Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tìm giải pháp quản lý Internet

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tìm giải pháp quản lý Internet

Thu Hiền

Tìm giải pháp quản lý Internet
Khoảng 90% đại lý Internet đều lấy dịch vụ trò chơi trực tuyến để thu hút khách hàng trẻ em, thanh thiếu niên, chỉ có 10% là có cung cấp dịch vụ khác. Ảnh: T.L

(TBVTSG) – Nhiều ý kiến đóng góp tại cuộc hội thảo lấy ý kiến cho bản dự thảo nghị định quản lý Internet do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ở TPHCM mới đây đã tập trung vào quan điểm hạn chế tính cực đoan trong công tác quản lý, tìm giải pháp để dung hòa các nhóm lợi ích và phát huy được mặt tích cực của dịch vụ này. Theo dự kiến, bản dự thảo nghị định này sẽ được trình lên Chính phủ trong tháng 12 năm nay.

Phát biểu tại cuộc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho rằng cần phải khẳng định rằng dịch vụ Internet là một lĩnh vực đặc thù, mang lại nhiều lợi ích song cũng kèm theo nhiều hệ lụy khôn lường. Do đó, việc quản lý dịch vụ này phải dung hòa các nhóm lợi ích và phát huy được mặt tích cực của nó. Về những hệ lụy từ dịch vụ cung cấp trò chơi trực tuyến (online game), ông cho rằng cần đấu tranh chống mặt tiêu cực, loại bỏ yếu tố bạo lực một cách hữu hiệu chứ không bài trừ loại hình trò chơi này.

Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi quy định mới ra đời, nhiều địa phương đang đưa ra các giải pháp hành chính, kỹ thuật lẫn những quy định riêng về công tác quản lý, trong đó có những quy định được đánh giá là mang tính cực đoan.

Hạn chế tính cực đoan trong công tác quản lý

Theo các số liệu thống kê, tính đến tháng 6 năm nay, trên cả nước có 36.295 đại lý Internet. Trong đó, VNPT là nhà cung cấp chiếm thị phần lớn nhất với 68,9%, Viettel là 16,2%, FPT là 8,7% và phần còn lại thuộc về các nhà cung cấp khác như EVN Telecom và CMC TI. Hầu hết các đại lý Internet đều có kinh doanh trò chơi trực tuyến và các trò chơi không trực tuyến bên cạnh các dịch vụ cơ bản như lướt web, thư điện tử (e-mail), trò chuyện trực tuyến (chat)…

Tại cuộc hội thảo, ông Phạm Quốc Bản, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, nói rằng nhiều năm nay cơ quan này đã thẳng tay xóa sổ các đại lý không đủ tiêu chuẩn, đặc biệt là những đại lý gần trường học nhằm phục vụ mục tiêu tạo ra môi trường học tập lành mạnh cho học sinh, sinh viên. Theo ông Bản thì hầu hết các đại lý Internet đều kinh doanh trò chơi trực tuyến, trong đó phần nhiều là trò chơi bạo lực, và rất ít đại lý cung cấp các nội dung khác.

“Phải tổng điều tra các đại lý Internet, không thể vì lợi ích của các nhà kinh doanh mà quên đi lợi ích chung của xã hội”, ông Bản nói quyết liệt.

Hà Nội đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để quản lý các đại lý kinh doanh Internet như buộc các cơ sở này phải cài phần mềm kiểm soát trò chơi bạo lực, cắt đường truyền sau 22 giờ đêm, xem xét lại việc cấp giấy phép kinh doanh… nhưng đều thất bại.

Ông Nguyễn Hòa Nhã, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Long An, cho biết 90% đại lý Internet trên địa bàn tỉnh đều lấy dịch vụ trò chơi trực tuyến để thu hút khách hàng trẻ em, thanh thiếu niên, chỉ có 10% là có cung cấp dịch vụ khác. Sở này đã ban hành quy định riêng về giờ hoạt động của các đại lý trên toàn tỉnh, từ 9 giờ cho đến 21 giờ.

Ở TPHCM, công tác quản lý đại lý Internet được cho là chặt chẽ hơn so với các địa phương khác như buộc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến phải ngưng cung cấp dịch vụ đến các địa chỉ IP do các nhà cung cấp Internet (ISP) đưa ra, ngừng cung cấp trò chơi kể từ 22 giờ ngày hôm trước cho đến 8 giờ ngày hôm sau. Thậm chí, ngành chức năng còn yêu cầu một số doanh nghiệp kinh doanh trò chơi trực tuyến ngừng khởi tạo, kinh doanh vật phẩm trong các trò chơi không có trong hồ sơ thẩm định nội dung đã được phê duyệt.

Mặc dù đã áp dụng các biện pháp mạnh nhưng các nhà quản lý vẫn không nói chắc được về tính hiệu quả của chúng khi mà các đại lý Internet, doanh nghiệp cung cấp trò chơi và ngay cả các ISP vẫn có cách để lách luật.

Bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó cục trưởng Cục Viễn thông – Bộ Thông tin và Truyền thông, thừa nhận rằng trong công tác quản lý Internet công cộng đang có nhiều quy định chồng chéo. Có nơi thực hiện theo quy định của bộ nhưng có nơi lại làm khác, gây nên hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các ISP, các tiệm Internet có cung cấp trò chơi trực tuyến công cộng. Cụ thể, có trường hợp ISP này ngưng cung cấp đường truyền Internet cho đại lý theo quy định của bộ từ 22 giờ đến 8 giờ nhưng lại có ISP khác sẵn sàng cung cấp đường truyền khác không bị ngắt trong khoảng thời gian đó.

Bà Mơ cho rằng môi trường Internet không chỉ có trò chơi trực tuyến, nhưng cách quản lý hiện nay ở một số địa phương theo kiểu “chặn và cấm cho tròn trách nhiệm” vô hình trung đánh đồng trò chơi với các nội dung khác. Do đó, không thể ngăn chặn Internet như cách làm hiện nay mà phải tìm cách nào đó để ngăn chặn nội dung xấu, tạo cơ hội cho nội dung tích cực phát triển.

Thay đổi phương thức quản lý

Ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND TPHCM, nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, nói rằng các ngành chức năng nên xóa bỏ định kiến coi việc kinh doanh Internet công cộng như một ngành nghề nhạy cảm và phải đẩy mạnh mặt tích cực của nó. Theo quan điểm của ông, không cấm trò chơi trực tuyến nhưng nhất thiết phải hạn chế yếu tố bạo lực trong trò chơi và việc nhiều địa phương coi điểm kinh doanh Internet như một tụ điểm tệ nạn là cực đoan.

Ông Hà chỉ ra một thực tế là “thế giới ảo” giờ đây quan trọng không kém thế giới thật nhưng cho đến nay công tác quản lý trong lĩnh vực mới này hầu như bị phó mặc cho ngành thông tin và truyền thông. Đặc biệt, trong việc quản lý hoạt động kinh doanh trò chơi trực tuyến đang có sự không thống nhất giữa các ngành, các địa phương và các doanh nghiệp nên rất khó thực hiện.

Theo ông Hà, TPHCM đang nghiên cứu việc cho phép các doanh nghiệp phát hành trò chơi cung cấp sản phẩm của họ qua các đại lý riêng của mình, không cung cấp tại các đại lý Internet; khi tách bạch ra như vậy thì sẽ không cần các quy định phức tạp để quản lý.

Cùng quan điểm kể trên, các đại diện ISP như VNPT cho rằng đã đến lúc những nhà cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến nên ngồi lại với nhau, tổ chức riêng các khu vực chơi để cung cấp cho những ai có nhu cầu. Các đại diện ISP lưu ý rằng đại lý Internet ra đời với nhiều mục đích, đặc biệt là phục vụ nhu cầu học tập, tìm kiếm thông tin…, nên biện pháp quản lý cứng nhắc sẽ phản tác dụng.

Bà Lê Thị Ngọc Mơ cho biết, nhằm thay thế Nghị định 97/2008/NĐ-CP về quản lý Internet, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tích cực soạn thảo, lấy ý kiến các bộ, ngành và doanh nghiệp cho một dự thảo luật mới. Riêng vấn đề kinh doanh đại lý Internet sẽ được siết chặt, đặc biệt là với những tổ chức và cá nhân cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến.

Nghị định này được kỳ vọng sẽ là công cụ hữu hiệu khi nó thể hiện vai trò quản lý nhà nước cấp cao nhất để ban hành những chính sách chung, làm nền tảng pháp lý để các địa phương và doanh nghiệp căn cứ vào đó mà thực hiện. Có như vậy, doanh nghiệp và người tiêu dùng mới đồng thuận và chấp hành và các biện pháp đề ra mới đạt hiệu quả như mong muốn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới