(KTSG Online) - Dữ liệu nhận dạng tàu hàng ở vùng biển Trung Quốc đột ngột biến mất khỏi các hệ thống giám sát hàng hải, gây thách thức mới cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Giới phân tích cho biết dữ liệu nhận dạng này bắt đầu giảm mạnh vào cuối tháng 10 khi Trung Quốc chuẩn bị thực thi luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh gia tăng kiểm soát các nguồn thông tin nhạy cảm.
Chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy ngày càng trầm trọng
Trung Quốc: Cảng container dương tính, chuỗi cung ứng toàn cầu lao đao
Thông thường, các công ty cung cấp dữ liệu hàng hải có thể giám sát các tàu biển trên khắp thế giới nhờ chúng được trang bị Hệ thống nhận dạng tự động (AIS), một thiết bị truyền dữ liệu vị trí, tốc độ, hướng di chuyển và tên của tàu đến các trạm giám sát đặt dọc theo bờ biển thông qua sóng vô tuyến tần số cao.
Nhưng điều đó không còn xảy ra ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong 3 tuần qua, dữ liệu tàu hàng ở vùng biển Trung Quốc giảm đến 90%, theo Công ty cung cấp dữ liệu hàng hải toàn cầu VesselsValue.
Số lượng tín hiệu AIS từ các tàu ở vùng biển Trung Quốc giảm từ mức đỉnh 15 triệu/ngày trong tháng 10, xuống còn chỉ hơn 1 triệu/ngày vào đầu tháng 11. “Chúng tôi đang chứng kiến tín hiệu AIS từ các trạm mặt đất ở Trung Quốc suy giảm mạnh”, Charlotte Cook, Giám đốc phân tích thương mại ở VesselsValue, nói.
Giới phân tích cho rằng “thủ phạm” là Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân của Trung Quốc, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-11. Luật này yêu cầu các công ty xử lý dữ liệu phải được sự đồng ý của chính phủ Trung Quốc trước khi gửi thông tin cá nhân ra nước ngoài, một quy định phản ảnh mối lo ngại của Bắc Kinh về nguy cơ dữ liệu đó có thể lọt vào tay của các chính phủ nước ngoài.
Hôm 1-11, trong một bài viết về các trạm tiếp nhận tín hiệu AIS ở bờ biển tỉnh Quảng Đông, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã cảnh báo “thông tin từ dữ liệu AIS có thể đe dọa an ninh kinh tế của Trung Quốc, do vậy, không thể phớt lờ mối nguy hại này”.
AIS ban đầu được phát triển để giúp tránh va chạm giữa các tàu và hỗ trợ các nỗ lực cứu hộ trong trường hợp có tai nạn và thảm họa xảy ra trên biển. Nhưng dần dần, nó cũng trở thành công cụ để nâng cao khả năng giám sát chuỗi cung ứng và giúp các chính phủ giám sát hoạt động tàu thuyền ở các hải cảng quốc tế.
Charlotte Cook cho biết các đồng nghiệp của bà tại Trung Quốc tiết lộ rằng một số thiết bị tiếp sóng AIS đã bị gỡ khỏi các trạm giám sát nằm dọc theo các bờ biển của Trung Quốc vào hồi đầu tháng 11 theo yêu cầu của các cơ quan an ninh quốc gia Trung Quốc. Các hệ thống tiếp sóng AIS chỉ được phép giữ nguyên nếu như chúng được lắp đặt bởi “các bên đã được chứng nhận”.
Khi được hỏi về vấn đề này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định các trạm giám sát dữ liệu AIS ở các bờ biển Trung Quốc vẫn hoạt động bình thường.
Anastassis Touros, lãnh đạo nhóm giám sát mạng lưới AIS ở Công ty giám sát hàng hải Marine Traffic cho biết dù luật bảo vệ dữ liệu cá nhân của Trung Quốc không đề cập đến dữ liệu hàng hải nhưng các nhà cung cấp dữ liệu của Trung Quốc có thể giữ lại thông tin này để đề phòng các vi phạm có thể xảy ra nếu luật được diễn giải theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng. Ông nói: “Khi luật mới được ban hành, chúng ta cần có một khoảng thời gian để mọi người kiểm tra xem mọi thứ có ổn không”.
Ông cho rằng sự suy giảm dữ liệu AIS có thể gây tắc nghẽn thêm ở các cảng ở Trung Quốc vì các công ty vận tải biển sẽ khó dự báo được các thời kỳ lưu lượng tàu giảm xuống, thời điểm thuận lợi để tàu cập cảng.
Không phải tất cả dữ liệu AIS đều biến mất. Các vệ tinh vẫn có thể thu tín hiệu từ tàu biển. Nhưng Touros cho biết khi tàu di chuyển gần bờ biển, tín hiệu thu thập được từ không gian không rõ ràng như tín hiệu thu thập từ các trạm giám sát trên mặt đất.
Khi Giáng sinh đến gần, khoảng trống thông tin tàu biển từ Trung Quốc, nơi có 6 trong số 10 cảng container bận rộn nhất thế giới, có thể gây ra cơn đau đầu mới cho chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn vẫn đang căng thẳng khi tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng ở các cảng khiến hàng hóa bị giao trễ, không đáp ứng kịp nhu cầu đang phục hồi nhanh.
Charlotte Cook cho biết vấn đề thiếu dữ liệu giám sát hàng hải từ Trung Quốc “có thể tác động lớn đến khả năng giám sát chuỗi cung ứng vận tải biển khắp Trung Quốc”. Trung Quốc là một trong những nhà nhập khẩu than và quặng sắt lớn nhất thế giới cũng như là nhà xuất khẩu khổng lồ ở mọi mặt hàng.
“Khi chúng ta bước vào thời kỳ mua sắm cao điểm trong dịp Giáng sinh, điều này sẽ gây ra tác động thực sự lớn lên các chuỗi cung ứng”, Georgios Hatzimanolis, nhà chiến lược truyền thông của Công ty Marine Traffic, nói. Ông cho biết vấn đề thiếu dữ liệu hàng hải từ Trung Quốc có thể khiến các công ty không nắm được các thông tin quan trọng về thời điểm tàu cập cảng, dỡ hàng và rời cảng.
Giới chức trách Trung Quốc lo ngại các cơ quan tình báo, doanh nghiệp, tổ chức tư vấn nước ngoài có thể sử dụng dữ liệu AIS để giám sát các tàu quân sự của Trung Quốc cũng như để phân tích hoạt động kinh tế của nước này thông qua thông tin lưu lượng vận chuyển hàng hóa. “Thu thập và chia sẻ dữ liệu vị trí địa lý, đặc biệt là có liên quan đến các tuyến hàng hải dọc theo bờ biển Trung Quốc, là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm”, Carolyn Bigg, luật sư tư vấn công nghệ ở hãng luật DLA Piper, nói.
Tuy nhiên, Anastassis Touros nói ông không tin dữ liệu AIS có thể gây rủi ro an ninh quốc gia, hơn nữa, các tàu quân sự thường có thể che dấu vị trí của chúng khỏi các hệ thống giám sát. Ông lưu ý ngay cả Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của Liên minh châu Âu (EU), vốn rất nghiêm ngặt, cũng không cấm các nhà cung cấp dữ liệu hàng hải sử dụng dữ liệu AIS.
Theo CNN, Financial Times