Thứ Hai, 17/06/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Xem triển lãm xe, nhớ ‘món nợ’ mười năm xe ‘thí điểm’

Mục Nhĩ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Với sự tiến bộ của công nghệ xe máy điện hiện nay, chính quyền thành phố cần đặt hàng nghiên cứu, thiết kế ra loại xe chở hàng phù hợp để chấm dứt tình trạng bế tắc của xe ba gác “thí điểm” mười năm nay.

Tuần qua, triển lãm xe Autotech & Accessories 2024 diễn ra tại TPHCM. Tại đây, khá nhiều loại xe điện chở hàng được trưng bày có giá bán phải chăng, tầm 20-40 triệu đồng/chiếc. Điểm mạnh của các dòng xe điện này là được thiết kế linh hoạt, nhiều mẫu mã phù hợp với công năng sử dụng trong đô thị. Công nghệ xe điện hiện nay đã có nhiều tiến bộ vượt trội nên việc sản xuất không còn là vấn đề phức tạp, nhất là các nhà cung cấp động cơ, linh kiện luôn có sẵn.

Lướt một vòng qua các gian hàng xe điện chở hàng, người viết bài này chợt nhớ đến “món nợ” xe chở hàng 3, 4 bánh được “thí điểm” gần mười năm nay. Tính đến tháng 7 năm nay, Thông tư 16/2014/TT-BGTVT quy định điều kiện xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ (Thông tư 16) có hiệu lực được mười năm cũng là bấy nhiêu năm quy định này vẫn chưa kết thúc thời gian “thí điểm”.

Số là sau khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra chủ trương xóa bỏ các loại xe ba gác, xe lam… vì lý do thiếu an toàn và ô nhiễm, từ năm 2010 các loại xe ba gác 3, 4 bánh từ Trung Quốc được nhập ồ ạt vào Việt Nam để thay thế. Thời điểm đó, loại xe ba gác này được cho phép đăng ký biển số có ký hiệu TĐ (thí điểm). Đến năm 2013, khi chất lượng loại xe này ngày càng bộc lộ rõ sự yếu kém thì cũng là lúc Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 16 nhằm siết chặt quản lý.

Tại thời điểm Thông tư 16 có hiệu lực từ tháng 7-2014, chỉ riêng ở khu vực TPHCM và các tỉnh lân cận có khoảng 10.000 xe “thí điểm” và từ đó đến nay, loại xe này rơi vào tình trạng bị treo lơ lửng về pháp lý. Trong thành phố, người mưu sinh bằng việc chở thuê hàng hóa vẫn sử dụng loại xe này để chạy và phải đối mặt với việc bị lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt bất cứ lúc nào, vì loại xe này không đạt nhiều quy định theo Thông tư 16 như không được kiểm định, chạy vào đường cấm và người điều khiển không có bằng lái phù hợp.

Trên thực tế, dù không còn được cho đăng ký nhưng loại xe này vẫn được sản xuất và bán rộng rãi. Chẳng hạn tại TPHCM có một cơ sở lắp ráp xe này và rao bán với giá khoảng 40 triệu đồng/chiếc ở thời điểm hiện tại.

Trước tình trạng bị treo về pháp lý có liên quan đến chất lượng xe 3, 4 bánh này, Sở GTVT TPHCM hồi năm 2020 đã kiến nghị Bộ GTVT ban hành niên hạn hoạt động xe hoặc hạn chế sản xuất hay ngưng sản xuất nhưng đến nay dường như cũng chưa có câu trả lời nào rõ ràng.

Sở GTVT TPHCM cũng từng lên kế hoạch khai tử loại xe này nhưng lần lượt phải lùi hạn vì nếu xóa sổ loại xe hữu dụng này thì chưa có loại xe nào thay thế phù hợp. Với tải trọng 400-500 ki lô gam, các loại xe tải nhỏ có giá bán hơi cao so với túi tiền của những người chạy xe ba gác hiện tại, đó là chưa kể đến các khoản chi cần thiết nữa, như khoảng 20 triệu đồng và vài tháng học bằng lái ô tô mới được điều khiển.

Chính sách quản lý thiếu hiệu quả, cho nhập xe Trung Quốc kém chất lượng đã gián tiếp làm người dân chạy xe ba gác trước đây tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn, không có loại xe nào hợp pháp hoàn toàn để làm phương tiện mưu sinh.

Từ dàn xe được trưng bày ở cuộc triển lãm nói trên, thiết nghĩ, TPHCM là trung tâm khoa học hàng đầu cả nước lại có thêm sự tự chủ được Quốc hội trao cho với Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù, cần tận dụng sức mạnh này để “trả dứt” món nợ xe “thí điểm”. Chẳng hạn, cơ quan quản lý nhà nước của thành phố đặt hàng các đơn vị nghiên cứu thiết kế ra những mẫu xe chở hàng mới dùng động cơ điện, nghiệm thu rồi chuyển giao kết quả cho doanh nghiệp sản xuất.

Với những xe điện chở hàng thiết kế phù hợp, đạt yêu cầu về an toàn lại kèm theo chính sách hỗ trợ cho vay vốn chuyển đổi, người dân sẽ sẵn sàng thay thế xe “thí điểm” bằng xe điện chở hàng để khỏi phải hồi hộp đối diện với nguy cơ bị phạt khi ra đường.

Chính quyền cũng qua chương trình này mà trả dứt món nợ xe “thí điểm” hàng chục năm qua, tiện cả đôi đường. Xe điện cũng góp phần vào việc phát triển kinh tế xanh, giao thông xanh mà chính quyền TPHCM và Chính phủ đặt ra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới