Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc âm thầm chiêu mộ nhân tài ngành chip

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong một thập niên cho đến năm 2018, Trung Quốc tìm cách tuyển dụng các nhà khoa học ưu tú được đào tạo ở nước ngoài theo một chương trình có tên gọi Kế hoạch ngàn nhân tài (TTP). Nhưng hai năm sau khi ngừng thúc đẩy chương trình TTP trong bối cảnh Mỹ mở các cuộc điều tra nhằm vào các nhà khoa học, Bắc Kinh lặng lẽ khôi phục sáng kiến này dưới một cái tên và hình thức mới. Động thái này là một phần của sứ mệnh nâng cao trình độ công nghệ trong nước, đặc biệt là ở lĩnh vực chip.

Một mô hình chip được giới thiệu tại cuộc triển lãm bán dẫn Semicon China ở Thượng Hải hồi tháng 6-2023. Ảnh: Reuters

 

Reuters dẫn ba nguồn thạo tin cho biết, đợt tuyển dụng nhân tài mới của Trung Quốc đã được cải thiện, cung cấp các đặc quyền bao gồm trợ cấp mua nhà và tiền thưởng ký hợp đồng phổ biến ở mức từ 3-5 triệu nhân dân tệ, tương đương 420.000-700.000 đô la Mỹ.

Trung Quốc tổ chức các chương trình tuyển dung nhân tài ở nhiều cấp chính quyền khác nhau, nhắm đến các chuyên gia gốc Trung Quốc làm việc ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài.

Nhưng chương trình thay thế chính cho TTP có tên Qiming (Khai sáng) do Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin quản lý, theo các tài liệu chính sách quốc gia và địa phương ở Trung Quốc cũng như các nguồn tin giấu tên khác.

Cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài công nghệ diễn ra khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc cần đạt được khả năng tự chủ về bán dẫn để ứng phó các lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ. Các quy định được Bộ Thương mại Mỹ thông qua hồi tháng 10 năm ngoái hạn chế công dân và thường trú nhân Mỹ  hỗ trợ phát triển và sản xuất chip tiên tiến ở Trung Quốc.

Trước đây,  Trung Quốc xem hoạt động tuyển dụng nhân tài ở nước ngoài thông qua TTP nhằm mục đích xây dựng một nền kinh tế dựa trên sự đổi mới và thúc đẩy dịch chuyển nhân tài, đồng thời tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.

Hai nguồn tin cho biết Qiming tuyển dụng nhân tài ở các lĩnh vực khoa học và công nghệ bao gồm các lĩnh vực “nhạy cảm” hoặc “bí mật”, chẳng hạn như bán dẫn. Không giống như TTP, chương trình này không công khai những người được tuyển dụng và không được công bố trên các trang web của của cơ quan chính trung ương, điều mà các nguồn tin cho biết phản ánh sự nhạy cảm của nó.

Một số tài liệu đề cập đến Qiming cùng với Huoju (Ngọn đuốc), một sáng kiến lâu đời của Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, tập trung vào việc nỗ lực tạo ra các cụm công ty công nghệ.

Từ lâu, Mỹ cáo buộc Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ và công nghệ, nhưng Bắc Kinh lên tiếng bác bỏ và cho rằng cáo buộc đó có động cơ chính trị.

Khi được hỏi về kế hoạch tuyển dụng nhân tài của Trung Quốc, Dean Boyd, người phát ngôn của Trung tâm An ninh và Phản gián quốc gia của chính phủ Mỹ, nói: “Các đối thủ nước ngoài và các đối thủ cạnh tranh chiến lược hiểu rằng việc chiêu mộ nhân tài hàng đầu của Mỹ và phương Tây cũng tạo tác động tốt giống như việc sở hữu công nghệ”.

Nick Marro, nhà phân tích của Economist Intelligence Unit , nhận định việc hạn chế rò rỉ tài sản trí tuệ thông qua dòng chảy nhân tài là rất khó vì những nỗ lực như vậy “có thể có nguy cơ biến thành các cuộc săn lùng phù thủy mang tính sắc tộc”.

Theo một báo cáo của Trung tâm Phát triển công nghiệp thông tin Trung Quốc, và Hiệp hội ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, ngành công nghiệp chip của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thiếu khoảng 200.000 nhân lực trong năm nay, bao gồm cả kỹ sư và nhà thiết kế chip.

Các nguồn tin cho biết, cũng giống như TTP, những nỗ lực mới hơn của Trung Quốc về nhân tài  tập trung vào tuyển dụng cấp độ ưu tú, ưu tiên những ứng viên được đào tạo tại các tổ chức nước ngoài hàng đầu.

“Hầu hết những người nộp đơn được chọn trong chương trình Qiming đều đã học tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ và có ít nhất một bằng tiến sĩ”, một nguồn tin nói, đồng thời cho biết thêm, các nhà khoa học được đào tạo tại Viện Công nghệ Massachusetts, các trường đại học như Harvard và Stanford nằm trong số những người được Bắc Kinh săn đón.

Các quan chức Mỹ nói rằng mặc dù việc “câu trộm” nhân tài ở Mỹ không phải là bất hợp pháp nhưng các nhà nghiên cứu ở các trường đại học có nguy cơ vi phạm luật nếu họ không tiết lộ các mối liên kết với các thực thể Trung Quốc trong khi nhận tiền từ chính phủ Trung Quốc để thực hiện các nghiên cứu, chia sẻ thông tin độc quyền trái phép hoặc vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.

Hồi tháng 3, Công ty săn đầu người Hangzhou Juqi Technology đăng một quảng cáo trên ResearchGate, một mạng xã hội dành cho giới nghiên cứu, để tìm kiếm những người có bằng tiến sĩ từ các trường đại học hàng đầu và có kinh nghiệm làm việc tại các công ty nằm trong danh sách Fortune 500 (bảng xếp hạng danh sách 500 công ty lớn nhất Mỹ củatạp chí Fortune). Nỗ lực này nhằm giúp tuyển dụng 5.000 nhà nghiên cứu nước ngoài cho các doanh nghiệp Trung Quốc.

Quảng cáo cũng mô tả nỗ lực này nhằm phục vụ Qiming và Huoju, trong đó, mỗi nhà nghiên cứu có thể nhận được phần thưởng lên tới 15 triệu nhân dân tệ, tương đương khoảng 2,1 triệu đô la . Quảng cáo nói rằng bất cứ ai giới thiệu một ứng cử viên sau đó được chọn tham gia các chương trình tài năng của Trung Quốc sẽ nhận được "kim cương, túi xách, ô tô và nhà”.

Trên khắp Trung Quốc, chính quyền các tỉnh và thành phố đang dồn nguồn lực vào các sáng kiến tuyển dụng nhân tài, các tài liệu chính thức cho thấy.

Một trong những sáng kiến đó là Kế hoạch Kunpeng, do chính quyền tỉnh Chiết Giang thực hiện từ năm 2019. Hồi tháng 6-2022, Nhật báo Chiết Giang đưa tin sáng kiến này nhằm thu hút 200 chuyên gia công nghệ trong 5 năm, với 48 người đã được tuyển dụng.

Tại thành phố Ôn Châu của tỉnh này, khoản đầu tư của chính quyền địa phương vào mỗi chuyên gia trong Kế hoạch Kunpeng có thể lên tới 200 triệu nhân dân tệ, bao gồm phần thưởng cá nhân, vốn khởi nghiệp và nhà ở, theo báo cáo chính sách nhân tài năm 2022 của chính quyền thành phố.

Tại thành phố Hồ Châu, cũng ở tỉnh Chiết Giang, các nhà tuyển dụng giới thiệu ứng viên cho chương trình Qiming có thể nhận được tiền thưởng lên tới 1,5 triệu nhân dân tệ từ chính quyền thành phố hoặc quận nếu những người đó được chấp nhận.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bán dẫn gốc Trung Quốc làm việc ở nước ngoài vẫn thận trọng với phương án trở về quê hương vì môi trường chính trị của Trung Quốc cũng như vị thế yếu hơn của nước này việc phát triển chip so với phương Tây.

Một nguồn tin nói: “Họ không biết liệu các chương trình có thể thay đổi chỉ sau một đêm hay mất đi sự hỗ trợ của chính phủ hay không”.

Một số nhà khoa học Trung Quốc, đặc biệt là những người có quốc tịch hoặc thẻ thường trú nhân ở nước ngoài lo lắng rằng,  việc tham gia các chương trình tài năng của chính phủ Trung Quốc có thể đồng nghĩa với việc từ bỏ các cơ hội quốc tế hoặc trở thành đối tượng điều tra của Mỹ.

Các nguồn tin cho biết, trong một số trường hợp, những chuyên gia đó sẽ được giao các vai trò trong các hoạt động ở nước ngoài của các công ty chip Trung Quốc.

Theo Reuters

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới