(KTSG Online) – Sau 5 năm thực hiện, Nghị quyết 54 về thí điểm chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã góp phần phát huy hiệu quả nhưng “chiếc áo thể chế” này cũng trở nên quá chật trong bối cảnh mới. Dự kiến, tại kỳ họp tháng 5 này, nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 sẽ được trình Quốc hội. “Chiếc áo mới” này được kỳ vọng sẽ giúp TPHCM tháo gỡ các nút thắt về thể chế, tạo đột phá để phát triển.
- Dự thảo nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TPHCM sẵn sàng trình Quốc hội
- Chính phủ trình Quốc hội đề xuất thí điểm nhiều cơ chế đặc thù cho TPHCM
- Đề xuất Nghị quyết thay thế về thí điểm cơ chế đặc thù cho TPHCM
Ngày 24-11-2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 54). Thời hạn thí điểm áp dụng Nghị quyết 54 cho TPHCM là 5 năm, bắt đầu từ ngày 15-1-2018.
Tại kỳ họp cuối năm 2022, Quốc hội đã tiến hành tổng kết và cho phép kéo dài Nghị quyết 54 thêm một năm, đến 31-12-2023. Trong thời gian đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TPHCM phối hợp với các bộ, ngành xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 hiện hành. Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV khai mạc vào ngày 22-5 tới, nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 sẽ được trình Quốc hội.
Sau 5 năm thực hiện, Nghị quyết 54 đã góp phần phát huy hiệu quả nhưng vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, đặc biệt là về thể chế cần phải tháo gỡ thông qua nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. Theo các chuyên gia, xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 phải tiếp cận theo hướng trao quyền nhiều hơn và kiểm soát ít hơn, giúp thành phố phát huy được vai trò đầu tàu cả nước.
Kinh tế tăng trưởng cao hơn nhờ chính sách đặc thù
Tại kỳ họp tháng 10-2022, Quốc hội đã nghe báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Theo Báo cáo của Chính phủ đánh giá qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, TPHCM đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Ngoại trừ các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, kinh tế liên tục tăng trưởng cao, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011-2015.
Trong khi đó, theo đánh giá của TPHCM, với việc thực hiện các quy định tại Nghị quyết 54, tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn so với việc phải trình các cơ quan trung ương thẩm định. Việc nâng hạn mức huy động vốn cho phép thành phố chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Việc được chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Bên cạnh đó, chính sách chi thu nhập tăng thêm được thực hiện công khai, minh bạch, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc. Việc thực hiện đẩy mạnh cơ chế ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương đã phát huy hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế – xã hội, thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn thành phố, phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.
Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận một số vấn đề còn tồn tại như một số cơ chế tuy đã được thực hiện nhưng hiệu quả còn thấp. Chẳng hạn, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt chưa áp dụng được nhiều.
Cơ chế tài chính đặc thù trong giai đoạn 2018-2022 mới chỉ có nguồn từ thưởng và đầu tư trở lại từ ngân sách Trung ương (1.654 tỉ đồng), thu từ cổ phần hóa và thoái vốn (1.786,6 tỉ đồng), phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (2.800 tỉ đồng) và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước cho thành phố vay lại (11.387,3 tỉ đồng), thu được từ phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp (132,6 tỉ đồng). Các nguồn có tiềm năng, có số thu lớn chưa được triển khai thực hiện, như cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, thu khai thác tài sản và từ đất đai.
Ngoài ra, một số nội dung triển khai Nghị quyết 54 còn chậm so với kế hoạch; một số cơ chế chính sách chưa được quy định cụ thể hoặc đang phải chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm các nội dung ủy quyền (1).
“Chiếc áo thể chế” đã quá chật
Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 11-5 dẫn ý kiến của một số đại biểu tại cuộc tọa đàm thảo luận và góp ý dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 do đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hồi cuối tháng 3 vừa qua nhận định, “chiếc áo thể chế” mà siêu đô thị TPHCM đang mặc rất chật nên cần có nghị quyết mới với những chính sách vượt trội mà Nghị quyết 54 chưa đáp ứng được.
Các đại biểu cũng nhận xét, Nghị quyết 54 đã trao quyền nhưng vẫn còn ràng buộc bởi các nghị định, thông tư. Vì vậy, cơ chế, chính sách mới phải gỡ được những vướng mắc này. Muốn được như vậy, thành phố cần được phân cấp ủy quyền mạnh mẽ và được chủ động thực hiện những vấn đề đã được phân cấp; được tạo động lực phát triển để tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho cả nước.
Cũng liên quan đến vấn đề thể chế, phân quyền, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, tại buổi làm việc ở TPHCM mới đây và tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9-5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhắc đến việc năm 2022 TPHCM gửi, hỏi bộ này 584 văn bản và bộ đã trả lời 604 văn bản. Chủ tịch Phan Văn Mãi thẳng thắn nói rõ tại buổi làm việc: “Trong hơn 600 văn bản trả lời đó, có rất nhiều nội dung trả lời không rõ, căn cứ vào trả lời cũng không biết sao làm”.
Có bốn nhóm vấn đề mà TPHCM phải hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gồm nhóm thứ nhất là những vấn đề thực tiễn của TPHCM phát sinh mà quy định pháp luật chưa có nên phải hỏi; nhóm thứ hai là những vấn đề đã có quy định, nhưng luật này khác, luật kia khác cần phải hỏi; nhóm thứ ba là những vấn đề đã có quy định rồi nhưng cách hiểu là khác nhau nên phải hỏi và nhóm thứ tư là những vấn đề rõ rồi nhưng mà do nghiên cứu chưa chắc ăn nên hỏi.
Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, nếu quy là cán bộ TPHCM sợ trách nhiệm, không dám làm thì chỉ đúng với nhóm thứ tư nhưng ba nhóm còn lại thuộc diện không thể không hỏi (2).
Phải tháo gỡ nút thắt về cơ chế, thể chế
“Chính phủ đã chuẩn bị nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 rất công phu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ phấn đấu trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp thứ 5, sớm hơn thời hạn hết hiệu lực của Nghị quyết 54” – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9-5-2023
Hồi tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo TPHCM về nội dung Đề án xây dựng nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là tháo gỡ các nút thắt về thể chế, cơ chế, chính sách, nguồn lực, thẩm quyền, tổ chức thực hiện; tạo đột phá về hợp tác công tư, huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội không chỉ cho phát triển hạ tầng mà còn các lĩnh vực khác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải thực hiện phân cấp, ủy quyền nhiều hơn cho thành phố đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; tập trung thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, giáo dục – đào tạo và thu hút nguồn nhân lực (3).
Để tháo gỡ những nút thắt đã bộc lộ trong quá trình 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, quá trình chuẩn bị, xây dựng dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 được TPHCM phối hợp cùng các cơ quan trung ương thực hiện công phu, kỹ lưỡng, chặt chẽ. Trong đó, thành phố đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm tiếp thu góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu Quốc hội.
Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng tổ chức 14 cuộc họp giữa tổ biên tập với các bộ, ngành và TPHCM; tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học. Có 16/16 bộ, ngành tham gia góp ý vào dự thảo nghị quyết.
Điểm nổi bật của nghị quyết mới lần này là các cơ chế, quyết sách sẽ không chỉ dừng ở mức thí điểm mà đã được nâng tầm, cụ thể hóa thành những công cụ pháp lý cụ thể, rõ ràng để có thể giải quyết tốt hơn những “điểm nóng” lâu nay của TPHCM. Đó là những vấn đề rất quan trọng quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và môi trường; cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược; công tác quản lý khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng chính quyền đô thị hay phương thức phát triển thành phố Thủ Đức.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đúng với các quy định của pháp luật. Thành phố chuẩn bị dự thảo nghị quyết công phu với khoảng 40 nội dung về cơ chế, chính sách theo 4 nhóm, trong đó có nhóm các cơ chế chính sách mới.
Đặc biệt, TPHCM đề nghị thí điểm những cơ chế đột phá, vượt trội để huy động nguồn lực xã hội phát triển thành phố, từ đó đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước. Dự thảo nghị quyết lần này cũng tập trung đề xuất các cơ chế, chính sách giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng, về đô thị, ngập nước, xử lý rác thải hay việc phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho thành phố để thành phố giải quyết các vấn đề của mình nhanh chóng hơn (4).
Theo Baochinhphu.vn, nghị quyết mới với 40 nội dung chính sách, chia thành 4 nhóm cốt lõi:
- Nhóm thứ nhất là tiếp tục thực hiện một số cơ chế trong Nghị quyết 54 hiện hành.
- Nhóm thứ hai là những cơ chế đặc thù đã có mà TPHCM đang cùng 8 địa phương khác thực hiện.
- Nhóm thứ ba là những nội dung, cơ chế, chính sách dự kiến đưa vào sửa đổi các luật (đã có trong dự thảo), TPHCM xin thí điểm trước.
- Nhóm thứ tư là những vấn đề do TPHCM chủ động đề xuất, do các chuyên gia và cơ quan Trung ương gợi ý giúp cho Thành phố.
—————————
- https://www.sav.gov.vn/Pages/chi-tiet-tin.aspx?ItemID=39601&l=TinTucSuKien
- https://thesaigontimes.vn/chu-tich-tphcm-len-tieng-ve-gan-600-van-ban-xin-y-kien-vuot-tham-quyen/,
- https://thesaigontimes.vn/thao-go-cac-nut-that-ve-the-che-co-che-chinh-sach-de-phat-trien-tphcm/
- https://www.sggp.org.vn/chuan-bi-ky-luong-du-thao-nghi-quyet-thay-the-nghi-quyet-54-post689148.html