Thứ Ba, 7/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vào tuổi 20

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vào tuổi 20

(TBKTSG) – Giở lại những số báo đầu tiên, có thể nhận ra, ngay từ rất sớm TBKTSG đã xác định một cái nhìn toàn diện về sự phát triển, trong đó con người được đặt ở vị trí trung tâm.

Trong số thứ 2 (tuần lễ từ ngày 11 đến 17-1-1991), mục “Ý kiến” của báo đã viết: “Phát triển kinh tế, xây dựng đất nước là vì con người. Động lực xây dựng kinh tế cũng là do con người… Chẳng những cần tổng kết năm, đặt mức phấn đấu cho năm sau mà còn phải dự kiến tình trạng của năm năm hoặc 10 năm tới, hoàn cảnh sống của cộng đồng xã hội lúc bấy giờ ra sao. Mục tiêu đời sống trước mắt là vô cùng cấp bách. Nhưng lơ là mục tiêu đời sống mai sau hoặc hy sinh tương lai vì lợi ích trước mắt sẽ dẫn tới những hậu quả không lường nổi” .

Phải chăng, nhờ sớm xác định và luôn bám sát định hướng đó, cùng với chất lượng thông tin mang lại, mà TBKTSG đã được độc giả, nhất là giới doanh nhân, các nhà quản trị, nhà quản lý và chuyên gia kinh tế kỳ vọng đóng được vai trò tờ báo kinh tế có uy tín hàng đầu Việt Nam.

Quả thực, những ý tưởng của 20 năm trước, đến hôm nay vẫn còn giữ nguyên giá trị và tính thời sự nóng bỏng khi, như mọi người đều biết, không ít chương trình, dự án phát triển dường như chỉ nhằm đạt được những con số tăng trưởng thuần túy kinh tế mà không quan tâm, cân nhắc đầy đủ các yếu tố mà ngày nay ta gọi là phát triển bền vững như văn hóa, xã hội, môi trường, đời sống người dân như là đích đến, là trung tâm của mọi kế hoạch phát triển.

Sự phát triển ồ ạt các dự án thủy điện nhỏ và vừa, các dự án khai khoáng; sự ô nhiễm môi trường ở nhiều khu công nghiệp và nhà máy; sự phát triển tràn lan các khu công nghiệp mà nhiều khu bị bỏ hoang hoặc không bao giờ được lấp đầy, các dự án sân golf khiến nhiều người dân bị mất đất ở, đất canh tác mà không được đền bù thỏa đáng hoặc hoán đổi đất tương xứng khiến đời sống của họ khó khăn hơn… chỉ là một số thí dụ rõ ràng nhất và được nhắc đến nhiều nhất. Trong một số trường hợp, lợi ích lâu dài của đất nước, của đa số người dân dường như đã bị hy sinh cho những lợi ích trước mắt hoặc đáng ngại hơn nữa là lợi ích của một số nhà đầu tư có thế lực, của các nhóm lợi ích.

Chính vì vậy mà, bước vào tuổi 20, TBKTSG tiếp tục tự đặt cho mình sứ mệnh góp phần đổi mới toàn diện đất nước, không chỉ về kinh tế mà cả về văn hóa – xã hội, nhằm đạt đến sự phát triển bền vững, một ý tưởng thật ra đã được nêu lên từ 20 năm trước dù lúc đó chưa sử dụng thuật ngữ này.

Theo định hướng đó, từ đầu năm 2010, TBKTSG đã cho ra mắt chuyên trang Văn hóa – Xã hội nhằm phản ánh, đặt ra những vấn đề và kiến nghị các giải pháp liên quan đến lĩnh vực này, như sự bất bình đẳng về cơ hội, khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng, những bất cập trong giáo dục, những khoảng trống về văn hóa trong lối sống, tư duy và hành xử của các tầng lớp dân cư và của không ít quan chức, doanh nhân…

Mục đích là ngăn chặn sự xuống cấp hơn nữa của môi trường sống và đạo đức xã hội, là xây dựng một xã hội phát triển trong văn hóa và nhân văn, hài hòa với thiên nhiên và môi trường. Đó còn là góp phần xây dựng một đội ngũ doanh nhân Việt Nam không chỉ năng động, bản lĩnh, giỏi giang trong kinh doanh, biết xây dựng lợi thế cạnh tranh bằng cách sáng tạo cái mới, cái độc đáo, khác biệt chứ không phải bằng quan hệ “cửa sau” hay mưu cầu đặc quyền đặc lợi, mà còn có trách nhiệm với cộng đồng xã hội, trách nhiệm với môi trường và cả với thế hệ mai sau.

Như vậy, bước vào tuổi 20, TBKTSG một mặt vẫn kiên trì với định hướng ban đầu của mình, mặt khác sẽ luôn đổi mới mình để đáp ứng được sự đòi hỏi của mỗi giai đoạn phát triển của đất nước.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới