Vietnam ICT Index: Mức độ sẵn sàng đến đâu?
Hoàng My
![]() |
Hiện có hơn 90% công chức khối bộ ngành biết sử dụng máy tính trong xử lý công việc, trong khi ở khối tỉnh thành thì tỷ lệ này chỉ đạt 76,4%. Ảnh: Lê Toàn. |
(TBVTSG) - Vietnam ICT Index 2010 lần thứ 5 đã được Hội Tin học Việt Nam chính thức công bố với những số liệu khảo sát thể hiện bức tranh về ứng dụng và môi trường phát triển CNTT Việt Nam. Như vậy những chỉ số sẵn sàng cho việc phát triển và ứng dụng CNTT-TT của các bộ ngành, tỉnh thành và các tập đoàn hàng đầu của Việt Nam hiện đang ra sao?
Cuộc khảo sát xếp hạng dựa vào các chỉ số cơ bản về thực trạng ứng dụng và phát triển CNTT gồm hạ tầng, nhân lực, ứng dụng và chính sách cho sự phát triển. Theo các chuyên gia, hằng năm các tổ chức quốc tế đều có những cuộc đánh giá xếp hạng Việt Nam về những yếu tố then chốt trong ngành là cơ sở đánh giá tiềm năng phát triển nền kinh tế tri thức. Bảng khảo sát xếp hạng này dựa trên “chuẩn” thấp hơn nhưng là cơ sở để các doanh nghiệp, tổ chức công rà soát lại những hoạt động liên quan để có những hoạt động hữu hiệu.
Tỉnh-thành: Top 10 có nhiều thay đổi
Ở nhóm các tỉnh thành, Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu thứ hạng chung năm nay nhờ dẫn đầu các chỉ số ứng dụng, hạ tầng nhân lực, kỹ thuật và môi trường phát triển CNTT. Tuy nhiên chỉ số CNTT của Đà Nẵng cho sản xuất-kinh doanh đứng sau Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương, ở nhóm có độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT-TT ở mức khá.
Trong top 10 năm nay, thứ hạng của TP.HCM, Hà Nội và Bình Dương không thay đổi, xếp hạng tương ứng 2, 3 và 5. Nhiều địa phương đã cải thiện hầu hết các chỉ số và tăng bậc đáng kể để đứng vào top 10. Chẳng hạn, Đồng Nai tăng 11 bậc lên thứ 8, Vĩnh Phúc từ 16 lên thứ 9, Quảng Ninh từ 13 lên thứ 7, Nghệ An từ 12 lên thứ 10… Ngược lại Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Lào Cai và Bắc Ninh rớt khỏi top 10 của năm ngoái. Đặc biệt Bắc Ninh mất 17 bậc, từ vị trí số 10 xuống 27.
Tương tự, Cần Thơ rớt sáu bậc xuống vị trí thứ 20, Lào Cai từ thứ 9 xuống thứ 16, Hà Tĩnh từ 8 xuống 13, Hậu Giang từ 37 rớt xuống 54, Lạng Sơn từ 32 xuống 50… Sự tăng trưởng vượt bậc trong năm nay thuộc về các tỉnh như Thái Nguyên, từ 40 lên vị trí 11, Quảng Trị từ 25 lên 15, Nam Định từ 49 lên 33. Các địa phương này đã cải thiện đáng kể môi trường ứng dụng CNTT và độ sẵn sàng cho việc phát triển. Năm tỉnh xếp cuối bảng năm nay là Hà Giang, Đắc Nông, Cà Mau, Sơn La và Cao Bằng.
Bộ ngành: Ngành giáo dục dẫn đầu
Ở cấp bộ và cơ quan ngang bộ, 72% nhân sự được cấp thư điện tử nhưng chỉ 67% có sử dụng cho công việc. Ở cấp tỉnh thành 44,7% nhân sự được cấp địa chỉ thư điện tử, nhưng chỉ có 47% có sử dụng cho công việc. |
Bộ Giáo dục-Đào tạo lấy lại vị trí dẫn đầu Index 2010 sau khi tụt xuống hạng 2 vào năm 2009. Năm qua là năm thành công của bộ này nhờ hệ thống hạ tầng Internet nhanh chóng mở rộng đến các trường phổ thông, sự đầu tư cho mạng lưới hạ tầng và nhân lực cũng có những đột phá nhất định về ứng dụng. Bộ Tài chính cũng đã cải thiện vị trí, tăng một bậc lên vị trí thứ 2 và Bộ Thông tin-Truyền tuyền tăng 5 bậc lên thứ 3. Mặc dù ở vị trí thấp nhưng nhiều bộ đã có cải thiện đáng kể như Bộ Tài nguyên-Môi trường từ thứ 14 lên 8, Bộ Y tế từ 19 lên 10, Bộ Kế hoạch-Đầu tư từ 18 lên 11.
Năm qua Bộ Công Thương bị mất vị trí thứ nhất và tụt xuống thứ 4 chủ yếu do chỉ số hạ tầng nguồn nhân lực ở mức thấp, chỉ 0,64 điểm. Tương tự, Bộ Xây dựng bị mất điểm ở các chỉ số hạ tầng kỹ thuật và nhân lực, tụt hai bậc xuống thứ 6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ vị trí thứ 5 rơi xuống thứ 12 mặc dù có chỉ số ứng dụng cao nhất với 0,82 điểm; Ngân hàng Nhà nước từ thứ 6 xuống 13; Bộ Khoa học-Công nghệ từ thứ 11 xuống 20. Nguyên nhân là cả hai chỉ số về hạ tầng nhân lực và hạ tầng kỹ thuật của ba bộ này đều ở mức thấp. Thông tấn xã Việt Nam và Viện Khoa học xã hội tiếp tục “đội bảng” Index.
Mức chênh lệch giữa bộ ngành và địa phương
Đã có nhiều thay đổi lớn trong việc phát triển và ứng dụng trong các tổ chức công theo bảng xếp hạng năm nay. Trong đó nhiều chỉ tiêu quan trọng vẫn chưa đạt được. Chẳng hạn, tỷ lệ viên chức sử dụng e-mail công vụ để giải quyết công việc hằng ngày chưa cao. Ở cấp bộ và cơ quan ngang bộ, 72% nhân sự được cấp thư điện tử nhưng chỉ 67% có sử dụng cho công việc. Ở cấp tỉnh thành 44,7% nhân sự được cấp địa chỉ thư điện tử, nhưng chỉ có 47% có sử dụng cho công việc. Đây là chỉ số cơ bản đánh giá sự phát triển của nền chính phủ điện tử nhưng những năm qua chỉ số này tăng khá chậm.
Nếu như hiện nay có 100% bộ có cổng thông tin điện tử thì chỉ 32,6% đơn vị trực thuộc có trang web, trong khi mục tiêu 100% các địa phương có trang web đến nay vẫn chưa đạt (hiện cả nước vẫn còn hai tỉnh chưa xây dựng trang web).
Ở tiêu chí trình độ sử dụng máy tính, 90% công chức của các bộ ngành biết sử dụng trong khi khối tỉnh thành dù đã tăng 18,4% so với năm 2009 nhưng chỉ đạt 76,4%.
Ở chỉ số hạ tầng kỹ thuật, số máy tính tính trung bình cho mỗi nhân sự là 0,86, với 87% máy tính kết nối Internet và mức đầu tư về hạ tầng kỹ thuật trong năm 2010 là 4,8 triệu đồng. Mức chi trung bình ở bộ cho việc đào tạo nhân lực năm qua là 1,02 triệu đồng/người và chi trung bình cho cán bộ nhân viên ứng dụng CNTT là 2,28 triệu đồng, đã tăng so với 2,1 triệu đồng hồi năm trước. Con số này ở tỉnh thành thấp hơn khá nhiều, năm qua mức đầu tư trung bình cho hạ tầng ở các tỉnh thành là 1,5 triệu đồng, tăng hơn hai lần so với năm trước đó. Mức chi cho việc đào tạo mỗi viên chức gần 146.000 đồng và mức chi cho ứng dụng CNTT là hơn 1 triệu đồng.
Về dịch vụ công trực tuyến, nếu như ở bộ ngành trong năm 2008 chỉ có 47% có cung cấp dịch vụ công trực tuyến thì năm nay là 76,6%. Các dịch vụ công cấp độ 3 và 4 cũng tăng lên: từ 36% tăng lên 52% và năm ngoái chưa có đơn vị cung cấp dịch vụ cấp 4 thì năm nay tỷ lệ là 8,7%. Tuy nhiên ở các địa phương, là nơi có nhiều cơ sở làm việc trực tiếp với nhân dân thì tỷ lệ này thấp hơn với 55,6% tỉnh thành có cung cấp dịch vụ công trực tuyến. 58% trong số đó cung cấp dịch vụ công cấp độ 3 và chỉ 4,8% cung cấp dịch vụ cấp 4.
Bảng khảo sát cũng cho thấy có những biến động về mạng lưới kết nối điện, điện thoại và Internet trong dân chúng. Tỷ lệ hộ gia đình có ti-vi đã tăng từ 70% năm 2009 lên 80% năm 2010; nhưng tỷ lệ hộ gia đình có máy tính chỉ tăng nhẹ, từ 18,2% năm ngoái lên 18,9% năm nay, trong khi số hộ có điện thoại cố định đã giảm từ 52% xuống 48% do mạng di động phát triển nhanh.
Về hạ tầng nhân lực, mặc dù Internet đã được kéo rộng ra toàn quốc nhưng kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 26,3% trường tiểu học có giảng dạy tin học, trường trung học cơ sở là 60%, trường phổ thông trung học là 98,7%. Mức chênh lệch giữa các địa phương cũng khá lớn, có tỉnh có đến 100% trường có giảng dạy tin học nhưng có nơi mới chỉ 48%.
Nhìn chung, chỉ số sẵn sàng cho CNTT ở các tỉnh thành thấp hơn nhiều so với các bộ và cơ quan ngang bộ. Dù tỷ lệ ở các nhóm đã tăng lên đáng kể theo từng năm nhưng sự chênh lệch vẫn còn khá lớn. Điều này tạo ra nhiều khoảng trống trong việc liên thông dữ liệu cho việc quản lý nhà nước trong các bộ máy hành chính công để thúc đẩy nền hành chính điện tử.