(KTSG Online) – Không phải câu chuyện của 10 năm về trước, kỹ xảo điện ảnh Việt ngày càng được giới chuyên môn đánh giá cao với nguồn nhân lực tài năng và công nghệ không thua kém các nước phát triển. Nhiều dự án quốc tế tìm đến các studio trong nước đặt hàng gia công. Tuy vậy, để đi xa hơn nữa trên thị trường công nghiệp hậu kỳ phim ảnh, đem về khoản doanh thu lớn cho ngành giải trí, lĩnh vực này vẫn đang gặp phải nhiều thách thức.
- Cần sửa Luật Điện ảnh để quản lý phim ảnh, truyền hình phát trên internet
- Ðiện ảnh Việt Nam và những lời khen-chê
Sự phát triển của Visual Effects – VFX (công nghệ kỹ xảo điện ảnh) trong nước khiến cho các hãng phim lớn đầu tư nhiều hơn vào VFX, thuê gia công (outsource) để gia tăng cả số lượng và chất lượng cho các shot phim kỹ xảo. Và Việt Nam cũng là một trong những địa điểm được thị trường quốc tế tín nhiệm. Dư địa của lĩnh vực này được biểu hiện qua các sản phẩm điện ảnh được đầu tư ngày càng chỉn chu về mặt chất lượng, hình ảnh và nguồn kinh phí đầu tư cho phần kỹ xảo cũng gia tăng đáng kể so với nhiều năm về trước.
Mảnh đất gia công “màu mỡ”
Đề cập đến sự thành công của một loạt dự án phim Hàn Quốc, Hollywood như Squid Game, The Glory 2, Khóa Học Yêu Cấp Tốc, Hellbound, Phi Vụ Triệu Đô, Silent Sea… anh Võ Huy Giáp, Giám đốc đào tạo tại Học viện kỹ xảo điện ảnh và hoạt hình MAAC, cho biết nhiều sản phẩm nước ngoài hiện nay đều có sự góp sức của người Việt trong đội ngũ làm hậu kỳ, kỹ xảo. Giờ đây, không chỉ riêng sản phẩm “made in Việt Nam” mới tìm đến studio Việt gia công, mà còn có khá nhiều sản phẩm quốc tế đình đám. Điều này chứng minh được năng lực, tay nghề của đội ngũ nhân sự trong nước đã đáp ứng được yêu cầu của nhà làm phim quốc tế.
Hiện nay, khách hàng chọn Việt Nam làm nơi gia công kỹ xảo điện ảnh cho phim thường đến từ Hàn Quốc, Mỹ (Hollywood), Thái Lan… bởi chất lượng không thua kém so với các nước tiên tiến mà chi phí rất cạnh tranh. Ngoài ra, nhiều công ty Hàn Quốc đổ vốn đầu tư vào Việt Nam cũng tăng mạnh những năm gần đây. Cụ thể, nhiều công ty vốn của Hàn, hoặc do người Việt làm chủ đều nhìn thấy vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu ôn hòa, chính trị ở nước ta bình ổn để phát triển lâu dài, thu hút nhiều nhân công. “Bằng chứng với 15 năm kinh nghiệm trong nghề, bây giờ tôi thấy các team, studio hoạt động rất sôi nổi trong lĩnh vực này và dự án đổ về đa dạng”, anh nói thêm.
Lý giải tại sao Việt Nam không thiếu những người làm kỹ xảo lành nghề, nhưng điện ảnh Việt nhiều năm liên tục ra mắt khán giả sản phẩm “chạm đáy” doanh thu, kém cạnh về chất lượng, một nhà làm phim cho rằng vấn đề nằm ở chi phí đầu tư phim và thiếu kịch bản hay để quyết định chi cho khâu hậu kỳ bao nhiêu là đủ. Thực tế, phần kỹ xảo điện ảnh tốt không thể cứu nổi một bộ phim tệ ngay từ bước diễn xuất, hóa trang, nội dung kịch bản nằm ở phần tiền kỳ. Khán giả khi xem không nhận ra chi tiết nào là sử dụng thủ thuật nghĩa là phần hậu kỳ đã làm đúng việc của mình. Kỹ xảo điện ảnh cần khoản đầu tư lớn, chi phí càng cao, hậu kỳ càng chất lượng, những bộ phim rạp “tệ” ra mắt trong năm qua về chủ đề cổ trang, zombie thất bại vì những yếu tố trên.
Nhìn khía cạnh khác, điện ảnh Việt cũng ghi nhận nhiều sự thay đổi tích cực khi làn sóng phim doanh thu trăm tỷ ngày càng nhiều. Gần đây nhất ba dự án phim Nhà Bà Nữ của đạo diễn Trấn Thành, Chị Chị Em Em của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng hay Siêu Lừa Gặp Siêu Lầy của đạo diễn Võ Thanh Hòa để lại nhiều ấn tượng cho khán giả Việt ba tháng đầu năm cán mốc hơn 100 tỷ.
Theo anh Võ Huy Giáp, cách đây 10 năm cả nước có khoảng 100 rạp phim, bây giờ con số có thể nâng lên 1.000 rạp, nhu cầu giải trí tăng cao, khán giả ngày càng tiếp xúc với nhiều nền tảng phim chất lượng nên yêu cầu cũng cao hơn.
Điều này đặt ra bài toán khó cho nhà làm phim Việt ngày càng phải đầu tư lớn, kéo theo mức rủi ro hoàn vốn lại cao hơn. Nhiều nhà sản xuất hạn chế làm kỹ xảo điện ảnh vì làm sợ lỗ, hoặc làm nhưng không tới nơi tới chốn, mà không làm thì phim dễ đóng khung, nhàm chán.
Việt Nam hiện là nơi nhiều hãng phim chọn thuê gia công, nhưng thị trường vẫn thiếu các dự án nội địa để thể hiện tầm vóc của mình qua màn ảnh. Một số dự án đầu tư yếu tố kỹ xảo được lên sóng trên Netflix như Hai Phượng, Thanh Sói của đạo diễn Ngô Thanh Vân… đã cho thấy nếu “chịu chi” đúng với một nội dung tốt, chúng ta đều có cơ hội quảng bá phim ra nước ngoài và phục vụ khán giả quốc tế.
Ngành nghề đãi ngộ lớn, ít tính cạnh tranh
Thị trường tiềm năng là thế, nhưng nguồn nhân lực vẫn đang trong tình trạng “khát” người. Đảm nhiệm khâu đào tạo chính ở học viện MAAC, vị giám đốc chia sẻ việc tuyển sinh học viên còn gặp cản trở từ bậc phụ huynh thế hệ cũ, truyền thông về ngành nghề công việc này chưa nhiều cũng như bậc đào tạo ở các trường học còn ít. Vị này cho biết các dự án đổ về liên tục, học viện cũng liên kết để hỗ trợ nhân sự nhưng luôn thiếu. Trong khi đó ngành này đãi ngộ hấp dẫn, người tìm việc ít cạnh tranh, mà giải trí vẫn rất cần thiết trong cuộc sống của chúng ta chứ không hề rẻ tiền, đặc biệt là trong và sau dịch Covid-19, nhu cầu này tăng cao rõ rệt.
Theo anh Võ Huy Giáp, chất lượng đào tạo qua từng khóa hiện nay đều đáp ứng được nhu cầu của thị trường, cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp từ 80-90%. Nhiều đối tượng học viên đăng ký học như công việc tay trái, tay ngang chuyển hướng… Có thể nói người học chỉ cần theo sát chương trình, chịu khó luyện tập tay nghề thì sẽ có studio nhận việc. Với nguồn lao động ngành nghề này hiện tại chỉ có mình tự chọi với mình chứ chưa nhiều ứng viên cạnh tranh.
“Tuy sự sàng lọc chưa cao nhưng không có nghĩa là nhà tuyển dụng tuyển người trung bình, kém. Dù mới vào nghề hay làm lâu thì tôi đều muốn các bạn ý thức được việc làm sáng tạo thì phải nâng cao, tiếp cận với phần mềm, công nghệ mới mỗi ngày nếu không ai cũng có thể bị thay thế, đào thải”, anh Giáp nhấn mạnh.
Nguyễn Trung Kiên, hiện đang làm việc tại Synapse Studio Việt Nam từng tham gia khóa học tại học viện MAAC, chia sẻ làn sóng đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt là Hàn Quốc đang ồ ạt đổ về thị trường nước ta. Ngày càng nhiều công ty được mở ra với nhiều mảng khác nhau từ CG House, VFX House tới Production House. Đồng thời đến tận nay cơn khát nhân sự không những không giảm mà ngày càng tăng cao. Vì vậy việc ứng tuyển cũng như cơ hội nghề nghiệp đang rộng mở đa dạng với tất cả các vị trí. Hay bạn Mai Văn Thái Đàm hiện đang làm việc tự do trong lĩnh vực kỹ xảo điện ảnh có tham gia hậu kỳ một số dự án nổi tiếng gần đây như Phi Vụ Triệu Đô, Đàm Phán, Khóa Học Yêu Cấp Tốc, The Glory 2… cũng đồng tình nhà tuyển dụng vị trí này rất phong phú, người làm chỉ cần chăm chỉ, nhẫn nại thì sẽ chinh phục được nó.
Bức tranh nhiều năm tới đây về ngành công nghiệp hậu kỳ Việt Nam được giới chuyên môn đánh giá nhiều đường nét tích cực, có dư địa để “phất lên”. Tuy vậy, một số thách thức khác khó tránh khỏi như Việt Nam chưa có hiệp hội quảng bá đội ngũ làm kỹ xảo chuyên nghiệp ra nước ngoài, mà chủ yếu các doanh nghiệp đang tự kiếm hợp đồng hoặc khách hàng tự biết đến.
Ngành game cũng chưa có nhiều sự ưu ái về thuế phí, các đơn vị tiếp cận đến phần cứng của kỹ xảo mới trên thế giới còn hơi khó khăn vì tốn nhiều chi phí đem về, thử nghiệm. Nhưng tương lai sẽ mở ra với mảng giải trí Việt Nam, đem về nguồn thu không nhỏ thúc đẩy phát triển kinh tế, ít ảnh hưởng đến tài nguyên môi trường, đặc biệt là nâng tầm chất lượng phim Việt trên sân nhà của mình, phục vụ quý khán giả.
An Phú