Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Xăng dầu đẩy chỉ số giá tiêu dùng 2 tháng đầu năm tăng 1,68%

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Giá xăng dầu trong nước 2 tháng đầu năm 2022 tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,68%, theo Tổng cục Thống kê.

Cơ quan này cho biết có 4 nhóm hàng hoá khiến CPI 2 tháng đầu năm gia tăng, gồm xăng dầu, gas, vật liệu bảo dưỡng, gạo.

Giá dầu thô tăng cao ảnh hưởng không nhỏ tới giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Ảnh minh hoạ: Lê Vũ

Với xăng dầu, mặt hàng này trải qua 4 lần điều chỉnh giá trong 2 tháng với mức tăng bình quân 45,3% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, xăng A95 tăng 2.990 đồng một lít, giá xăng E5 tăng 2.980 đồng một lít, dầu diezen tăng 3.230 đồng một lít.

Điều này, theo Tổng cục Thống kê, khiến CPI chung tăng 1,63 điểm phần trăm.

Với gas, giá trong nước của mặt hàng biến động theo giá thế giới với mức tăng bình quân bình quân 18,64% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm.

Với vật liệu bảo dưỡng nhà, giá mặt hàng này tăng 7,77% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào. Điều này khiến CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.

Với gạo, giá trong nước của mặt hàng này tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán với mức tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,04 điểm phần trăm.

Ngược lại, có 3 nhóm hàng hoá, dịch vụ kìm hãm đà tăng của chỉ số CPI, gồm thực phẩm, dich vụ giáo dục, thuê nhà ở.

Cụ thể, giá các mặt hàng thực phẩm giảm 1,75% so với cùng kỳ năm trước do thịt heo giảm 21,89%, mỡ ăn giảm 23,31%, thịt chế biến giảm 4,74%. Điều này khiến CPI giảm 0,37 điểm phần trăm.

Giá dịch vụ giáo dục giảm 4,36% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ 1 năm học 2021-2022 làm CPI giảm 0,24 điểm phần trăm.

Giá thuê nhà ở giảm 16,36% do nhiều hộ gia đình giảm giá hỗ trợ người thuê nhà trong tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, làm CPI giảm 0,08 điểm phần trăm.

Về diễn biến giá cả năm 2022, Phó thủ tướng Lê Minh Khái dự báo tình hình giá các mặt hàng năm nay sẽ diễn biến phức tạp khi các loại hàng hoá, dịch vụ, nguyên vật liệu đầu vào đều có xu hướng tăng khi các nước phục hồi kinh tế.

Ngoài ra, động thái thắt chặt tiền tệ và tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát của các ngân hàng trung ương lớn sẽ tác động tới Việt Nam - một nền kinh tế có độ mở lớn, qua đó gây áp lực với công tác điều hành giá.

Bên cạnh đó, giá dầu thô tăng cao khiến giá thành phẩm mặt hàng này tăng 15-21% trong giai đoạn từ 11-2 tới 21-2, ảnh hưởng không nhỏ tới giá bán lẻ trong nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới