Thứ Tư, 8/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vì đâu cổ phiếu phân bón ‘ngược sóng’ thị trường?

Linh Trang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Việc nhóm cổ phiếu phân bón “dậy sóng” xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là kết quả kinh doanh tích cực của nhóm doanh nghiệp ngành này trong sáu tháng đầu năm và thứ hai là kỳ vọng về kết quả kinh doanh sẽ tiếp tục cải thiện sau khi Trung Quốc ban hành lệnh tạm thời ngừng xuất khẩu phân bón.

Giá cổ phiếu ngành phân bón tuy vẫn còn tiềm năng tăng giá trong ngắn hạn nhưng triển vọng tăng giá trong năm 2022 sẽ không còn hấp dẫn. Trong ảnh: nông dân ĐBSCL bón lót phân trước khi sạ lúa. Ảnh: H.P

Hai nguyên nhân chính

Kể từ đầu tháng 7 đến nay, trong khi VN-Index có những phiên sụt giảm mạnh do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thì trên sàn chứng khoán vẫn có một nhóm cổ phiếu “lội ngược dòng”. Đó chính là nhóm cổ phiếu phân bón với nhiều mã đã tăng 60-120%. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 19-8-2021, so với thời điểm đầu năm, cổ phiếu LAS đã tăng gần 109%, cổ phiếu DPM tăng 95%, cổ phiếu DCM tăng 73%, cổ phiếu BFC tăng 120%, cổ phiếu SFG tăng 57%…

Việc một trong những công ty chứng khoán hàng đầu đánh giá tiềm năng tăng giá của nhóm cổ phiếu phân bón không còn nhiều trong năm 2022 là điểm đáng chú ý để nhà đầu tư tham khảo.

Việc nhóm cổ phiếu phân bón “dậy sóng” xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là kết quả kinh doanh tích cực của nhóm doanh nghiệp ngành này trong sáu tháng đầu năm và thứ hai là kỳ vọng về kết quả kinh doanh sẽ tiếp tục cải thiện sau khi Trung Quốc ban hành lệnh tạm thời ngừng xuất khẩu phân bón.

Về nguyên nhân thứ nhất, nửa đầu năm nay chứng kiến đà tăng trưởng lợi nhuận phi mã của nhóm doanh nghiệp phân bón. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của Đạm Phú Mỹ (DPM) tăng 110%, Đạm Cà Mau (DCM) tăng 20%; Phân bón Bình Điền (BFC) tăng 88%; Phân bón Miền Nam (SFG) tăng 362%…

Với Đạm Phú Mỹ, dù trong quí 2-2021, nhà máy phải dừng sản xuất do bảo dưỡng định kỳ gần một tháng, nên doanh thu sáu tháng chỉ tăng 26%, song nhờ giá tăng mạnh, lợi nhuận của công ty này đã tăng gấp đôi cùng kỳ. So với kế hoạch, công ty mới thực hiện được 59% mục tiêu doanh thu nhưng về lợi nhuận thì đã vượt gần 140%.

Tương tự, Đạm Cà Mau cũng có hai quí kinh doanh thuận lợi khi đã hoàn thành 55,4% kế hoạch doanh thu và vượt 108,2% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Nhiều doanh nghiệp phân bón khác cũng đã sớm vượt mục tiêu lợi nhuận cả năm chỉ trong vòng sáu tháng. Điển hình như Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) có lợi nhuận sau thuế 52,7 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 10,8 tỉ đồng, vượt 86% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 2021; DAP – Vinachem (DDV) đạt lợi nhuận sau thuế 54,6 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 27,4 tỉ đồng, vượt 32,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm; Phân bón và Hóa chất dầu khí Đông Nam Bộ (PSE) cũng vượt 63,8% kế hoạch lợi nhuận năm 2021…

Về nguyên nhân thứ hai, cuối tháng 7 vừa qua, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã triệu tập khẩn lãnh đạo các công ty sản xuất phân bón nước này, yêu cầu tạm dừng xuất khẩu để ưu tiên đảm bảo nguồn cung cho nhu cầu nội địa. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh giá phân bón ở Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục trong năm nay trong khi nhu cầu từ nước ngoài tăng mạnh hơn, còn sản xuất trong nước giảm và chi phí nhiên liệu tăng cao.

Theo số liệu hải quan, Trung Quốc là nhà xuất khẩu phốt phát (phân lân) hàng đầu thế giới và tính đến nửa đầu năm nay nước này xuất khẩu tổng cộng 3,2 triệu tấn phân bón phốt phát diammonium và 2,4 triệu tấn urê sang các nước là khách hàng lớn như Ấn Độ và Pakistan.

Việc Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu được đánh giá sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước hưởng lợi cả từ giá bán tăng và từ nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nội địa tăng, khi sản phẩm từ các nhà máy phân bón Trung Quốc chiếm đến 50% lượng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam. Hay nói cách khác, đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp nội chiếm lĩnh lại thị phần trong nước khi các nguồn phân bón nhập khẩu bị chững lại, qua đó đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn.

Lợi nhuận tăng nhưng mức giá có còn hấp dẫn?

Mặc dù triển vọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp phân bón được đánh giá khá tích cực nhưng theo báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán SSI, cổ phiếu ngành phân bón tuy vẫn còn tiềm năng tăng giá trong ngắn hạn nhưng triển vọng tăng giá trong năm 2022 sẽ không còn hấp dẫn.

Cụ thể, với Đạm Cà Mau, công ty này nhận định năm 2022, giá khí đầu vào tăng 39% trong khi giá bán urê tăng nhẹ 1%, sản lượng tiêu thụ urê tăng 3%, phân bón thương mại tăng 8%, nhà máy NPK đi vào hoạt động từ quí 1-2022 với sản lượng tiêu thụ khoảng 90.000 tấn (30% công suất). Biên lợi nhuận gộp của Đạm Cà Mau tăng từ 17,4% lên 19,3% trong năm 2021, nhưng có thể sẽ giảm nhẹ về 18,1% trong năm 2022.

Về giá, cổ phiếu DCM đang giao dịch ở mức định giá P/E năm 2021 và 2022 khoảng 15,6 lần và 15,2 lần; mức định giá EV/EBITDA tương ứng khoảng 3 lần và 4 lần, cao hơn nhiều so với trung bình P/E và EV/EBITDA giai đoạn 2018-2019 là 12 lần và 2 lần. Điều này là do triển trọng khả quan của giá urê.

Từ năm 2023, lợi nhuận của Đạm Cà Mau ước tính tăng trưởng mạnh, do khấu hao nhà máy urê giảm và công suất nhà máy NPK mới tăng. Do Đạm Cà Mau đang phát sinh chi phí khấu hao lớn, SSI sử dụng EV/EBITDA để định giá cổ phiếu. Áp dụng EV/EBITDA mục tiêu là 5,5 lần cho ước tính năm 2022, công ty chứng khoán này đưa giá mục tiêu là 25.000 đồng/cổ phiếu, chỉ cao hơn 7% so với thị giá hiện tại.

Với Đạm Phú Mỹ, SSI cũng cho rằng, năm 2022, giá bán các sản phẩm của công ty tăng không đáng kể trong khi giá khí đầu vào vẫn tiếp tục tăng cao, biên lợi nhuận gộp sẽ giảm về mức 24% (năm 2021 là 26%). Đồng thời, lợi nhuận trước thuế năm 2022 của công ty này sẽ giảm 15% so với năm 2021.

Trong khi đó, giá cổ phiếu DPM cũng đã có mức tăng mạnh nửa đầu năm nay. Ở mức giá 32.600 đồng/cổ phiếu, DPM đang giao dịch tại P/E giai đoạn 2021-2022 là 10,9x. SSI cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của công ty giai đoạn 2021-2022 đã được phản ánh vào cổ phiếu nên đã định giá lại cổ phiếu này ở mức giá mục tiêu mới là 32.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 8% so với mức giá hiện tại.

Việc một trong những công ty chứng khoán hàng đầu đánh giá tiềm năng tăng giá của nhóm cổ phiếu phân bón không còn nhiều trong năm 2022 là điểm đáng chú ý để nhà đầu tư tham khảo. Tuy vậy, việc dự báo này luôn hàm chứa rất nhiều giả định và việc thay đổi dự báo có thể thường xuyên diễn ra tùy vào diễn biến thực tế.

Nhưng dù sao sau nhịp tăng “nóng” trong hơn một tháng trở lại đây, cổ phiếu ngành phân bón có lẽ cũng cần một nhịp nghỉ, nhất là trong bối cảnh thị trường chung đã chuyển hướng tiêu cực trong phiên cuối tuần vừa qua.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới