(KTSG Online) - Kinh tế khó khăn cùng sự phát triển chậm lại của TPHCM khiến các đại biểu HĐND thành phố lo ngại. Nhu cầu đầu tư lớn song ngân sách hạn hẹp, thiếu vốn, năm 2023 TPHCM tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng như thế nào và có giải pháp gì để đạt tỷ lệ giải ngân trên 95%...
- TPHCM tập trung vào các việc trọng tâm để giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công
- Lãnh đạo TPHCM lo ngại tình trạng giải ngân đầu tư công còn quá thấp
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 8 HĐND TPHCM khoá X, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi nêu, TPHCM là địa phương tự cân đối nguồn lực nên trước hết phải lo đủ tiền mới chi được. Năm 2023, dự kiến cần ngân sách 71.000 tỉ đồng cho đầu tư công, Trung ương phân bổ 55.000 tỉ đồng, nhưng sau khi rà soát các nguồn, thành phố chỉ cân đối tối đa 45.000 tỉ đồng, thiếu 10.000 tỉ đồng. Thành phố vạch ra 3 nguồn để bù vào khoảng trống này.
Nguồn thu đầu tiên, thành phố sẽ đấu giá nhà đất, giống như đã làm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Song, thị trường bất động sản đang khó khăn nên phải cân nhắc, không để bán rẻ tài sản công. Nguồn thu thứ hai là ở các địa phương, và thứ ba là các nguồn thu từ Nghị quyết 54/2017/QH14.
Tuy nhiên, theo ông Mãi, dù có đủ 55.000 tỉ đồng vốn đầu tư công cho năm 2023 cũng chưa đáp ứng hết nhu cầu vốn của thành phố. Vì vậy chính quyền thành phố đề ra giải pháp huy động nguồn lực xã hội từ: tài sản công, ODA, quỹ FDI và doanh nghiệp nhà nước.
Với nguồn vốn ODA, TPHCM cho rằng không thiếu, song sẽ cân nhắc tiếp cận nguồn nào và làm sao đảm bảo thời gian, hiệu quả. TPHCM đang có hướng tiếp cận các quỹ như môi trường, biến đổi khí hậu để giải quyết vấn đề hạ tầng, ngập, ùn tắc.
Quí 1 năm 2023, thành phố sẽ ban hành đề án huy động nguồn đầu tư xã hội, trong đó quy định chính sách để thu hút, phát huy nguồn kiều hối - dòng vốn hàng năm tương đương nguồn đầu tư nước ngoài. Cần có chính sách tiếp cận để dòng tiền này chảy vào đầu tư sản xuất, đầu tư vào y tế, giáo dục… chứ không phải tiêu dùng hay mua sắm tài sản cố định khác.
Về nguồn vốn từ các doanh nghiệp nhà nước do TPHCM quản lý, năm 2023 thành phố tập trung củng cố để phát huy nguồn lực. Bởi nhiều doanh nghiệp nhà nước thoái vốn nhưng chưa đưa nguồn vốn vào đầu tư, thúc đẩy sản xuất. Ông Mãi cho rằng cần tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, chuyển thành nguồn lực đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội.
Việc tìm kiếm vốn đầu tư công, theo lãnh đạo TPHCM là để thành phố hoàn thành nhiều dự án trọng điểm: tuyến metro số 1 dự kiến chạy thử đoạn trên cao vào cuối năm 2022, tháng 3-2023 chạy thử toàn tuyến, sau đó hoàn thiện để khánh thành, khai thác thương mại. Năm 2023, thành phố tập trung làm 4 tuyến đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đường Lương Định Của, nút giao Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ.
Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi nhấn mạnh, để đảm bảo tiến độ giải ngân, thành phố sẽ chỉ đạo các sở ngành hoàn thiện hồ sơ để đến quí 1-2023 xác định dự án nào triển khai, tập trung giải phóng mặt bằng, nâng chất lượng phối hợp giữa các cơ quan, giám sát tiến độ chủ đầu tư, từ đó xác định trách nhiệm, tiến độ của chủ đầu tư và điều chỉnh nguồn vốn cho phù hợp.
Theo Cổng thông tin UBND TPHCM và TTXVN