tình trạng nợ xấu đang được báo cáo là căng thẳng hơn. Theo đó nợ nhóm 2 tăng mạnh nhất (gấp ba lần so với thời điểm cuối năm 2019), nợ nhóm 3 tăng 58,3%, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng gần 56,5%, nhưng đáng chú ý con số tuyệt đối nợ nhóm 5 thì lại giảm nhẹ. Ở trường hợp của VPBank, khoản nợ nhóm 2 tăng 37% và nợ nhóm 4 tăng 46,8% trong khi nợ nhóm 3 và nhóm 5 lại giảm về con số tuyệt đối.

Theo Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, Vietcombank đang chịu áp lực khi chỉ số NIM (chênh lệch thu nhập và chi phí trả lãi) giảm và chính sách tiếp tục gia tăng trích lập dự phòng để phòng ngừa nợ xấu.

Thống kê cho thấy chi phí trích lập dự phòng trong sáu tháng đầu năm của Vietcombank tăng 38% so với cùng kỳ. Tương tự, khoản mục này tại Sacombank tăng hơn 86%.

Thống kê trước đó cho thấy có đến trên 23% tổng dư nợ chịu ảnh hưởng trực tiếp vì Covid-19, nhưng rõ ràng các ngân hàng đang được hỗ trợ “kìm cương” để nợ xấu không bùng lên trong thời điểm này.

“Mức nợ xấu được công bố của các ngân hàng không phản ánh đầy đủ về chất lượng tài sản, đặc biệt với chính sách hỗ trợ từ phía NHNN cho các đối tượng vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19”, báo cáo của Yuanta nhận định.

Theo FiinGroup, chi phí dự phòng sẽ thay đổi tùy theo chính sách hạch toán khác nhau ở mỗi ngân hàng, nhưng nhìn chung thì chi phí dự phòng đã được phân bổ vào các quí trong tương lai.

Do đó, Thông tư 01 chỉ thể hiện "vai trò" của mình trong một giai đoạn nhất định. Dự kiến chất lượng các khoản nợ đi xuống sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng vào cuối năm nay.

Sửa đổi Thông tư 01

Vào cuối tháng 5, NHNN lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Thông tư 01 thay đổi theo hướng mở rộng diện cơ cấu nợ cho doanh nghiệp. Theo đó, các khoản vay được giải ngân trước ngày 25-4 cũng sẽ thuộc diện được cơ cấu xem xét cơ cấu hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ (trước đó là khoản vay được giải ngân trước ngày 23-1).

Đồng thời, các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi từ ngày 23/1 đến hết năm nay cũng sẽ được xem xét cơ cấu nợ (trước đó là mốc thời điểm liền kề sau 3 tháng kể từ lúc Thủ tướng công bố hết dịch).

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới