Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc thiếu nhân tài trong các ngành công nghiệp mới nổi

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các dữ liệu trên thị trường tuyển dụng Trung Quốc cho thấy tình trạng thiếu nhân tài ở các ngành công nghiệp mới nổi như xe điện, dược sinh học, trí tuệ nhân tạo (AI), những lĩnh vực mà Bắc Kinh muốn tự triển khai công nghệ tân tiến nhất để cung cấp cho toàn thế giới và tránh phụ thuộc vào sáng tạo của phương Tây.

Công nhân làm việc trong nhà máy lắp ráp của hãng xe điện Nio ở TP. Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Xe năng lượng mới là một trong những ngành công nghiệp mới nổi được Bắc Kinh ưu tiên hỗ trợ. Ảnh: Getty

Khan hiếm tài năng trong ngành ‘công nghệ cứng’

Trong một thập niên qua, những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc như Alibaba Group và Tencent Holdings là động lực chính cho nền kinh tế của nước này, đã thu hút phần lớn tài năng hàng đầu làm việc trong hệ sinh thái của họ để kiểm soát mọi thứ, từ ứng dụng nhắn tin đến thanh toán.

Những năm bùng nổ của họ đã đột ngột dừng lại với chính sách chấn chỉnh ngành công nghệ của Bắc Kinh, kinh tế tăng trưởng chậm, và các đợt phong tỏa Covid-19 liên tiếp buộc họ phải cắt giảm hàng ngàn việc làm.

Động lực tuyển dụng chuyển sang một loạt ngành công nghiệp mới nổi đang được Bắc Kinh ưu ái, từ xe điện đến dược phẩm sinh học và AI, nơi Trung Quốc muốn có những sáng tạo đột phá để hướng đến mục tiêu trở thành cường quốc công nghệ hàng đầu thế giới.

Các thông tin tuyển dụng trong năm qua ở những ngành này, được gọi chung là “công nghệ cứng” (hard technology) tăng tới 382%, trong khi đó, tuyển dụng trong lĩnh vực internet giảm 40%.

Tuy nhiên, kỹ năng không phù hợp ở phân khúc lực lượng lao động có trình độ học vấn cao của Trung Quốc đang cản trở quá trình chuyển đổi, với nhiều người trong lực lượng lao động rời khỏi lĩnh vực internet thiếu kỹ năng liên quan đến các ngành công nghiệp mới nổi, nơi cả vốn nhà nước lẫn vốn đầu tư mạo hiểm đang chảy vào.

Điều này một phần giải thích cho tỷ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt là trong nhóm lao động từ 16-24 tuổi ở Trung Quốc. Điều này có thể kìm hãm sự tăng trưởng trong các ngành công nghiệp ưu tiên vốn đang thiếu hụt nhân tài.

Bức tranh thị trường lao động nói trên được rút ra từ dữ liệu mới của Maimai, một nền tảng xã hội tập trung vào nghề nghiệp, có thể được coi là phiên bản LinkedIn của Trung Quốc. Tuy nhiên, Maimai có phạm vi tiếp cận rộng hơn vì cứ ba nhân viên được tuyển dụng bởi các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc thì có hai người sử dụng nền tảng Maimai.

Nền tảng này bắt buộc người dùng phải gửi bằng chứng về việc làm để kích hoạt một số chức năng tương tác và 80% người dùng đã làm như vậy, cho phép Maimai theo dõi các xu hướng việc làm chi tiết ở cấp doanh nghiệp và cấp ngành mà số liệu thống kê trên toàn quốc không thể cung cấp.

Trong nửa đầu năm 2022, các thông tin tuyển dụng trên Maimai cho lĩnh vực “internet thuần túy” liên quan đến các công ty như Tencent, Alibaba và Bytedance, giảm 40% so với một năm trước. Trong các lĩnh vực “công nghệ cứng” như xe năng lượng mới và sản xuất năng lượng mới, lượng thông tin tuyển dụng tăng lần lượt là 382% và 215%. Thông tin tuyển dụng trong lĩnh vực điện tử, AI và y sinh học mới đã tăng hơn 100%.

Xem xét kỹ hơn dữ liệu dòng chảy việc làm trong cùng một khoảng thời gian bằng cách theo dõi người dùng cập nhật thông tin về nhà tuyển dụng của họ trên Maimai, cho thấy những điểm nghẽn mà người tìm việc phải đối mặt khi họ rời các công ty internet.

Trong số những người rời khỏi các công ty internet thuần túy, hầu hết đều tìm bến đỗ mới trong các ngành liền kề như dịch vụ kỹ thuật số, thương mại điện tử và game. Trong nửa đầu năm 2022, chỉ 7% trong số họ chuyển sang lĩnh vực AI, 5,2% gia nhập lĩnh vực xe điện và 2% tham gia lĩnh vực điện tử, một danh mục bao gồm các nhà sản xuất chip bán dẫn. Ít hơn 0,6% trong số họ chuyển sang làm việc trong lĩnh vực y sinh học.

Lin Fan, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Maimai cho biết những ngành công nghệ cứng này đang phải cạnh tranh gay gắt để giành một lượng ứng viên hạn chế. Chẳng hạn, trong ngành AI, trung bình 12,5 công ty đang cạnh tranh thu hút một kỹ sư thuật toán thị giác máy tính, theo dữ liệu của Maimai.

Chuyển đổi nghề nghiệp khó khăn

Zeng Xiangquan, giáo sư kinh tế lao động và là Giám đốc Viện nghiên cứu việc làm Trung Quốc ở Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói: “Nhiều tài năng trong lĩnh vực internet hiện nay là những người có kỹ năng tổng hợp, nhưng không có nhiều nhân tài đa năng có thể phá vỡ các rào cản kỹ thuật”.

Ông cho biết các kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực internet chủ yếu là thuật toán và xây dựng phần mềm cùng với quản lý hoạt động và tiếp thị.

Nhưng điều mà các công ty công nghệ cứng mới nổi cần là các kỹ năng cụ thể trong ngành kết hợp giữa phần mềm, phần cứng và cơ khí.

Ông nói: “Sự chuyển đổi nghề nghiệp từ lĩnh vực internet sang các ngành công nghiệp mới nổi này, dù đó là y sinh học hay bán dẫn, là điều phải xảy ra. Nhưng sự chuyển đổi này không hề đơn giản”.

Những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc thường trả lương tương đối hậu hĩnh trong thời kỳ hoàng kim của họ. Vì vậy, khi rời những công ty đó để chuyển sang các công ty công nghệ cứng, người lao động yêu cầu mức lương khá cao.

Ye Yichuan, 29 tuổi, giám đốc sản phẩm của một công ty chăm sóc sức khỏe dựa vào AI ở Bắc Kinh, đã chuyển việc ba lần sau khi rời một công ty thương mại điện tử vào năm 2016. Đầu tiên anh gia nhập một công ty phát sóng trực tiếp (live streaming), sau đó là một công ty nhận dạng giọng nói dựa vào AI và từ đó tích lũy thêm kỹ năng.

Anh cho biết đó là con đường khó khăn và đơn độc với rất ít người xung quanh anh lựa chọn vì anh đang đi chệch hướng ra khỏi nghề nghiệp ban đầu của mình và thiếu các kỹ năng cần thiết khi gia nhập ngành mới. Anh nói: “Tôi cảm thấy dư địa tăng trưởng trong lĩnh vực internet đã bị thu hẹp và những năm bùng nổ của lĩnh vực này đang lùi lại phía sau”.

Dù gặp nhiều trở ngại nhưng Ye cho biết các kỹ năng vận hành hoạt động của anh ấy từ lĩnh vực internet, chẳng hạn khả năng mở rộng quy mô doanh nghiệp nhanh chóng và kết hợp kênh trực tuyến và ngoại tuyến, vẫn cần đối với các ngành công nghệ mới nổi, giúp anh chuyển đổi nghề nghiệp thành công.

Chính sách của chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy xoay trục này, với hàng tỉ đô la Mỹ của nhà nước đổ vào các ngành công nghiệp mới nổi mà Bắc Kinh muốn tự cung tự cấp, nếu không muốn nói là chi phối ảnh hưởng toàn cầu. Dữ liệu chuyển đổi công việc của Maimai cho thấy rằng những hình thức chuyển đổi kinh tế do nhà nước dẫn dắt có thể mất nhiều thời gian để có kết quả.

Tuy nhiên, chiến lược của Trung Quốc đối với một số ngành công nghiệp nhất định đã thành công trong việc tạo ra các công ty lớn nhất thế giới về sản xuất điện thoại thông minh, tấm pin mặt trời, pin ô tô và các thành phần hoạt chất dược phẩm. Hiện tại, Trung Quốc tập trung vào nỗ lực thúc đẩy các công nghệ tân tiến khác như y sinh và thăm dò vũ trụ.

Trong khi lực lượng lao động hiện tại có thể chật vật chuyển đổi nghề nghiệp, thế hệ sinh viên trẻ mới tốt nghiệp trong tương lai có thể lấp đầy khoảng trống kỹ năng trong các ngành công nghệ mới nổi.

Giám đốc điều hành Maimai Lin Fan dự báo phải mất từ 3-5 năm thì các nút thắt cổ chai mà tài năng trẻ ngày nay đang đối mặt mới bắt đầu giảm bớt, mở ra một chương mới của sự đổi mới ở Trung Quốc.

Ông nói: “Kỷ nguyên di cư lớn của nhân tài đã bắt đầu. Giống như 20 năm trước, một số lượng lớn người trẻ đổ xô vào lĩnh vực internet và tạo ra  cuộc cách mạng internet, những người trẻ tuổi ngày nay sẽ đổ xô vào ngành công nghệ cứng”.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới