(KTSG Online) – Việc một số doanh nghiệp phát tạm hoãn trả lãi, gốc trái phiếu và sự kiện Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát khiến nhiều nhà đầu tư nhận ra mua trái phiếu doanh nghiệp không an toàn như gửi tiết kiệm. Rủi ro này từng được các chuyên gia và cơ quan quản lý cảnh báo với nhà đầu tư nhiều lần nhưng thường bị nhà đầu tư bỏ ngoài tai.
- Doanh nghiệp lại ‘căng thẳng’ với trái phiếu đáo hạn cuối năm
- Chứng khoán Tân Việt và các tổ chức phát hành lên phương án thanh toán trái phiếu
Áp lực trả nợ dần hiện hữu
Với mức tăng trưởng khoảng 46% mỗi năm về khối lượng phát hành trong giai đoạn 2019-2021 – tương ứng khoảng 467.000 tỉ đồng, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã đạt mức 15% GDP tính tới cuối năm 2021. Nhưng sự phát triển nhanh về quy mô, khối lượng phát hành khiến thị trường và các thành viên tham gia đối mặt với không ít rủi ro.
Là một trong số nhiều nhà đầu tư mua trái phiếu của một doanh nghiệp bất động sản qua đại lý phát hành là Công ty cổ phần chứng khoán Tân Việt (TVSI), chị L.H.Q (Hà Nội) cho biết đang rất lo lắng vì không biết khi nào mới tất toán được TPDN.
Trong khi đó, Công ty cổ phần VKC Holdings (mã chứng khoán: VKC), tiền thân là Công ty cổ phần Cáp Nhựa Vĩnh Khánh, đã thông báo tạm dừng thanh toán lãi của lô trái phiếu VKCH2123001 phát hành ngày 9-12-2021. Theo kế hoạch, ngày 9-9 sẽ là thời hạn doanh nghiệp phải thanh toán lãi cho các trái chủ của mình.
Giải trình nguyên nhân, lãnh đạo doanh nghiệp sau biến cố xảy ra với ông Đỗ Thành Nhân và nhóm Louis Holdings, toàn bộ thành viên Hội đồng quản trị, ban kiểm soát và Ban tổng giám đốc đã từ nhiệm và bầu những lãnh đạo mới vào cuộc họp đại hội cổ đông thường niên.
Sau khi ban điều hành mới tiếp quản, qua thời gian rà soát lại tình hình tài chính, phía công ty nhận thấy có nhiều sai phạm nghiêm trọng của hội đồng quản trị và ban tổng giám đốc nhiệm kỳ cũ trong việc quản lý tài chính và phát hành chính lô trái phiếu VKCH2123001.
“Các sai phạm trên của các lãnh đạo cũ đã làm thất thoát tài sản của VKC Holdings khiến doanh nghiệp mất khả năng thanh toán đối với các chủ nợ”, trích văn bản do Tổng Giám đốc VKC Nguyễn Văn Thái ký.
Trước đó, Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) từng nhiều lần nhận văn bản của các nhà đầu tư mua trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh với các kiến nghị về việc hoàn trả tiền mua trái phiếu.
Tuy nhiên, vụ việc hiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, nên UBCKNN đã đề nghị nhà đầu tư liên hệ làm việc với cơ quan điều tra được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Số tài sản được kê biên phong toả trong vụ việc này là 4.000 tỉ đồng, theo chia sẻ của Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 1-10.
Bên cạnh các doanh nghiệp trên, tình trạng doanh nghiệp chậm hoặc không thể thanh toán lãi và gốc trái phiếu có thể xuất hiện nhiều hơn khi giá trị trái phiếu đáo hạn dần gia tăng từ quý 4-2022.
Công ty chứng khoán VNDirect cho biết tổng giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn ước đạt 58.840 tỉ đồng trong quý 4, giảm 9,1% so với quý 3 nhưng tăng gần 88% so với cùng kỳ năm 2021. Ngành bất động sản dẫn đầu về giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn với 20.071 tỉ đồng, giảm 40,3% so với quý 3 và tăng 65,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Rủi ro báo trước
Thực tế, rủi ro đơn vị phát hành chậm hoặc không thể thanh toán lãi, gốc trái phiếu từng được các chuyên gia và cơ quan quản lý cảnh báo với nhà đầu tư nhiều lần.
Bộ Tài chính cho biết TPDN được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Theo đó, nhà đầu tư mua TPDN cần nhận thức rõ và chấp nhận rủi ro khi mua trái phiếu trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.
Với TPDN riêng lẻ, cơ quan này cho biết sản phẩm này chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, tức là đối tượng có năng lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư, khả năng phân tích rủi ro và chấp nhận rủi ro khi xảy ra.
Cũng theo Bộ Tài chính, các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua TPDN chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định/đánh giá về tình hình tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành.
Như vậy, các đơn vị này không có trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Còn rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.
Ngoài ra, cơ quan này lưu ý nhà đầu tư phân loại giữa trái phiếu được bảo lãnh thanh toán và trái phiếu được bảo lãnh phát hành.
Với TPDN được giới thiệu là có bảo lãnh thì phải lưu ý bảo lãnh phát hành chỉ là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với doanh nghiệp phát hành để phân phối số trái phiếu cần phát hành. Điều này có nghĩa tổ chức bảo lãnh phát hành không có bất kỳ nghĩa vụ nào với nhà đầu tư.
Với TPDN có bảo lãnh thanh toán, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ phạm vi bảo lãnh thuộc bảo lãnh thanh toán gốc, lãi hay chỉ một phần gốc, lãi và nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro đối với phần còn lại.
Về tài sản đảm bảo, Bộ Tài chính cho rằng các tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.
Về phía chuyên gia, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings, cho biết việc một số doanh nghiệp chậm trả lãi và/hoặc gốc trái phiếu là điều khó tránh khỏi.
Nguyên nhân dẫn tới thực trạng này một phần do chất lượng tín dụng của các tổ chức phát hành trong những năm vừa qua là các doanh nghiệp chưa niêm yết, công ty "một dự án", có đòn bẩy tài chính cao, hồ sơ tín dụng chưa mạnh và gặp nhiều khó khăn về kiểm soát tăng trưởng tín dụng, mặt bằng lãi suất tăng cao.
Ngoài ra, một số gặp khó khăn mang tính đặc thù của ngành như thủ tục cấp phép các dự án bất động sản gần như đóng băng, hoặc không may đầu tư vào các doanh nghiệp có sai phạm và bị cơ quan quản lý xử lý, như một số trường hợp gần đây.
Nhà đầu tư cần xem lại hợp đồng mua trái phiếu xem có điều khoản xem có được phép bán lại cho tổ chức phát hành hoặc cho đơn vị trung gian phân phối là công ty chứng khoán hay không.
Với bối cảnh trên, không ít nhà đầu tư bày tỏ mong muốn tất toán hoặc đáo hạn trái phiếu sớm, nhưng ông Thuân cho rằng mục tiêu này có thể không khả thi dựa trên tình hình tài chính và khả năng của từng doanh nghiệp.
Theo ông Thuân, nguồn lực vốn của phần lớn công ty chứng khoán có hạn, trong khi hầu hết hợp đồng phổ biến hiện nay họ không có trách nhiệm mua lại.
“Họ thường chỉ có thể mua lại khi họ có khách hàng khác sẵn sàng tiếp quản hoặc mua lại lô trái phiếu đó”, ông Thuân cho biết.
Cũng theo ông Thuân, vốn điều lệ công ty chứng khoán có thể lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng, nhưng thanh khoản, nói cách khác là số dư tiền mặt không phải lúc nào cũng có thể đủ để mua lại của nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh thắt chặt tín dụng và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán hiện nay.
“Vốn tự có của công ty chứng khoán hiện nay chủ yếu để phục vụ hoạt động cho vay margin cổ phiếu và đầu tư/ tự doanh của chính họ”, ông Thuân cho biết.
Về tài sản đảm bảo, chuyên gia này cho rằng đây là một "cứu cánh", nhưng thực tế khi đã xảy ra tình huống vỡ nợ thì tài sản đảm bảo không còn nhiều giá trị, đặc biệt với nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức phi ngân hàng.
Ứng xử với rủi ro
Để giải quyết khó khăn cho đơn vị phát hành và nhà đầu tư, ông Thuân cho rằng cơ quan quản lý có thể áp dụng phương thức “hàng đổi hàng” - trái chủ yêu cầu doanh nghiệp thực hiện thanh toán trái phiếu bằng sản phẩm hoặc dich vụ của họ, tương tự cách thị trường Trung Quốc đã áp dụng.
Theo ông Thuân, đã có một số doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam thực hiện theo cách này. Cụ thể, doanh nghiệp cho phép trái chủ chuyển đổi trái phiếu sang sản phẩm bất động sản, gồm căn hộ, đất phân lô, thậm chí biệt thự thay vì mua lại trái phiếu đã phát hành.
“Nếu giá trị lô đất cao hơn số dư đầu tư trái phiếu, nhà đầu tư có thể tìm một nhóm trái chủ để gom lại và có thể chuyển đổi sang việc cùng chung sở hữu lô đất đó”, ông Thuân cho biết.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý yếu tố pháp lý dự án hoặc bất động sản có thể là rủi ro mới mà nhà đầu tư nên đánh giá kỹ để có sự chuyển đổi an toàn.
Một phương án khác cũng được chuyên gia này đề xuất là các nhà đầu tư trái phiếu yêu cầu các đại diện chủ nợ hoặc đơn vị phân phối đàm phán với doanh nghiệp và thực hiện giãn kỳ hạn trả nợ, kết hợp với việc thanh toán một phần hoặc kéo dài kỳ hạn của trái phiếu đó, thay vì ép các doanh nghiệp phát hành hoặc công ty chứng khoán mua lại trái phiếu.
Điều này, theo ông Thuân, sẽ giúp giải quyết được khó khăn cho chính doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư không phải cắt lỗ và có cơ hội thu hồi khoản đầu tư đó trong tương lai.
“Tùy theo mức độ rủi ro và triển vọng của dự án mà nhà đầu tư có thể đàm phán giữ nguyên lãi suất hoặc tăng lãi suất trái phiếu tuỳ theo mức độ rủi ro được đánh giá hoặc thoả thuận lại”, ông Thuân khuyến nghị.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law, khuyến nghị Chính phủ nghiên cứu cơ chế đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư trong trường hợp doanh nghiệp phát hành không có khả năng trả lãi, gốc trái phiếu cho nhà đầu tư tại thời điểm đáo hạn.
Khuyến nghị của ông Hà được đưa ra trong bối cảnh phần lớn nhà đầu tư cá nhân không thực sự am hiểu về các vấn đề vĩ mô, bản chất trái phiếu và có quan niệm mua trái phiếu như gửi tiết kiệm.
“Khi lãi suất trái phiếu cao hơn lãi suất ngân hàng thì họ tham gia mà không quan tâm đến tài sản đảm bảo. Khi xảy ra một số vụ việc với sự tham gia của các cơ quan tư pháp, nhiều lãnh đạo công ty phát hành vướng lao lý, nhà đầu tư cá nhân cũng không có kinh nghiệm trong xử lý việc này”, ông Hà nêu thực tế.
Tôi gởi tiền tiết kiệm dưới dạng chứng chỉ tiền gởi của Ngân Hàng SCB, hôm nay 14/10/2022 khi ra rút tiền cũng bị mất lãi, chỉ nhận được số tiền tròn của chứng chỉ tiền gời, Ngân hàng đã làm sai với những gì mà nhân viên Ngân hàng đã tư vấn ban đầu là rút lúc nào thì tính lãi lúc đó. Vậy là từ nay tôi không còn dám gởi tiền tiết kiệm vào ngân hàng SCB. Vậy Ngân hàng vi phạm gì không? có bị phạt gì không
Luật rút lúc nào trả lãi lúc đó toàn tư vấn tự dựng lên chứ chả có kí văn bản nào như vậy cả . Mọi người nên kiểm tra hợp đồng lúc kí , nếu có điều khoản đó thì nói nhân viên tư vấn chỉ ra.
Nhà đầu tư bị thiệt, vậy nguyên nhân từ đâu ra. Trách nhiệm của cty chứng khoán với tư cách là trung gian phát hành, và đặt biệt là trách nhiệm của UB chứng khoán đến đâu khi quản lý không tốt để xãy ra hậu quả mag cả Xã hội phải gánh chịu?
Theo tôi phải xử lý thật đến nơi đến chốn cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị đóng vai trò trung gian phát hành.
Việc huỷ lô tp của tập đoàn tân hoàng minh có thể là sai quy định. Tiền của nđt đang bị thu giữ chưa có thông báo hoàn trả. Sao ko để THM tự bán tài sản trả nhà đầu tư mà lại huỷ lô tp?
Cơ quan quản lý nên sớm giải ngân tiền tạm giữ đã thu hồi của THM và yêu cầu THM có lộ trình chi tiết cho các đợt hoàn trả tiếp theo cho nhà đầu tư để ổn định thị trường .Lưu tại kho bạc trong khi nhà đầu tư không được hưởng lãi và chưa biết khi nào trả lại thì không minh bạch rồi
Tôi đến ngân hàng SCB (CMT8 Q3 – TPHCM) gửi tiền tiết kiệm, được nhân viên NH tư vấn mua trái phiếu có lợi nhuận cao hơn gửi tiết kiệm. Tôi tưởng trái phiếu của SCB phát hành nên cũng an tâm mua. Sau vụ việc bà Trương Mỹ Lan bị bắt, tôi mới biết ngân hàng SCB – bắt tay cùng Công ty CK Tân Việt (TVSI) bán trái phiếu Tập đoàn An Đông cho tôi… Tôi mong muốn Nhà nước can thiệp nhanh chóng giải quyết quyền lợi cho nhà đầu tư – hủy bỏ lô trái phiếu mà công ty An Đông phát hành trái quy định…