Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc bán dầu từ kho dự trữ chiến lược để kiềm chế lạm phát

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trung Quốc thông báo sẽ bán dầu từ kho dự trữ chiến lược quốc gia khi giới chức trách nước này gia tăng các nỗ lực kiềm chế áp lực lạm phát do giá cả hàng hóa bao gồm năng lượng tăng mạnh.

Thông báo của Cục Quản lý thực phẩm và Dự trữ chiến lược quốc gia Trung Quốc (NFSRA) đưa ra hôm 9-9 nói rằng sẽ bán các lô hàng dầu thô cho các công ty lọc dầu và hóa chất trong nước để “giảm sức ép của giá cả nguyên vật liệu thô đang tăng”.

Một căn cứ dự trữ dầu chiến lược quốc gia ở ngoại ô của TP Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Thông báo nhấn mạnh: “Việc đưa dầu thô dự trữ quốc gia ra thị trường thông qua các cuộc đấu giá công khai sẽ giúp bình ổn tốt hơn cung, cầu ở thị trường trong nước và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia hiệu quả hơn”.

Dầu dự trữ rất quan trọng đối với Trung Quốc. Nước này phụ thuộc lớn vào dầu nhập khẩu để vận hành nền kinh tế và đang nỗ lực mở rộng kho dầu dự trữ trong những năm qua. Trung Quốc không công bố về lượng dầu dự trữ nhưng năm 2017, nước này cho biết đã thiết lập 9 căn cứ dự trữ dầu khắp đất nước với công suất chứa tổng cộng 37,7 triệu tấn, tương đương 238 triệu thùng dầu.

Năm ngoái, Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ nâng lượng dầu dự trữ lên mức 85 triệu tấn, tức gần ngang bằng với lượng dầu dự trữ của Mỹ.

Trong khi các nước nhập khẩu dầu lớn khác như Mỹ thỉnh thoảng bán dầu từ kho dự trữ quốc gia vào những thời kỳ nguồn cung bị gián đoạn hoặc để đáp ứng nhu cầu ngân sách, đây là lần đầu tiên Trung Quốc thông báo công khai về ý định bán dầu dự trữ.

Amrita Sen, nhà phân tích ở Công tư tư vấn năng lượng Energy Aspects, cho rằng trong quá khứ, Trung Quốc từng âm thầm bán dầu dự trữ nhưng giờ đây, dường như nước này muốn xoay vòng lượng dầu dự trữ thường xuyên hơn và công khai hơn về kế hoạch bán dầu để kiểm soát lạm phát.

Bà nói: “Quyết định bán dầu dự trữ không mới nhưng việc thông báo công khai là mới và tôi nghĩ Trung Quốc đang nỗ lực kiểm soát giá cả trong nước”.

Động thái này cũng được xem là lời cảnh báo đối với liên minh OPEC+, gồm các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh ngoài OPEC, vốn đang bị chỉ trích vì để giá dầu tăng quá nhanh khi nền kinh tế thế giới tăng tốc phục hồi.

Tuần trước, OPEC+ quyết định giữ nguyên kế hoạch tăng dần sản lượng sau khi cắt giảm kỷ lục hồi năm ngoái dù Mỹ đang hối thúc liên minh này khôi phục sản lượng dầu nhanh hơn

Giá dầu Brent tại thị trường London đã tăng hơn 40% trong năm 2021 và đang dao động quanh mức 72 đô la Mỹ/thùng.

Tháng trước, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết sẽ bán 20 triệu thùng dầu dự trữ sau khi siêu bão Ida làm gián đoạn hoạt động khai thác dầu ở Vịnh Mexico cũng như hoạt động của các nhà máy hóa dầu.

Thông báo của NFSRA không nói rõ sẽ bán ra bao nhiêu dầu dự trữ. Nhà phân tích Amrita Sen dự báo Trung Quốc sẽ bán đấu giá nhiều nhất là 10-15 triệu thùng dầu dự trữ. Bà cho biết việc trích xuất dầu dự trữ để bán ra thị trường phù hợp với xu hướng chính sách mà Trung Quốc đang áp dụng với các nguyên vật liệu thô khác.

Bà nói: “Chúnh phủ Trung Quốc đang cực kỳ lo ngại về lạm phát, vì vậy, họ đang trích xuất ra thị trường mọi nguyên vật liệu thô từ kho dự trữ với số lượng rất lớn”.

Kể từ đầu năm nay, Trung Quốc đẩy mạnh các nỗ lực kiểm soát giá cả hàng hóa nguyên liệu vốn đang đẩy tăng chi phí của mọi thứ từ hoạt động sản xuất cho đến điện và thực phẩm. Trong 2 tháng qua, NFSRA đã tổ chức ít nhất 3 cuộc bán đấu giá tương tự đối với các nguyên vật liệu dự trữ khác như đồng, kẽm và nhôm.

Phát biểu trước các cuộc bán đấu giá 30.000 tấn đồng, 90.000 tấn nhôm và 50.000 tấn kẽm hồi tháng 7, Xu Gapeng, một quan chức ở NFSRA , nói rằng Trung Quốc đủ khả năng hạ nhiệt các thị trường hàng hóa bằng cách sử dụng các kho dự trữ dồi dào.

Nền kinh tế Trung Quốc đang chống chọi với một số cản lực, bao gồm mức lạm phát tăng vọt và chỉ số giá nhà sản xuất ở nước này chạm mức cao nhất trong 13 năm qua vào tháng trước, chủ yếu do giá cả nguyên liệu thô đắt đỏ hơn. Chi phí năng lượng cũng tăng mạnh và nhu cầu năng lượng cao đến mức một số tỉnh phải hạn chế sử dụng điện. Chính phủ Trung Quốc cảnh báo chi phí quá cao của nguyên liệu thô như năng lượng và các sản phẩm hóa dầu sẽ càng gây khó khăn thêm về vấn đề tăng trưởng và việc làm mà các nhà sản xuất đang đối mặt, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ.

Giá cả hàng hóa tăng cũng gây phức tạp thêm cho bất cứ chính sách hỗ trợ tiền tệ và tài khóa nào mà Bắc Kinh có thể xem xét cân nhắc triển khai để ngăn ngừa nền kinh tế chững lại. Các chính sách như vậy có thể củng cố tăng trưởng nhờ nguồn cung tín dụng và chi tiêu của chính phủ tăng, nhưng cũng có nguy cơ đẩy lạm phát tăng mạnh hơn

Nền kinh tế Trung Quốc cũng đang bị tác động bởi các vấn đề khác bao gồm sự trỗi dậy của biến thể Delta trong đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng vận tải biển. Tháng trước, chỉ số nhà quản trị mua hàng trong ngành sản xuất của Trung Quốc lần đầu tiên suy giảm kể từ tháng 4-2020.

Theo Financial Times, Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới