(KTSG) - Năm 2023 sắp đến, thách thức từ những khó khăn của kinh tế thế giới là rất lớn, sẽ có nhiều tác động lên nền kinh tế nước ta. Trong dự báo các xu hướng năm tới của tờ Economist, có ba dự báo rất đáng lưu ý để chúng ta lường trước những khó khăn và có biện pháp đối phó kịp thời ngay từ bây giờ.
- Việt Nam trước nguy cơ kinh tế thế giới suy thoái
- Ảnh hưởng của cuộc chiến Nga-Ukraine đến kinh tế thế giới và Việt Nam
Đầu tiên là nạn đói và thiếu lương thực khắp toàn cầu. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hiệp quốc cho biết số lượng người đối diện tình trạng thiếu lương thực gay gắt tăng vọt từ 282 triệu vào cuối năm 2021 lên 345 triệu năm 2022; còn qua năm 2023 sẽ có 50 triệu người rơi vào ngưỡng thiếu đói. Lương thực thiếu vừa do nguồn cung bị cản trở vì chiến tranh ở Ukraine và còn do giá tăng, vượt quá khả năng của nhiều người dân ở các nước nghèo và đang phát triển.
Chúng ta có may mắn là nước mạnh về nông nghiệp, xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Cần duy trì vị thế này, không đi theo cách nhiều nước làm, là cấm xuất khẩu một số loại nông sản thiếu hụt bởi càng cấm xuất khẩu càng ép giá bán của nông dân trong nước. Cần tiếp tục đầu tư mạnh cho nông nghiệp trong những năm tới vì sự thiếu hụt nguồn cung, dẫn tới tăng giá sẽ còn kéo dài. Cần xúc tiến nhiều hơn nữa các hợp đồng giữa các chính phủ để có giá ổn định, nhất là bán cho các tổ chức quốc tế chuyên lo cứu trợ, cứu đói vì như thế chúng ta vừa làm nghĩa vụ với thế giới, vừa xây dựng các mối quan hệ thương mại bền vững. Cũng cần chú ý đến tác động của biến đổi khí hậu lên sản xuất nông nghiệp để có những biện pháp thích ứng kịp thời.
Vấn đề thứ nhì là tác động ngày càng rõ của biến đổi khí hậu lên cuộc sống của người dân, từ lũ lụt, mưa lớn bất thường đến nắng nóng, khô hạn khắp nơi. Nước ta có lợi thế rất rõ rệt để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, từ thủy điện đến điện gió, điện mặt trời. Cần có những chính sách khuyến khích chuyển từ các nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu khí sang năng lượng tái tạo để phát huy thế mạnh này. Bên cạnh đó cần tận dụng xu hướng đang nổi lên để buộc các nước giàu chịu trách nhiệm tương ứng với mức phát thải của họ đối với nguồn tài trợ cho các biện pháp chống biến đổi khí hậu. Hiện nay Việt Nam được đánh giá là một trong vài nước châu Á cung cấp các thiết bị điện mặt trời cho cả thế giới - cần tận dụng thế mạnh này vì đây là thời điểm các nước buộc phải đầu tư mạnh vào việc chuyển đổi.
Quan trọng hơn, dự báo của nhiều tổ chức, trong đó có tờ Economist cho rằng thế giới sẽ bước vào thời kỳ suy thoái trong năm 2023 do hệ lụy của việc tăng lãi suất để chống lạm phát ở nhiều nước. Nửa cuối năm 2022 chúng ta đã chứng kiến những khó khăn khi cầu ở nhiều nước bạn hàng giảm sút, kéo theo đơn hàng giảm, nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, thu hẹp quy mô sản xuất. Năm tới những khó khăn này càng nhiều hơn, gây sức ép lên nền kinh tế có độ mở rất lớn của nước ta.
Đây là điểm cần chú ý hơn cả để có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và công nhân kịp thời. Và đây mới là điểm mấu chốt của năm 2023 chứ không phải sự lên xuống thất thường của thị trường chứng khoán hay sự bế tắc của thị trường bất động sản. Sự nóng lạnh của các thị trường này sẽ sớm qua đi nhưng công nhân thất nghiệp nửa năm, vài ba tháng sẽ là khó khăn khó vượt qua cho gia đình họ. Các chính sách vĩ mô như điều chỉnh tỷ giá, ấn định lãi suất điều hành... cần tính đến tình hình này trong cân nhắc mọi lẽ.
Năm nào cũng vậy thôi. Cơ hội luôn đi liền với thử thách. Quan trọng nhất vẫn là làm sao xử lý dứt điểm những “thử thách lưu cữu” tồn tại từ bên trong nội bộ của ta. Nhất là, bớt nói “vừa nhiều vừa dai”, chuyển sang làm “vừa đủ vừa chuẩn”.