Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Vì sao cần có Luật tạm giữ, tạm giam?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Vì sao cần có Luật tạm giữ, tạm giam?

Vân Ly

Vì sao cần có Luật tạm giữ, tạm giam?
Luật tạm giữ, tạm giam đã được Chính phủ báo cáo trước Quốc hội chiều 23-5. Ảnh: Quang Tuấn

(TBKTSG Online) – Chiều ngày 23-5, phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã trình bày dự án Luật tạm giữ, tạm giam và lý do cần phải có luật này. Nhiều đại biểu cũng đồng tình với việc ban hành luật tạm giữ, tạm giam.

Vì sao cần ban hành Luật tạm giữ tạm giam?

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang giải thích, tạm giữ, tạm giam áp dụng đối với người bị bắt quả tang, truy nã và đối với bị can, bị cáo nhằm cách ly họ ra khỏi xã hội một thời gian nhất định. Mục tiêu của luật là ngăn chặn họ tiếp tục phạm tội, ngăn chặn họ trốn tránh việc điều tra, truy tố, xét xử, cản trở việc xác định sự thật của vụ án hoặc để bảo đảm thi hành án.

Ông Quang cho biết: “Từ năm 1998 đến hết năm 2014, các trại tạm giam, nhà tạm giữ trên toàn quốc đã tiếp nhận và quản lý giam giữ hơn 2 triệu lượt người. Hiện tại, toàn quốc có 83 trại tạm giam, 734 nhà tạm giữ.”

Tổng kết thực tiễn 16 năm thực hiện Quy chế về tạm giữ, tạm giam ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07/11/1998 (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 98/2002/NĐ-CP ngày 27/11/2002 và Nghị định số 09/2011/NĐ-CP ngày 25/11/2011), bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện chế độ tạm giữ, tạm giam đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: quy định của pháp luật hiện hành về chế độ quản lý giam giữ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam chưa cụ thể (đặc biệt là việc thăm gặp thân nhân, người bào chữa của người bị tạm giữ…); chế độ ăn, mặc, ở, khám chữa bệnh đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam còn chưa phù hợp với điều kiện thực tế; chưa có quy định về chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đồng tính hoặc người có khiếm khuyết về giới tính; chưa có quy định cụ thể về việc cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam mang quốc tịch nước ngoài tiếp xúc lãnh sự…, Bộ trưởng Quang cho biết.

Do đó, theo ông Quang việc xây dựng, ban hành Luật tạm giữ, tạm giam là cần thiết nhằm tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập, bảo đảm hiệu quả công tác quản lý giam giữ phục vụ có hiệu quả cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, đồng thời nhằm bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính trong tình hình mới.

Ông Quang cũng cho biết Luật tạm giữ, tạm giam gồm có 11 chương, 87 điều.

Ý kiến của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về luật

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Công an trình bày, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện đã trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật Tạm giữ, tạm giam.

Ông Hiện cho biết, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành với Chính phủ về sự cần thiết ban hành dự án Luật này bởi nó khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, nhất là tình trạng chết, bức cung, nhục hình, vi phạm quyền con người xảy ra ở nhà tạm giữ, trại tạm giam trong thời gian qua. Dự luật cũng đồng thời phúc đáp yêu cầu cải cách tư pháp trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Hiện cũng cho biết ủy ban này còn có những ý kiến khác nhau về dự án luật này.

Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, Chính phủ trình 3 loại ý kiến về tên gọi của dự án luật cụ thể là: (1) Luật tạm giữ, tạm giam; (2) Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và (3) Luật về chế độ tạm giữ, tạm giam. Chính phủ đề nghị theo ý kiến thứ 2.

Nhiều ý kiến ủy ban này tán thành với đề nghị của Chính phủ. Tuy nhiên một số ý kiến khác đề nghị vẫn lấy tên dự án Luật tạm giữ, tạm giam để bảo đảm phù hợp với tên gọi đã được ghi trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 của Quốc hội.

Hơn nữa, dự án luật không chỉ quy định về thi hành quyết định tạm giữ, tạm giam mà còn quy định cả mô hình tổ chức, thẩm quyền quản lý, trách nhiệm của các cơ quan, người có liên quan đến công tác tạm giữ, tạm giam… Do đó, cần lấy tên là Luật tạm giữ, tạm giam để bao quát hết phạm vi các nội dung mà dự án Luật này điều chỉnh.

Về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành nhiều quy định của dự án luật về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì những người này chưa bị coi là có tội nên ngoài việc hạn chế một số quyền con người, quyền công dân như quyền tự do đi lại, cư trú, quyền bầu cử, ứng cử…. thì các quyền khác của họ phải được bảo đảm, như quyền được sống, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, chăm sóc y tế, quyền được tiếp cận thông tin, quyền được gặp luật sư, người bào chữa, người thân và một số quyền dân sự khác…

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật thì các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam còn quy định tản mạn, có tính chất liệt kê, chưa đầy đủ. Do đó, Ủy ban Tư pháp cho rằng, dự thảo luật chỉ nên quy định theo hướng hạn chế một số quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, còn các quyền khác nếu không bị hạn chế thì vẫn được bảo đảm thực hiện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Bên cạnh đó, cần rà soát những nội dung liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân để quy định tập trung, rõ ràng, cụ thể ngay trong dự án luật, mà không giao cho Chính phủ, các bộ, ngành quy định theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

Liên quan:

ĐBQH: Nhiều khiếu nại dân sự không giải quyết được vì thiếu luật

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới