(KTSG Online) - Từ vị trí thứ tư trong năm ngoái, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ hai trong cuộc khảo sát các doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản về các quốc gia hoặc khu vực có triển vọng kinh doanh tốt nhất, vượt qua Trung Quốc và chỉ xếp sau Ấn Độ.
- Hơn phân nửa công ty Nhật Bản ở Việt Nam kỳ vọng kinh doanh có lãi năm 2023
- Thúc đẩy hợp tác Việt Nam – Nhật Bản trong các lĩnh vực mới
Đây là kết quả được Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) của chính phủ nước này công bố hôm 14-12, thông qua khảo sát 534 nhà sản xuất trong các lĩnh vực như xe hơi, hóa chất và điện tử.
JBIC đã cho phép chọn nhiều câu trả lời với câu hỏi “Đâu là điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn trong ba năm tới”. Kết quả, Ấn Độ đứng đầu với 48,6%, với lý do phổ biến nhất là tiềm năng tăng trưởng của thị trường địa phương. Đây là năm thứ hai liên tiếp Ấn Độ giữ vị trí số một trong khảo sát của JBIC.
Từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc luôn giữa hạng nhất hay hạng hai trong các khảo sát của JBIC. Tuy nhiên, Trung Quốc đã tụt một bậc trong khảo sát năm nay với tỷ lệ 28,4%. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ khi JBIC bắt đầu khảo sát từ năm 1992. Các doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ sự lo ngại về đối đầu địa chính trị Mỹ - Trung và sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc.
Shinichi Itagaki, giám đốc bộ phận nghiên cứu chiến lược của JBIC, cho rằng “sự suy thoái của môi trường đầu tư của Trung Quốc” đã góp phần vào thành tích mạnh mẽ của Ấn Độ trong cuộc khảo sát. Ông cũng ghi nhận sự tăng trưởng dân số và cải thiện cơ sở hạ tầng của quốc gia Nam Á này.
Với tỷ lệ 30,1%, Việt Nam được đánh giá cao nhờ lực lượng lao động rẻ nhưng tay nghề cao. Ông Itagaki nói rằng, dù mức lương công nhân ở Việt Nam đã tăng hàng năm nhưng các công ty Nhật Bản vẫn tỏ ra “ít lo ngại về chi phí lao động tăng cao”.
Chính quyền địa phương của Nhật Bản, chẳng hạn như các tỉnh Gunma, Shiga và Tochigi…, đã đưa các đoàn doanh nhân đến Việt Nam đã tìm kiếm cơ hội phát triển kinh doanh. Các công ty sản xuất chiếm đa số trong các đoàn này. Nikkei Asia trích dẫn đánh giá của Ngân hàng Gunma rằng, “các doanh nghiệp Nhật Bản chú ý đến nhu cầu tiêu thụ nội địa tại Việt Nam”.
Cộng đồng người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản hiện đạt gần 500.000 người. Đây là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật Bản, sau Trung Quốc. Tháng 11-2023, Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược toàn diện – cấp cao nhất trong quan hệ ngoại giao của Việt Nam. Hiện Nhật Bản là nước đầu tư lớn thứ ba và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Đến nay có khoảng 100 cặp quan hệ cấp địa phương Việt - Nhật đã được thiết lập.
Các địa phương Nhật Bản thường cử các đoàn quan chức và doanh nhân đến Việt Nam khảo sát. Cuối tháng 10 vừa rồi, Thống đốc Yamamoto Ichita và đoàn 29 doanh nghiệp tỉnh Gunma đã sang thăm Việt Nam. Các doanh nghiệp này dự kiến đầu tư 7,7 tỉ yen vào Việt Nam trong thời gian tới. Hiện có 12 doanh nghiệp tỉnh Gunma đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực như nhựa, thiết bị vận tải.
Đầu tháng 11, Thống đốc tỉnh Shiga Mikazuki Taizo và đoàn Phòng Công nghiệp và Thương mại Nagahama đã đến thăm và làm việc tại Hà Nam. Đến nay khoảng 120 doanh nghiệp tỉnh Shaga đã đầu tư trên hai tỉ đô la vào tỉnh Hà Nam.
Ở chiều ngược lại, các đoàn công tác của các tỉnh thành Việt Nam cũng thường xuyên đến Nhật Bản. Chẳng hạn Đồng Nai xúc tiến hợp tác về canh tác hữu cơ với Nhật Bản, nông dân đưa giống nho Mẫu Đơn giá trị cao của Nhật Bản về trồng thử nghiệm…
TPHCM cũng đưa nhiều đoàn công tác sang Nhật Bản. Hôm 14-12, thành phố tổ chức hội nghị bàn tròn, mong muốn được lắng nghe góp ý của doanh nghiệp Nhật Bản cho việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.
Hiện tại, Việt Nam được xem là điểm đến tiềm năng hàng đầu để chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi Trung Quốc.
Thúc đẩy đầu tư với doanh nghiệp tỉnh Gunma, Nhật Bản
Chiều 15-12, trong chương trình hoạt động song phương tại Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Thống đốc tỉnh Gunma Yamamoto Ichit. Ông dự tọa đàm với các doanh nghiệp của tỉnh Gunma, chứng kiến lễ ký bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Gunma và tỉnh Hà Nam, thăm Khu giao lưu người dân tỉnh Gunma - nơi người dân giao tiếp với chính quyền và nêu các ý kiến, đề xuất, kiến nghị, theo Baochinhphu.vn.
Tại cuộc tọa đàm, các doanh nghiệp tiêu biểu, hàng đầu của Gunma và Nhật Bản như Cainz (hàng tiêu dùng), Koshidaka Holdings (lĩnh vực giải trí), J!NS (kính mắt), Tsukiji Gindaco (thực phẩm), Yamada (đồ điện), Subaru (ô tô), Acecook (thực phẩm, nổi tiếng với sản phẩm mì tôm), Taiyo Yuden (linh kiện điện tử), ngân hàng Gunma… đã giới thiệu về thế mạnh và bày tỏ mong muốn tìm hiểu cơ hội, triển khai đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ ký văn kiện hợp tác giữa tỉnh Gunma và tỉnh Hà Nam và xem đây là sự triển khai hiệu quả và thực chất quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới" vừa được thiết lập giữa hai nước.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam coi trọng tăng cường hợp tác giữa các địa phương hai nước, coi đây là kênh hợp tác thực chất và hiệu quả để tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại, lao động, giao lưu nhân dân… Đồng thời, các địa phương Việt Nam đều có nhu cầu tăng cường hợp tác với các địa phương Nhật Bản, do đó dư địa hợp tác giữa Gunma và Việt Nam trong thời gian tới còn rất lớn.
Hiện có 45 doanh nghiệp của tỉnh Gunma đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực như nhựa, thiết bị vận tải… Ngày càng nhiều doanh nghiệp tỉnh Gunma quan tâm và mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Theo Nikkei Asia, NHK, JBIC