Thứ Ba, 19/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tiêu dễ gì… tiêu!

Nguyễn Quang Bình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Chuyện cứ như đùa khi anh Luận về lại vườn xưa sau một thời gian dài bỏ xứ đưa vợ con đi Bình Dương tìm việc. Do dịch Covid-19 quá “rát” và xưởng làm đóng cửa, gia đình anh về lại Chư Păh (Gia Lai), vừa tránh dịch vừa kiếm cách tạm thời mưu sinh.

Hồ tiêu rớt gia, nhiều hộ nản lòng không màng chăm sóc. Ảnh: N.K

Luận quyết định rời bỏ khu vườn hồ tiêu với chừng 2.000 gốc để vào Nam kiếm việc làm khi giá tiêu từ 250.000 đồng/ki lô gam rồi cứ thế giá rớt từng đợt từng đợt, đến 50.000-60.000 đồng thì nhiều gia đình buông xuôi. Vốn vay nóng vay nguội để đầu tư, có hộ một tỉ có hộ vài ba tỉ đồng là chuyện thường, để trồng hồ tiêu nhưng gặp cảnh ngang trái, không còn cách nào trả. Một mặt do giá xuống, nhiều hộ nản lòng không màng chăm sóc, người buồn và cây hồ tiêu cũng buồn theo đến sinh bệnh, gặp phải lúc cây hồ tiêu trong vùng bị dịch bệnh “chết nhanh chết chậm” hoành hành, đành phải nuốt nước mắt chia tay.

Chuyện là giữa năm ngoái, khi virus corona lan nhanh trên thế giới, giá hồ tiêu xuống tận đáy, chừng 35.000 đồng một ki lô gam, được cho là dưới giá thành sản xuất. Anh nghe thấy vui trong bụng vì cho quyết định đi của mình là đúng. Nhưng cũng từ đó, giá hồ tiêu nhảy lên nhanh mới đây có lúc đã chạm 90.000 đồng và nay đang ổn định quanh mức 82.000 đồng.

“Anh muốn trồng hồ tiêu lại?”. Luận trả lời: “Không, chắc chắn là không vì ngán lắm rồi”.

Thật ra, nhiều nhà vườn thấy giá hồ tiêu đang phơi phới, không kịp suy tính, liền vay tiền mua đất lập vườn khi giá 100.000-150.000 đồng/ki lô gam, nhưng chưa kịp hưởng giá cao trên 200.000 đồng thì giá đã đi xuống một hơi. Hơn nữa, một số người hụt vốn cũng còn do tham gia mua tiêu về trữ để chờ giá lên. Ai dè giá rớt thê thảm nên đã không những không kiếm được lãi như ý mình muốn, lại phải bán nhà bỏ vườn như trường hợp của anh.

Nói chuyện thị trường hồ tiêu, hơn ai hết, anh Luận và bạn bè cùng cảnh đều thấm. Giá hồ tiêu mỗi ngày rớt vài ba ngàn đồng một ki lô gam là chuyện thường tình. Người giàu có tiền tham gia mua bán mặt hàng này mà không có máu lạnh đôi khi cũng còn hụt tim, huống chi người đang thua lỗ thì càng dễ thiếu tập trung để có một quyết định sáng suốt.

Một anh bạn trẻ kinh doanh hồ tiêu có số má trên thị trường nội địa trước đây đưa ra một số nhận định thấy rất có lý: “Từ giữa năm 2015, khi giá hồ tiêu trong nước đạt đỉnh 250.000-270.000 đồng một ki lô gam, thì từ đó trở đi người nào trữ tiêu chờ giá… đều tiêu theo là điều dễ hiểu. Đó là thời gian mà dân hồ tiêu nói “nhà giàu cũng khóc”. Giá rơi tự do đến 2017 chỉ còn quanh 100.000 đồng và… cho đến lúc con virus corona càn quấy, hồ tiêu trong nước chỉ còn 35.000 đồng. Nếu lấy thời điểm mới bùng phát dịch Covid-19 đợt 1, thì cũng là lúc giá hồ tiêu bùng phát, băng lên 60.000, 75.000 rồi 90.000 đồng. Cứ tưởng mua bán xuất khẩu không được nhiều, bấy giờ ai nấy đều thất vọng.

Giá hồ tiêu thời gian qua lấy lại sức bật, nói khó ai tin, nhưng không phải nhờ những phân tích cung cầu của các tay chuyên môn và những nhà chuyên doanh lành nghề trên thế giới. Chính sức mạnh của các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo… đã có công lớn truyền cho nhau tâm lý giá tăng do một mặt giá hồ tiêu xuống dưới giá thành, mặt khác kêu gọi bà con nông dân chớ bán vội vì giá hồ tiêu phục hồi có thể đến 150.000-200.000 đồng/ki lô gam.

Thông tin ấy được các đại gia ngành hàng rất tán đồng vì họ đã mạnh tay trữ vài ba ngàn đến năm bảy ngàn tấn trong kho từ khi giá xuống dưới 50.000 đồng trở đi. Ở mức đáy, tin giá tăng lại càng được nung nấu nhiều hơn. Nay còn một lực lượng khác đang ngày đêm đưa tin giá tăng không chỉ dừng ở 90.000 mà còn trên 100.000 đồng và thậm chí có thể đạt đỉnh kỷ lục như một cách quảng bá để bán đất đai, vật tư và bán giống hồ tiêu…”.

Cũng đúng thôi! Dù mặt hàng này có sàn giao dịch tại Ấn Độ với tư cách hàng hóa, nhưng quy mô rất nhỏ, ảnh hưởng không nhiều lên thị trường hồ tiêu thế giới. Khi Việt Nam chưa có sàn, sở giao dịch và trung tâm “phát thanh” thông tin hàng hóa chính là các mạng xã hội, thông qua đó những trao đổi giữa các bạn hàng với nhau, giữa nhà vườn trồng hồ tiêu, chỉ cần một thông báo trên Facebook hay Zalo, là cả cộng đồng hồ tiêu đều tiếp cận, từ nhà vườn trong núi sâu đến đại gia cộm cán có kho chế biến to đùng tại các đô thị.

Vả lại, Việt Nam là nước cung cấp trên 50% nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu thế giới… thì chính các mạng xã hội đã góp phần rất lớn để nhà vườn và giới kinh doanh tiêu đen khỏi chịu cảnh đời đen do thị trường đưa đẩy. Nói thế để thấy rằng tuy cũng là một mặt hàng nông sản có lượng mua bán nhiều và cần lượng vốn lớn, nhưng hồ tiêu không chịu sự điều tiết và khuynh loát bởi các quỹ đầu tư tài chính như trên các sàn giao dịch khác như đường ăn, lúa mì hay cà phê…

Nhưng tin 100% vào mạng xã hội, một sân chơi hoàn toàn mở, thiệt giả lẫn lộn, đôi khi là con dao hai lưỡi. Khi ý đồ của một đại gia nào đó muốn nhà vườn giữ lại hàng, thì cũng có thể tung tin giá lên là cơ hội cho họ đẩy hàng ra thị trường chớp nhoáng hòng chớp được giá cao nếu như người tham gia mạng không chịu phân tích thông tin thấu đáo.

Vườn hồ tiêu anh Luận nay còn chừng năm bảy chục gốc tiêu, nhưng trước mắt anh thề với mình không đầu tư gì nữa vào hồ tiêu. Nay quay lại chốn cũ, cảnh cũ, túi vơi tiền nhưng không thiếu việc. Nhiều bạn bè người quen đang nhờ anh thu hái cà phê, ngày kiếm trên trăm ngàn được cho là tạm thời ổn khi về chốn xưa tránh dịch. Không phải chỉ mình anh mà nhiều người khác từ thành phố về cũng có ý nghĩ như anh: thôi, còn mấy gốc tiêu cố gắng chăm sóc để đủ có tiền tiêu vặt, chứ tiền đâu nữa mà mở rộng diện tích hồ tiêu.

Chỉ cần ai quay lại cũng đều có suy nghĩ như anh, không mở rộng diện tích hồ tiêu khi giá đang lên thì mới giữ giá được như hiện nay, thì tiêu dễ gì… tiêu.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC), sản lượng hồ tiêu năm 2021 ước đạt 574.000 tấn giảm 3% so với năm ngoái. Trong 10 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu gần 230.000 tấn. Còn hai tháng nữa là kết thúc năm kinh doanh hồ tiêu 2021 của Việt Nam. Cứ nhẩm tính Việt Nam xuất khẩu 30.000 tấn cho thời gian còn lại, thì việc mở rộng diện tích và tăng sản lượng hồ tiêu là một đe dọa lớn cho giá hồ tiêu dù Việt Nam đang “làm chủ tình hình” mặt hàng này trên thị trường thế giới.

Để thử lại ý định của anh Luận xem có chắc, người viết bài này cho rằng tuy sắp vào niên vụ mới, giá hồ tiêu còn có thể lên do nhiều yếu tố như lạm phát tại nhiều nước tiêu thụ chính như Mỹ, EU… Luận đáp nhanh rằng dù có lên 100.000-120.000 đồng/ki lô gam, có bõ bèn gì đâu so với giá xăng dầu, phân bón, chuyên chở và công lao động. “Tui ở yên vậy cho lành!”. Và thầm đoán… quyết định của Luận thế mà đúng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới