Thứ Ba, 7/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Việt Nam tụt hạng về tính cạnh tranh của nền kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Việt Nam tụt hạng về tính cạnh tranh của nền kinh tế

Việt Nam bị tụt hạng về tính cạnh tranh của nền kinh tế trong năm 2008, theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới – Ảnh minh họa: Hữu Thắng

(TBKTSG Online) – Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum – WEF) ngày 8-10 tại Geneva, Thụy Sĩ, đã công bố kết quả xếp hạng tính cạnh tranh của 134 nền kinh tế trên thế giới trong năm 2008 (giai đoạn 2008-2009). So với năm ngoái, Việt Nam đã tụt từ vị trí 68 xuống 70, còn so với năm 2006 là tụt 6 bậc.

Theo thông cáo báo chí của WEF, bản báo cáo thường niên này dựa trên những số liệu thống kê được công bố rộng rãi tại mỗi quốc gia, và cả những số liệu, khảo sát được cung cấp bởi các đối tác là các viện nghiên cứu về kinh tế, các tổ chức kinh doanh tại địa phương.

Năm nay, có trên 12.000 lãnh đạo doanh nghiệp đã tham gia bầu chọn tính cạnh tranh của 134 nền kinh tế trên toàn cầu. Kết quả khảo sát của WEF nhằm cung cấp một bức tranh tổng thể về những yếu tố đang tác động đến môi trường kinh doanh của mỗi nền kinh tế, cũng như khả năng của mỗi nền kinh tế trong mục tiêu phát triển bền vững.

Năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong 3 năm qua được xếp hạng 64 (2006-2007), hạng 68 (2007-2008) và hạng 70 (2008-2009). Tuy nhiên, danh sách bình chọn các nền kinh tế mỗi năm đều tăng thêm, cụ thể như năm 2006 là 122 thì năm 2007 là 131 và năm nay là 134.

So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam chỉ xếp trên Philippines (hạng 71) và Campuchia (hạng 109), tuy nhiên, Lào và Myanmar chưa được đưa vào bảng xếp hạng này.

Việc xếp hạng các nền kinh tế được căn cứ theo 3 nhóm tiêu chí: nhóm tiêu chí căn bản, nhóm tiêu chí hiệu quả và nhóm tiêu chí sáng tạo. Ba nhóm tiêu chí này bao gồm 12 yếu tố cụ thể cấu thành năng lực cạnh tranh.

WEF cũng đánh giá trong 15 vấn đề khó giải quyết nhất của Việt Nam và có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường kinh doanh thì ba vấn đề nghiêm trọng nhất là lạm phát, sự yếu kém của cơ sở hạ tầng và sự thiếu hụt lao động được đào tạo. Ba vấn đề trên được đánh giá có mức độ nghiêm trọng nhất, vượt trên cả vấn nạn tham nhũng, chính sách không ổn định và căn bệnh thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, những điểm mạnh của Việt Nam mà WEF ghi nhận là ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có sự đóng góp của việc cắt giảm chi tiêu; luật đầu tư trực tiếp nước ngoài; và quy mô của thị trường.

Hiện tại, WEF phân loại các nền kinh tế theo 3 nhóm, gồm nhóm 1 có năng lực cạnh tranh dựa vào các yếu tố tự nhiên (tài nguyên, nhân công…), nhóm 2 dựa trên hiệu quả của nền kinh tế và nhóm 3 dựa trên năng lực sáng tạo. Việt Nam được đánh giá đang ở giai đoạn chuyển tiếp từ nhóm 1 sang nhóm 2.

Theo bản báo cáo năm nay, Mỹ vẫn đứng đầu nhờ nền kinh tế có năng suất cao, năng lực sáng tạo đứng đầu thế giới, và khả năng phân bổ nguồn lực vào những nơi hiệu quả nhất. Tiếp theo đó là Thụy Sĩ, Đan Mạch, Thụy Điển và Singapore.

Quý độc giả có thể xem bảng đánh giá về năng lực cạnh tranh của Việt Nam tại đây và bảng xếp loại chung của 134 nền kinh tế.

YẾN DUNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới