Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tiếp tục tái cấu trúc hệ thống ngân hàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tiếp tục tái cấu trúc hệ thống ngân hàng

Ngọc Lan

Tiếp tục tái cấu trúc hệ thống ngân hàng
Đại hội cồ đông của Ngân hàng Đại Á ngày 25-9 thông qua phương án sáp nhập vào HDBank. Ảnh: Đại Á.

(TBKTSG Online) – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục hoàn thành thủ tục sáp nhập cho 1 ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP), mua lại 2 công ty tài chính và đóng cửa 6 chi nhánh ngân hàng nước ngoài thông qua việc chuyển giao tài sản, sau việc hợp nhất, sáp nhập và giải thể các tổ chức tín dụng trong năm 2012 và 2013, theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội.

Tại Báo cáo tình hình triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phần về tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán, Chính phủ cho biết các phương án cơ cấu đối với 9 ngân hàng TMCP đều được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện và đã phê duyệt được 8 phương án đối với 9 ngân hàng yếu kém. Theo đó, các thủ tục đã được hoàn tất cho việc hợp nhất 3 ngân hàng với nhau (thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn), 1 ngân hàng hợp nhất với 1 tổ chức tín dụng khác (Ngân hàng Phương Tây với PVFC), 1 ngân hàng sáp nhập với 1 ngân hàng khác (Habubank sáp nhập vào SHB), 3 ngân hàng khác đã được chấp thuận phương án tự cơ cấu lại.

Đến nay, các ngân hàng yếu kém đã được cơ cấu lại theo các phương án được duyệt đều hoạt động ổn định hơn trước. Việc hợp nhất, sáp nhập và giải thể đã làm giảm 5 tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống, gồm 3 ngân hàng TMCP, một công ty tài chính trong nước và một công ty cho thuê tài chính nước ngoài, đồng thời rút giấy phép ba chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong thời gian còn lại của năm 2013 sẽ hoàn thành thủ tục cho việc sáp nhập một ngân hàng TMCP (Đại Á Bank với HD Bank), mua lại 2 công ty tài chính, đóng cửa 6 chi nhánh ngân hàng nước ngoài thông qua chuyển giao tài sản, công nợ và thu hồi giấy phép, chuyển đổi 2 ngân hàng liên doanh sang ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài.

Theo đánh giá của Chính phủ, nếu như năm 2012, việc cơ cấu lại chủ yếu tập trung vào một số ngân hàng TMCP  yếu kém có nguy cơ đổ vỡ thì sang năm 2013, việc cơ cấu các tổ chức tín dụng đã mang tính chủ động và tự nguyện từ phía các tổ chức tín dụng. Xu hướng sáp nhập, hợp nhất diễn ra không chỉ ở tổ chức tín dụng yếu kém mà còn giữa các ngân hàng lành mạnh với nhau. Điều này cho thấy tư duy quản trị của các tổ chức tín dụng đã có sự thay đổi căn bản theo hướng thừa nhận sự tất yếu khách quan phải tái cơ cấu để vượt qua những hạn chế, yếu kém và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 8-2013, tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngành ngân hàng là 142.270 tỉ đồng, chiếm 4,64% tổng dư nợ, tăng 20,15% so với cuối năm 2012. Tốc độ tăng của nợ xấu trong 8 tháng đầu năm 2013 đã giảm đi đáng kể (bằng 1/3) so với 8 tháng đầu năm 2012 (tăng 59,2%).

Các tổ chức tín dụng đã chủ động cơ cấu lại nợ để kiềm chế sự gia tăng của nợ xấu, giúp hàng ngàn khách hàng không phải chịu lãi suất phạt quá hạn và tiếp tục được tiếp cận vay vốn bình thường ở các tổ chức tín dụng. Đến cuối tháng 8-2013, tổng số dư các khoản nợ được cơ cấu lại giữ nguyên nhóm nợ là 296.350 tỉ đồng. Trong năm 2012 và 8 tháng đầu năm 2013, các tổ chức tín dụng đã chủ động xử lý được 95.100 tỉ đồng bằng dự phòng rủi ro.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới