Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Thư từ Pháp: Nước Pháp bế tắc vì cải tổ luật hưu trí

TS. Võ Đình Trí

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Luật về cải tổ hưu trí của nước Pháp dù đã được thông qua nhưng ngày có hiệu lực vẫn còn bỏ ngỏ. Sức ép đối với chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron không chỉ là khiếu nại ở Hội đồng Bảo hiến (Conseil Constitutionnel), đề nghị trưng cầu dân ý theo sáng kiến chia sẻ (Le Référendum d’Initiative Partagée), mà quan trọng nhất là quy mô của các cuộc biểu tình.

Giữa các nghiệp đoàn và chính phủ vẫn chưa có được tiếng nói chung. Nước Pháp đang trải qua một giai đoạn bế tắc, mà càng kéo dài thì hệ lụy kinh tế – xã hội càng trầm trọng.

Những thay đổi về lương hưu được đề xuất đã thúc đẩy các cuộc đình công và biểu tình trên khắp nước Pháp.

Bỏ thì thương, vương thì tội

Nước Pháp, cũng như nhiều nước phát triển khác, đang và sẽ phải đau đầu với vấn đề mất cân đối quỹ hưu trí do già hóa dân số. Khi số lượng người ở tuổi về hưu tăng nhanh hơn số người trẻ tham gia thị trường lao động và sống thọ hơn thì nhiều quy định của chế độ hưu trí hiện hành không thể đảm bảo sự cân bằng bền vững của quỹ hưu trí do chính phủ quản lý.

Và một trong các giải pháp phổ biến là kéo dài tuổi về hưu, như trường hợp cải tổ của nước Pháp là từ 62 tăng lên 64. Ngoài ra, Tổng thống Macron còn muốn xóa bỏ các quỹ hưu trí đặc biệt tồn tại ở một số nghề nghiệp hay tổ chức như SNCF, EDF-GDF, RATP, công chức, quân nhân. Nước Pháp là một nước rất đặc biệt khi có đến 42 loại quỹ hưu trí khác nhau, được tổ chức theo đặc thù nghề nghiệp hay tổ chức.

Tâm điểm của các cuộc biểu tình phản đối là việc nâng tuổi về hưu từ 62 lên 64. Theo đó, những người bị thiệt hại là nhóm lao động chân tay, những người tham gia lực lượng lao động từ sớm và có tuổi thọ trung bình thấp hơn những người làm việc ở văn phòng.

Một số vị trí công chức, làm trong doanh nghiệp nhà nước cũng không còn được duy trì chế độ hưu trí riêng biệt (với những người mới vào), những chế độ này từ trước đến giờ vốn có nhiều ưu đãi hơn chế độ hưu trí phổ quát.

Mặc dù Luật về Cải tổ hưu trí đã được thông qua, nhưng khả năng vẫn còn có thể bị vướng ở Hội đồng Bảo hiến hay trưng cầu dân ý. Nhưng hai khả năng này cũng không thể bằng sức ép từ các cuộc biểu tình và đình công.

Thế nhưng nước Pháp là một trong những nước đứng đầu về tỷ lệ chi tiêu ngân sách dành cho hưu trí so với GDP. Ước tính, tỷ lệ này của nước Pháp là 14% trong khi tổng chi tiêu của chính phủ khoảng 52% GDP.

So với trung bình của các nước nhóm OECD, con số này chỉ là 8% và 35%. Đây cũng là lý do chính phủ ước tính nếu không cải tổ, ngân sách sẽ thâm hụt từ 8-17 tỉ euro vào năm 2025.

Nước Pháp được biết đến là một quốc gia có chế độ phúc lợi và an sinh xã hội rất tốt: từ y tế giáo dục miễn phí đến nhiều loại hình trợ cấp xã hội. Nhưng người dân biết rằng họ cũng phải chịu đóng nhiều thuế. Liệu những thay đổi về chính sách hưu trí có kéo theo những thay đổi khác về thuế khóa?

Hệ lụy của biểu tình

Đây là lần thứ hai Tổng thống Pháp Macron muốn cải tổ hệ thống hưu trí, sau lần đầu vào năm 2019 ở nhiệm kỳ đầu tiên. Khi đó, nhiều cuộc biểu tình cũng đã diễn ra và nhiều sự kiện quan trọng khác đã khiến cho đề xuất cải tổ bị hoãn lại.

Nhưng lần này thì quyết tâm của Tổng thống Macron rất cao, khi chính phủ đã sử dụng một điều khoản trong Hiến pháp để thông qua luật mà không cần Quốc hội biểu quyết. Điều này như châm dầu vào lửa, khiến cho những người biểu tình tức giận hơn, và thu hút thêm những người biểu tình mới. Các cuộc biểu tình còn nghiêm trọng hơn khi chính phủ vượt qua trong gang tấc việc bỏ phiếu tín nhiệm ở Hạ viện.

Theo một ước tính, GDP mỗi ngày làm việc của nước Pháp khoảng 10 tỉ euro, và như vậy nếu các hoạt động bị gián đoạn bởi biểu tình gây thiệt hại 10-15% thì mỗi ngày biểu tình, nền kinh tế Pháp sẽ thiệt hại khoảng 1-1,5 tỉ euro.

Trong số các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nhất phải kể đến nhà hàng, khách sạn, và thương mại. Gần ba tuần nay ở thủ đô Paris, các công nhân vệ sinh không thu gom gác, khiến cho rác tràn ngập khắp các con đường. Các nhà hàng, cửa hiệu hoặc phải đóng cửa hoặc phải hạn chế hoạt động của mình. Những trục đường có biểu tình thì đều đóng cửa, chưa kể là bị đập phá. Tính tới ngày 28-3-2023, là đợt biểu tình lần thứ 10 của các nghiệp đoàn.

Vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm

Là người xuất thân từ giới tài chính, Tổng thống Macron chắc hiểu rõ sự cần thiết của việc đảm bảo sự cân bằng và bền vững của hệ thống hưu trí. Vì vậy khi lên phát biểu trả lời phỏng vấn trên truyền hình quốc gia ngày 22-3-2023, ông nhấn mạnh sự cần thiết của kế hoạch cải tổ hệ thống hưu trí.

Nếu cả hai bên chính phủ và nghiệp đoàn đều kiên định và quyết tâm với mục tiêu của mình thì có lẽ nước Pháp sẽ có bế tắc lâu dài. Để tháo gỡ, vẫn còn một số giải pháp khác được nhắc đến như kiểm soát lại chi tiêu của chính phủ, tăng thuế đối với người giàu. Thế nhưng, đây lại là các vấn đề thường được lảng tránh.

Thế nhưng việc sử dụng điều 49.3 của Hiến pháp để thông qua dự thảo luật mà không cần Quốc hội biểu quyết đã chạm vào lòng tự ái của một bộ phận người dân Pháp.

Có những người đã bỏ phiếu bầu cho Tổng thống trong đợt bầu cử vừa rồi đã xuống đường tham gia biểu tình, trong khi những lần trước thì không.

Cảm nhận được sức ép từ các nghiệp đoàn và dân chúng, chính phủ đã thừa nhận cần có sự lắng nghe, các căng thẳng cần được hòa dịu, và cần khẩn trương đưa ra các giải pháp để cùng thoát khỏi tình cảnh này. Tuy vậy phía các nghiệp đoàn vẫn bày tỏ quan điểm tiếp tục cứng rắn về chuyện hưu trí, chỉ có thể thương lượng về vấn đề việc làm trước.

Mặc dù luật về cải tổ hưu trí đã được thông qua, nhưng khả năng vẫn còn có thể bị vướng ở Hội đồng Bảo hiến hay trưng cầu dân ý. Nhưng hai khả năng này cũng không thể bằng sức ép từ các cuộc biểu tình và đình công. Không chỉ thiệt hại về kinh tế mà nó còn cho thấy sự không hài lòng của người dân. Nếu nhượng bộ thêm lần này thì quả bóng được chuyền về tương lai, và các nghiệp đoàn sẽ lấy đây là một kinh nghiệm quý trong đấu tranh.

Nếu cả hai bên chính phủ và nghiệp đoàn đều kiên định và quyết tâm với mục tiêu của mình thì có lẽ nước Pháp sẽ có bế tắc lâu dài, ít nhất là hết nhiệm kỳ của Tổng thống Macron. Để tháo gỡ, vẫn còn một số giải pháp khác được nhắc đến như kiểm soát lại chi tiêu của chính phủ, tăng thuế đối với người giàu. Thế nhưng, đây lại là các vấn đề thường được lảng tránh.

1 BÌNH LUẬN

  1. Cải cách không sai về chiến lược dài hạn. Nhưng sai về thời điểm ra quyết định cải cách. Trong bối cảnh toàn EU đang rơi vào tình huống khủng hoảng diện rộng vì sức ép lạm phát cao chưa từng thấy trong vài chục năm qua, các tầng lớp xã hội chia rẽ sâu sắc… Vậy mà tổng thống Macron dám đương đầu và đưa ra quyết định vượt rào quốc hội? Nền dân chủ có truyền thống lâu đời, đáng giá của Pháp đã bị thách thức quá mức chịu đựng rồi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới