(KTSG Online) - Hiện nay, công tác kiểm tra, giám sát về thuốc, giá thuốc trên địa bàn TPHCM vẫn còn có nhiều “lỗ hổng”. Ngoài ra, việc xử lý sai phạm của các cơ sở hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Đây là nội dung được đại diện Sở An toàn thực phẩm TPHCM thông tin tại buổi khảo sát về công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn TPHCM vào ngày 7-5.
- Bộ Y tế quy định danh mục thuốc mua sắm tập trung cấp quốc gia
- Tiếp tục cấp mới, gia hạn đăng ký lưu hành với khoảng 1.100 loại thuốc
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, về hệ thống phân phối thuốc, hiện thành phố có 1.202 doanh nghiệp bán buôn và 6.529 nhà thuốc đảm bảo cung ứng thuốc trên toàn thành phố, kể cả các khu vực vùng sâu, vùng xa, xã đảo. Tuy nhiên, sản lượng thuốc tiêu thụ tại thành phố chỉ chiếm từ 25-30% của cả nước. Vì vậy, công tác cung ứng thuốc nhằm bảo đảm nhu cầu thuốc cho điều trị là một thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành dược thành phố.
Về công tác thanh kiểm tra, ông Nam cho biết trong gần 7.600 doanh nghiệp, nhà thuốc trên toàn thành phố, qua công tác kiểm tra, Sở Y tế TPHCM phối hợp với các cơ quan chức năng đã kiểm tra được 261 cơ sở kinh doanh. Qua đó, đơn vị phát hiện 117 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt trên 3,2 tỉ đồng. Ngoài ra, ngành y tế đã đình chỉ hoạt động 4 cơ sở, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược có thời hạn 9 cơ sở và tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược một cơ sở.
“Tuy nhiên, kết quả này còn thấp, dù từ cấp thành phố đến địa phương có đủ các tổ, cơ quan liên ngành”, ông Nam thừa nhận và cho rằng việc này có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TPHCM, từ năm 2022 đến nay, đơn vị này đã thực hiện công tác rà soát các nội dung quảng cáo về thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các website và mạng xã hội. Chỉ tính riêng trong năm 2023 đến hết quý 1-2024, Sở rà soát được hơn 18.700 sản phẩm và phát hiện 182 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm. Đơn vị cũng đã thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hơn 2.000 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phát hiện 4 cơ sở vi phạm về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và vi phạm về ghi nhãn.
Bà Lan cho biết qua quá trình kiểm tra cho thấy, đa số thực phẩm chức năng được bán ở các nhà thuốc. Tuy nhiên, rất nhiều sản phẩm quảng cáo quá sự thật, coi thực phẩm chức năng như là thuốc điều trị bệnh. Quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo đài chính thống tương đối vừa phải, trật tự. Thế nhưng, trên môi trường mạng xã hội như Zalo, Facebook, các website vẫn còn tình trạng trà trộn tình trạng quảng cáo sai sự thật. Trong khi cơ quan chức năng xử lý sai phạm những cá nhân, chủ thể này không nhận sai.
Trước mắt, người dân cần tự bảo vệ bản thân bằng cách khi mua thực phẩm chức năng nên xem rõ nguồn gốc, số đăng ký… Nếu có nghi ngờ về chất lượng sản phẩm, mọi người cần thông báo cho các cơ quan chức năng để xử lý, đại diện Sở An toàn thực phẩm TPHCM khuyến cáo.
“Một vấn đề khó khăn trong xử lý sai phạm là đa phần các cơ sở hoạt động kinh doanh thực phẩm chức năng chỉ là văn phòng đại diện. Một số cơ sở có hợp đồng thuê văn phòng để đăng ký kinh doanh, chỉ đặt biển hiệu, không có hoạt động làm việc nên công tác kiểm tra còn nhiều hạn chế trong việc liên hệ với chủ cơ sở. Đó còn là sự chồng chéo trong công tác kiểm tra giữa Sở An toàn thực phẩm TPHCM với các cơ quan quản lý chuyên ngành khác như Sở Y tế thành phố, các phòng y tế tại các địa phương…”, bà Lan nói.
Ngoài ra, hiện vẫn còn nhiều “lỗ hổng” trong công tác kiểm tra, giám sát về thuốc, giá thuốc… Đặc biệt, tỷ lệ nhập khẩu thuốc của nước ngoài ở các doanh nghiệp rất lớn. Tuy nhiên, bao bì, nhãn mác không rõ ràng có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân.
Trước thực trạng này, một số đại diện cơ quan ban ngành đề xuất khi phát hiện doanh nghiệp, cơ sở vi phạm cần phải xử lý nghiêm để răn đe; thu hồi và nêu tên các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng, doanh nghiệp, cơ sở sai phạm. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần có cơ chế, giải pháp nhằm phát triển ngành dược liệu, doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước. Điều này nhằm khuyến khích các doanh nghiệp phát triển những loại thuốc hiếm, đặc trị với giá cả hợp lý để người dân được hưởng lợi.