Chủ Nhật, 1/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Thượng Hải công bố kế hoạch mở cửa, hồi phục sản xuất từ tuần tới

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thượng Hải đã công bố kế hoạch mở cửa và hồi phục sản xuất sau ba tuần phong tỏa chống Covid-19, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và giáng đòn mạnh vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, một kế hoạch không có lộ trình thực hiện rõ ràng và với chính sách phòng dịch chuyển sang thể thức “zero Covid linh hoạt” hiện nay khiến các doanh nghiệp trong và ngoài nước lo ngại.

Người dân một khu chung cư ở Thượng Hải đang chờ phân phối thực phẩm. Đợt phong tỏa đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức chi tiêu của người dân, làm gián đoạn chuỗi cung ứng trong và ngoài nước. Ảnh: Reuters

Nhà chức trách khuyến cáo các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch quản lý theo chu trình khép kín, nơi người lao động ăn, ở và làm việc tại chỗ, cùng việc được xét nghiệm thường xuyên. Doanh nghiệp phải nộp đơn xin được tái khởi dộng sản xuất với các cơ quan kiểm soát Covid ở cấp quận và thành phố, Ủy ban Công nghệ thông tin và kinh tế Thượng Hải tuyên bố trên tài khoản WeChat. Cơ quan này không cung cấp lịch trình khởi động lại sản xuất.

Chìa khóa hồi phục kinh tế

Việc phong tỏa chặt chẽ trung tâm tài chính của Trung Quốc đã khóa các kênh chi tiêu của người dân đến các vấn đề sản xuất và vận chuyển hàng hóa. Các nhà phân tích cho rằng chìa khóa để giải quyết các vấn đề kinh tế là điều chỉnh chính sách “zero Covid” của Trung Quốc khi ngân hàng trung ương Trung Quốc có cách tiếp cận thận trọng với việc nới lỏng tiền tệ. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ cao nhất đã nhiều lần cảnh báo về những rủi ro đối với tăng trưởng và sự cần thiết phải có thêm các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ.

Thượng Hải là trái tim công nghiệp của đất nước khổng lồ này với nhiều cơ xưởng của các đại công ty, bao gồm Tesla Inc. và tập đoàn xe hơi quốc doanh SAIC Corp. Bloomberg đưa tin Tesla đang kêu gọi công nhân trở lại thành phố để chuẩn bị cho việc tái kích hoạch sản xuất giai đoạn đầu trong tuần lễ từ 18-4.

Thành phố đã ghi nhận 24.820 trường hợp Covid-19 địa phương vào hôm qua, 21.582 trường hợp không có triệu chứng. Trong số 849 hãng canh tác rau lớn của Thượng Hải, 667 đã tiếp tục sản xuất – Lu Zhengrong, quan chức của Sở Nông nghiệp và Nông thôn Thượng Hải Lu Zhengron phát biểu trong cuộc họp ngày 17-4.

Theo kế hoạch hồi phục sản xuất, các bộ phận khác nhau của nhà máy phải được tách biệt và tất cả nhân viên phải làm việc và sinh sống tại các địa điểm được chỉ định, giảm tiếp xúc trực tiếp với những người ở các khu vực khác càng nhiều càng tốt.

Khách tham quan sẽ bị hạn chế và giám sát chặt chẽ. Tài xế xe tải của công ty phải cung cấp kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ hoặc xét nghiệm kháng nguyên âm tính trong vòng 24 giờ trước khi lái xe vào hãng xưởng. Nhà chức trách địa phương cũng yêu cầu các doanh nghiệp có đông công nhân thành lập bệnh viện dã chiến tại chỗ.

Thượng Hải đã đặt mục tiêu chấm dứt sự lây lan của Covid-19 ra khỏi các khu vực phong tỏa vào ngày 20-4, Reuters trích dẫn các nguồn tin. Chính quyền thành phố cũng thúc giục các quan chức đẩy nhanh việc xét nghiệm và chuyển các ca dương tính đến các trung tâm cách ly.

Nhân viên chính quyền thành phố phân phát thực phẩm cho các khu dân cư. Thượng Hải bắt đầu phong tỏa từ hôm 28-3, nhưng kế hoạch phong tỏa ban đầu dự định chỉ trong một tuần. Ảnh: Reuters

Tác động chuỗi cung ứng toàn cầu

Đợt phong tỏa bắt đầu từ ngày 28-3 với việc hạn chế đi lại và sinh hoạt ở khu phía đông Thượng Hải trước khi mở rộng toàn thành phố. Các ca nhiễm bắt đầu giảm nhẹ vào đầu tuần này. Riêng các khu vực không có ca nhiễm nào trong hai tuần qua sẽ được nới lỏng các quy định phòng dịch. Nhưng hiện hơn 20 triệu dân – tức 80% dân số Thượng Hải – vẫn bị “giam lỏng” tại nhà và các khu vực đã được nới lỏng có thể bị phong tỏa trở lại nếu ca nhiễm bùng phát trở lại.

Thượng Hải tạo ra gần 4% GDP của Trung Quốc, nhiều hơn bất kỳ thành phố nào khác, và những hạn chế rộng rãi đối với hoạt động kinh tế địa phương cũng bắt đầu làm Bắc Kinh quan ngại thật sự. Thượng Hải cũng chiếm 6% kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, theo niên giám thống kê của chính phủ cho năm 2021. Ảnh hưởng của đợt phong tỏa lần này lan rộng khắp các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tập đoàn Sony đã đóng cửa một nhà máy ở Thượng Hải chuyên sản xuất ti-vi, máy chiếu và máy ảnh cho Nhật Bản và các thị trường châu Á khác kể từ ngày đầu phong tỏa. Volkswagen đã ngừng hoạt động một nhà máy trong thành phố. Nhà sản xuất thực phẩm Nhật Bản Ajinomoto đã đóng cửa hai cơ sở sản xuất gia vị và axit amin.

Mazda Motor sẽ tạm dừng hoạt động nhà máy chính ở Hiroshima hôm 14-4 và một nhà máy khác ở tỉnh Yamaguchi hôm 15-4 do các hãng cung cấp ngừng sản xuất và các chuyến hàng chở phụ tùng từ Trung Quốc bằng đường hàng không và đường biển đến Nhật Bản chậm so với kế hoạch. Mitsubishi Motors đã đình chỉ dây chuyền sản xuất tại nhà máy Okazaki hàng đầu của hãng ở miền trung Nhật Bản trong suốt tuần này.

Các nhà bán lẻ và các công ty trong lĩnh vực dịch vụ cũng đang gặp khó khăn. Đợt phong tỏa đã khiến chi tiêu của người tiêu dùng bị hạn chế nghiêm trọng, cùng với đó là sự chậm trễ trong việc phân phối sản phẩm và khó khăn trong việc bố trí nhân viên cho các cửa hàng.

Fast Retailing, tập đoàn sở hữu thương hiệu thời trang nhanh Uniqlo, đã đóng cửa 94 cửa hàng ở Thượng Hải. Gần như tất cả 150 địa điểm của 7-Eleven trong thành phố đã tạm thời đóng cửa.

Hàng chục nhà cung ứng của Apple như Foxconn, Pegatron và Quanta và các hãng công nghệ lớn trên toàn cầu bị ảnh hưởng. Apple chắc chắn sẽ phải giảm sản lượng hoặc các đợt ra mắt các sản phẩm như iPhone, iPad và Macbook sẽ bị ảnh hưởng. Các hãng máy tính như Dell và HP cũng bị tác động tương tự…

Chính sách “zero Covid linh hoạt”

Sự báo động hay cảnh báo của các nhà đầu tư nước ngoài về hậu quả của chính sách “zero Covid” cũng khiến Bắc Kinh lo ngại.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Shu Jueting cho biết: “Chúng tôi đang giúp các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là những doanh nghiệp ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, giải quyết các vấn đề mà họ gặp phải trong hồi phục sản xuất và làm việc trở lại, chính sách nhập cảnh đối với chuyên gia và nhân viên nước ngoài, cũng như các vấn đề logistics và vận chuyển”.

Nhưng khi Thượng Hải công bố kế hoạch tái mở cửa và hồi phục sản xuất trong một chính sách “zero Covid linh hoạt” – theo cách gọi của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, thì hàng loạt các thành phố lớn quanh Thượng Hải bắt đầu các kế hoạch phong tỏa dài ngắn khác nhau tùy theo tình hình phát triển của dịch bệnh.

Thành phố Tây An với 13 triệu dân bắt đầu phong tỏa một phần trong bốn ngày từ 16 đến 19-4, với lời kêu gọi dân chúng không ra ngoài nếu không cần thiết, nhân viên có thể chọn làm ở nhà hoặc ăn ở tại nơi làm việc. Đặc khu kinh tế Trường Châu – nơi tập trung nhà xưởng của nhà thầu lớn nhất của Apple là Foxconn – bắt đầu đợt phong tỏa hai tuần từ 16-4. Thành phố Tô Châu cũng có biện pháp tương tự.

Các nhà đầu tư nước ngoài đang cảnh báo dòng vốn sẽ rời khỏi Trung Quốc nếu chính sách phòng dịch không thay đổi. Ngay cả các tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc cũng có tiếng nói mạnh mẽ hơn.

Hôm 15-4, Richard Yu – người đứng đầu bộ phận tiêu dùng và xe hơi của tập đoàn Huawei – đã cảnh báo trên tài khoản WeChat cá nhân: “Nếu Thượng Hải và khu vực phụ cận không hồi phục hoàn toàn sản xuất vào tháng 5 tới, tất cả các hãng công nghiệp và công nghệ có chuỗi cung ứng trong khu vực sẽ tiến đến việc dừng sản xuất hoàn toàn. Điều này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng và mất mát lớn lao cho toàn bộ ngành công nghiệp”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới