Tìm kiếm khách hàng xuất khẩu trực tuyến
Văn Hòa
Ngoài phương thức tiếp thị truyền thống, các doanh nghiệp cũng nên tận dụng Internet để tìm kiếm thêm khách hàng mới. Ảnh: T.L. |
(TBVTSG) - Theo các chuyên gia, trong thời buổi kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu không những cố gắng giữ mối quan hệ tốt với các khách hàng truyền thống, mà còn tích cực tìm kiếm khách hàng mới qua Internet...
Ông Trần Ngô Khánh Thạnh, Giám đốc Công ty Tre Làng, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu đồ nội thất làm bằng tre, cho biết lượng khách hàng trực tuyến của công ty trên các sàn thương mại điện tử hiện nay giảm khoảng 10% so với hồi đầu năm nay.
Đẩy mạnh hoạt động tiếp thị trực tuyến
Ngoài trang Alibaba.com mà Tre Làng tham gia trong những năm gần đây, hiện ông Thạnh đang quan tâm đến hình thức tiếp thị trực tuyến qua từ khóa Google AdWords, do trang này có nhiều sự ưu đãi với các mức phí trả theo từng gói nhỏ, dễ đo lường được hiệu quả.
Ông Thạnh chia sẻ, doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải luôn cập nhật các thông tin như giới thiệu về công ty, hình ảnh công ty, hình ảnh mô tả hàng hóa, cùng các dịch vụ của mình một cách sinh động trên trang web riêng của doanh nghiệp, cũng như tải các đoạn phim ngắn giới thiệu về doanh nghiệp, sản phẩm mới lên trang YouTube…
Bên cạnh đó, nếu nhận được thư hỏi thăm về sản phẩm-dịch vụ tiềm năng, doanh nghiệp nên trả lời sớm cho khách hàng vì họ không thích chờ đợi lâu; đồng thời phải bố trí nhân sự chuyên trò chuyện trực tuyến, chăm sóc khách hàng thường xuyên...
“Doanh nghiệp nên thuê hẳn một nhân viên công nghệ thông tin, giỏi ngoại ngữ, chuyên làm về SEO – đẩy trang web của doanh nghiệp lên trang đầu khi đối tác tìm theo tên sản phẩm, tên công ty trên Google – thiết kế hình ảnh sản phẩm và tham gia làm thành viên miễn phí của tất cả các sàn giao dịch thương mại điện tử như Tradekey.com, Ec21.com…”, ông Thạnh nói.
Theo ông Trần Quốc Trí, Giám đốc tiếp thị trực tuyến của Công ty cổ phần đầu tư thương mại Sông Lam, chuyên kinh doanh, xuất nhập khẩu sản phẩm bảo hộ lao động, Sông Lam đã đăng ký làm thành viên miễn phí của các sàn giao dịch trực tuyến được một thời gian nhưng chưa thấy hiệu quả. Nguyên nhân có thể là sản phẩm của công ty quá đặc thù hoặc công ty chưa là thành viên chính thức nên chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ.
“Hiện khách hàng biết đến Sông Lam đa phần là qua trang web khi họ tìm kiếm trên mạng. Trung bình một quý, công ty kiếm được năm khách hàng trực tuyến mới”, ông Trí nói. Theo ông, để tìm kiếm khách hàng qua Internet, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ cách thức tìm kiếm qua từ khóa của những thị trường khác nhau, đồng thời trang web phải có nhiều thông tin liên quan đến ngành hàng, sản phẩm mình kinh doanh.
“Hiện nay, Sông Lam đang đầu tư nâng cấp trang web, thêm giao diện bằng tiếng Anh. Cuối năm nay công ty sẽ đẩy mạnh việc tìm kiếm khách hàng trực tuyến qua Google AdWords. Ngoài ra, công ty cũng đang thử tìm kiếm khách hàng trên trang mạng xã hội LinkedIn, do trên trang này có những nhóm doanh nghiệp theo từng ngành hàng, từng quốc gia, nên kỳ vọng sẽ gặp được nhiều khách hàng tiềm năng”, ông Trí nói.
Ngoài những ưu điểm như chi phí thấp, hiệu quả đo đếm được... thì các chuyên gia còn khuyến cáo việc tìm kiếm khách hàng trực tuyến cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, điển hình như vấn nạn thư rác, thư lừa đảo…
Để tránh các trường hợp lừa đảo khi tìm kiếm khách hàng trên Internet, doanh nghiệp nên cẩn thận xem xét thư điện tử mà đối tác gửi tới – có phải từ một doanh nghiệp hay của Yahoo, Gmail; xem kỹ mã số thuế, trang web, số fax, số điện thoại… Ngoài ra, đối với khách hàng tiềm năng, sau khi thương lượng các điều kiện về thanh toán, giao nhận, doanh nghiệp nên gặp mặt để có thể tạo sự tin tưởng cũng như tìm hiểu kỹ hơn về đối tác; hoặc kiểm tra về đối tác thông qua các tham tán thương mại tại Việt Nam.
“Doanh nghiệp nên thường xuyên truy cập vào trang web thông tin thị trường nước ngoài: ttnn.com.vn của Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (ECOMVIET) thuộc Bộ Công Thương. Trang này có danh sách các doanh nghiệp nước ngoài theo từng ngành hàng với nhu cầu mua hàng cụ thể, có sự bảo đảm của đại sứ quán của các nước. Nhờ vậy, doanh nghiệp có thể yên tâm giao dịch, giảm bớt nỗi lo về sự lừa đảo”, một chuyên gia cho biết.
Các sàn giao dịch trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp
Theo ông Trần Đình Toản, Phó tổng giám đốc Công ty OSB, đại diện sàn giao dịch thương mại điện tử Alibaba.com tại Việt Nam, Alibaba.com và OSB đang hỗ trợ giảm 45% phí làm thành viên Vàng, dành cho 500 doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên cả nước, bắt đầu từ tháng 7-2012 tới tháng 12-2012 hoặc cho đến khi đã đủ số lượng doanh nghiệp đăng ký.
OSB sẽ tổ chức các buổi hội thảo, các khóa đào tạo kỹ năng liên quan tới hoạt động xuất khẩu trực tuyến và các chương trình gặp gỡ trực tiếp các nhà nhập khẩu nước ngoài, nhằm giúp tăng khả năng giao thương của các doanh nghiệp Việt Nam.
Doanh nghiệp khi làm thành viên của Alibaba.com sẽ được đào tạo về cách thức nhận biết dấu hiệu lừa đảo trực tuyến. Doanh nghiệp cũng có thể nhờ bộ phận chăm sóc khách hàng của sàn này tư vấn khi nhận thấy những dấu hiệu bất ổn trong quá trình giao dịch với đối tác.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Thanh, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH MFG Việt Nam, chủ quản trang web giao dịch trực tuyến của Mỹ về lĩnh vực cơ khí và dệt may MFG.com, MFG đang hỗ trợ khoảng 50% mức phí thành viên và các khoản hỗ trợ khác dựa vào quy mô của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tham gia MFG.com đều được đánh giá năng lực bởi một công ty thứ ba là DNB – nhà cung cấp thông tin chuyên sâu và xếp hạng tín dụng về doanh nghiệp, thuộc các lĩnh vực như quản lý rủi ro, kinh doanh, quản trị cung ứng toàn cầu, giúp khách hàng của mình có được sự tin tưởng khi xây dựng các mối quan hệ kinh doanh với đối tác của họ.
“Chỉ có các thành viên chính thức mới có thể xem thông tin của đối tác để tiến hành báo giá, giao dịch. Các thành viên còn có thể xem được hồ sơ năng lực của nhau, thói quen đặt hàng, khu vực thị trường giao dịch, ý kiến đánh giá của đối tác đã làm ăn trước đây trên MFG.com, nên sẽ giúp hạn chế tình trạng lừa đảo”, bà Thanh nói.