Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tự hại mình!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tự hại mình!

(TBKTSG) – Liên hiệp châu Âu (EU) đã chính thức loại sản phẩm giày, dép Việt Nam ra khỏi diện được hưởng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) kể từ năm 2009, nghĩa là giày, dép của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào EU sẽ phải chịu mức thuế cao hơn.

Điều này cho thấy ngành da, giày Việt Nam đã trưởng thành và có khả năng cạnh tranh mạnh ở thị trường nước ngoài. Nhưng nó cũng khiến cho ngành da, giày bị thiệt hại không nhỏ.

Theo ước tính của Hiệp hội Da giày Việt Nam, việc không được hưởng chính sách ưu đãi về thuế sẽ khiến cho ngành giày, dép xuất khẩu thiệt hại ít nhất 100 triệu đô la mỗi năm. Các nhà nhập khẩu ở EU không dễ chia sẻ với các doanh nghiệp trong nước số thiệt hại này, nên chắc chắn phía Việt Nam phải gánh chịu và người cuối cùng bị thua thiệt là hàng trăm ngàn công nhân đang làm việc trong các nhà máy giày.

Để bị loại ra khỏi diện được hưởng GSP, ngành da, giày Việt Nam chỉ có thể tự trách mình, vì “luật chơi” của EU đã rõ ràng và các doanh nghiệp Việt Nam đã không biết áp dụng luật một cách thông minh nhất.

Theo quy định của EU, khi kim ngạch xuất khẩu một hàng hóa được hưởng GSP từ một quốc gia chiếm tới 15% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm đó từ tất cả các nước được hưởng GSP, thì sản phẩm đó được xem là rất cạnh tranh và không cần cơ chế ưu đãi nữa. Khi ấy, EU sẽ xem xét loại sản phẩm của quốc gia đó khỏi danh sách. Năm ngoái, giày và dép của Việt Nam chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu từ các nước được EU dành cho chế độ ưu đãi thuế.

Vấn đề đáng nói ở đây là ngành giày, dép Việt Nam tuy xuất khẩu nhiều về số lượng, nhưng thu nhập thực tế lại rất thấp, do hàng xuất đi chủ yếu là dưới hình thức gia công. Hiện nay, giá gia công một đôi giày thể thao xuất khẩu chưa tới một đô la Mỹ. Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam, lợi nhuận của doanh nghiệp gia công chỉ vào khoảng một phần tư giá trị gia tăng của đôi giày, nên việc phải chịu mức thuế suất cao hơn sẽ làm cho không ít công ty giày khốn đốn.

Giá gia công thấp, một phần do các doanh nghiệp trong ngành da, giày tự hại lẫn nhau. Có những thời điểm, để giành được khách hàng, nhiều doanh nghiệp không ngần ngại ký hợp đồng gia công chỉ với giá 60 xu Mỹ/đôi giày thể thao.

Bị loại ra khỏi diện được hưởng quy chế ưu đãi về thuế là kết quả tất yếu của quá trình dài xuất khẩu chạy theo số lượng và việc đầu tư để phát triển năng lực sản xuất quá mức cần thiết. Thay vì hạ thấp đơn giá gia công để thu hút nhiều khách hàng, lẽ ra ngành da, giày nên tự hạn chế mức xuất khẩu vào EU, thông qua việc chọn lựa những đơn đặt hàng có giá cao. Làm như vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng chậm, nhưng hiệu quả lại cao và giày, dép Việt Nam xuất khẩu vào EU sẽ được hưởng GSP lâu hơn.

Đây là trách nhiệm của Bộ Công Thương và Hiệp hội Da giày Việt Nam. Lẽ ra Bộ Công Thương phải sớm đưa ra cảnh báo và Hiệp hội Da giày phải có nỗ lực mạnh mẽ để hạn chế đà tăng trưởng xuất khẩu nóng của ngành. Đáng tiếc là vai trò của hiệp hội quá mờ nhạt, nên đã chẳng làm được gì trước xu hướng phát triển nóng trong những năm qua.

TẤN ĐỨC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới