Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam thiếu khoảng 100.000 kỹ sư công nghệ mỗi năm

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các công ty khởi nghiệp (startup) ở Đông Nam Á vẫn chật vật thu hút nhân tài dù gần đây các tập đoàn công nghệ lớn đã sa thải hàng loạt nhân viên. Trong đó, có thông tin cho biết, ước tính Việt Nam thiếu khoảng 100.000 kỹ sư công nghệ mỗi năm.

Các startup ở Đông Nam Á đang tăng cường tuyển dụng nhưng vẫn chật vật thu hút nhân tài do không thể đưa ra các mức lương hấp dẫn như trước đây trong bối cảnh vĩ mô bất ổn. Ảnh: techcollectivesea

Theo báo cáo nghiên cứu của nền tảng nhân sự Glints (Singapore) công bố vào hôm (4-4), khoảng 86% nhà sáng lập startup ở Singapore, Indonesia và Việt Nam cho biết sẽ tăng số lượng nhân sự trong năm nay. Doanh nghiệp sẽ tập trung tuyển dụng kỹ sư và nhà khoa học dữ liệu, những vị trí có thu nhập trung bình cao hơn 38% so với các vị trí phi công nghệ như bán hàng và tiếp thị.

Theo Oswald Yeo, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Glint, một nền tảng tuyển dụng kết nối hơn 3 triệu nhân sự chuyên nghiệp với 50.000 startup và doanh nghiệp, hiện có sự phân bổ lại nhân tài công nghệ từ nhóm công ty công nghệ lớn và công ty công nghệ đang trong giai đoạn tăng trưởng sang các startup ở giai đoạn đầu.

“Đây là điều mà chúng tôi cho rằng rất lành mạnh cho hệ sinh thái khởi nghiệp”, Yeo  với Nikkei Asia.

Glints đã phối hợp với quỹ đầu tư mạo Monk’s Hill Ventures để phân tích hơn 10.000 điểm dữ liệu từ các tin tuyển dụng của các startup ở Singapore, Indonesia và Việt Nam. Hai bên cũng khảo sát hơn 500 startup giai đoạn đầu và nhân viên họ ở các thị trường này.

Yeo cho biết thêm, so với hai năm trước, có ít sự cạnh tranh hơn đối với các tài năng công nghệ.

Năm ngoái, tập đoàn công nghệ Sea (công ty mẹ của Shopee), có trụ sở tại Singapore đã sa thải hơn 7.000 nhân viên do tăng trưởng chậm lại và lo ngại suy thoái kinh tế.

Trong khi đó, GoTo, công ty công nghệ lớn nhất Indonesia được hình thành từ thương vụ sáp nhập giữa nền tảng GoJek và Công ty thương mại điện tử Tokopedia sa thải khoảng 12% nhân viên,  Các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ có sự hiện diện trong khu vực như Google, Meta (công ty mẹ của Facebook) và Amazon, cũng cắt giảm số lượng nhân viên.

“Nhu cầu về nhân tài công nghệ vẫn còn cao. Đặc biệt là từ các lĩnh vực truyền thống như ngân hàng và bán lẻ vì những doanh nghiệp này đang tăng tốc số hóa doanh nghiệp”, Yeo ghi nhận.

Theo báo cáo nghiên cứu của Glint, kỹ sư công nghệ là phân khúc nhân sự được săn đón nhiều nhất ở Singapore, Indonesia và Việt Nam. Tại các thị trường này, các vị trí như phó chủ tịch phụ trách kỹ thuật công nghệ có mức lương cơ bản hàng năm lên tới 235.200 đô la Mỹ vào năm ngoái. Đứng ở vị trí tiếp theo về mức lương là các nhân sự có kỹ năng dữ liệu và phát triển sản phẩm chuyên biệt.

“Chúng tôi vẫn nhận thấy một khoảng cách khá lớn về cung và cầu nhân tài công nghệ”, Justin Nguyen, đối tác của Monk’s Hill Ventures nói và cho biết thêm, tại Việt Nam, ước tính thiếu khoảng 100.000 kỹ sư công nghệ mỗi năm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh áp lực suy thoái kinh tế ngày càng tăng và triển vọng huy động vốn yếu hơn, các startup buộc phải trở nên chọn lọc hơn trong tuyển dụng. Doanh nghiệp chào mời các mức lương thắt chặt so với những năm trước, thời điểm nguồn vốn dồi dào hơn.

Báo cáo của Glint dự báo mức tăng lương cho các vị trí công nghệ sẽ “chậm lại hoặc không thay đổi” trong năm nay. Glints nhận định, trong năm nay, tốc độ tăng trưởng lương ở các vai trò công nghệ ở Indonesia khoảng 10%; trong vài năm qua, tốc độ tăng trường này là từ 25-40%. Tại Singapore và Việt Nam, mức tăng lương cho các vị trí này có thể giảm một nửa, lần lượt xuống còn15% và 10% trong năm nay.

“Đối với nhiều công ty mới thành lập, đây là thời điểm khủng hoảng. Các nhà sáng lập startup giờ đây cần làm nhiều hơn với ít chi phí hơn nhưng vẫn tuân thủ kỷ luật về cách vận hành doanh nghiệp và tập trung vào con đường dẫn đến lợi nhuận cùng dòng tiền dương”, theo báo cáo của Glint.

Để bù đắp cho mức lương kém cạnh trạnh, nhiều startup mới thành lập đang cung cấp cổ phần ưu đãi cho nhân viên. 86% startup được khảo sát trong báo cáo của Glint cho biết, đang cung cấp chương trình sở hữu cổ phần cho nhân viên (ESOP).

Tuy nhiên, 1/3 trong số này cho biết kế hoạch ESOP chỉ dành cho các nhà quản lý và giám đốc cấp cao. Cổ phiếu ESOP được bán ưu đãi cho nhân viên công ty với giá rẻ hơn giá thị trường và thường đi kèm với điều kiện hạn chế chuyển nhượng trong một thời gian nhất định.

“Hệ sinh thái khởi nghiệp của Đông Nam Á chỉ mới phát triển ở giai đoạn đầu nên chưa thể sử dụng kế hoạch ESOP như một công cụ giữ chân nhân sự hiệu quả. Vì vậy, quỹ ESOP của startup ở Đông Nam Á nhỏ hơn so với ở các thị trường trưởng thành hơn như Mỹ và Trung Quốc”, Justin Nguyen cho biết.

Theo Nikkei Asia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới