Thứ Ba, 14/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Xu hướng sản xuất quần áo sợi đơn để đáp ứng yêu cầu tái chế của EU

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các công ty thời trang có thể bắt đầu bán nhiều quần áo hơn được làm từ một loại sợi duy nhất trong thập niên tới, đánh dấu sự thay đổi lớn nhằm đáp ứng kế hoạch của Liên minh Châu Âu (EU) yêu cầu quần áo phải bền hơn và có thể tái chế.

Các sản phẩm quần áo phế thải sẽ dễ dàng tái chế hơn nếu chúng được sản xuất từ một loại sợi duy nhất – Ảnh: MPCA Photos

Quần áo thường được làm từ sợi hỗn hợp, bao gồm cả sợi hữu cơ, chẳng hạn như sợi cotton (bông vải) được trồng ở các trang trại và sợi tổng hợp, chẳng hạn như polyester được tinh chế thường từ dầu mỏ.

Quần áo có nhiều chất liệu, chẳng hạn như áo phông được làm từ 99% sợi cotton và 1% sợi spandex, khó tái chế vì việc tách các sợi đòi hỏi tốn nhiều công sức. Spandex là một loại sợi nhân tạo có độ đàn hồi cao đặc biệt khi kết hợp với sợi cotton, có thể giúp vải co giãn dài hơn 5 lần so với kích thước ban đầu.

Hiện tại, chưa đến 1% áo quần phế thải trên thế giới được tái chế thành quần áo mới, với phần lớn chúng sẽ được đưa đến các bãi rác. EU muốn thay đổi điều này và khung thời gian triển khai quy định mới tương đối gấp gáp sẽ gây khó khăn cho các “ông lớn” trong lĩnh vực thời trang vì họ có thể phải trang bị lại quy trình thiết kế và cân nhắc lại việc tìm nguồn cung ứng.

Hồi tháng 3, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, đã công bố một kế hoạch có tên gọi “Chiến lược của EU về dệt may bền vững và tái chế”  với mục tiêu đưa “thời trang nhanh không còn là mốt” vào năm 2030, để loại bỏ xu hướng mọi người mua quần áo và vứt bỏ chúng trong vòng chưa đầy một năm.

Các quy định mới trong kế hoạch này yêu cầu quần áo phải “có tuổi thọ cao và có thể tái chế, và phải sử dụng sợi tái chế ở mức độ lớn”. Kế hoạch trên sẽ có hiệu lực sau khi được Nghị viện châu Âu và các chính phủ thành viên EU thông qua, điều mà EC dự kiến sẽ xảy ra vào năm 2024.

Người phát ngôn của EU cho biết EU vẫn đang thảo luận các quy định chi tiết về yêu cầu thiết kế thân thiện với môi trường, cách ghi nhãn mới cho áo quần thể hiện các dữ liệu liên quan, chẳng hạn điểm đánh giá về khả năng sửa chữa. Các chuyên gia về tính bền vững nói rằng quần áo sợi đơn là một trong những giải pháp tốt nhất để đáp ứng yêu cầu tái chế của EU.

“Chúng tôi cũng sẽ đánh giá khả năng tái chế có thể được cải thiện như thế nào thông qua các yêu cầu cụ thể, ví dụ như thông qua việc sử dụng các sợi đơn”, một người phát ngôn của EU nói và cho biết thêm các yêu cầu về thiết kế thân thiện với môi trường sẽ được giới thiệu vào năm 2024.

Các quy định mới sẽ được áp dụng cho tất cả quần áo được bán trong khu vực EU, vốn nhập khẩu gần 3/4 nhu cầu hàng dệt may. Điều này sẽ ảnh hưởng không chỉ đến các thương hiệu thời trang của châu Âu mà còn ảnh hưởng đến các công ty thời trang đa quốc gia của Mỹ như hãng đồ thể thao Nike, và nhà sản xuất quần jean Levi Strauss & Co, cũng như hàng thời trang Uniqlo của Nhật Bản hoặc Shein của Trung Quốc.

Các nước EU đã đồng ý thu gom riêng rẽ hàng dệt may phế thoải với các chất thải khác vào năm 2025.

Một số nhà bán lẻ quần áo đã mở rộng dòng sản phẩm may mặc sử dụng sợi đơn của họ trước khi các quy định mới của EU có hiệu lực. Ví dụ, nhà sản xuất quần áo thể thao của Đức, Adidas đã tung ra một dòng sản phẩm thời trang sợi đơn vào năm ngoái bao gồm giày thể thao áo khoác, áo phông và quần theo chương trình “Made to be Remade” (Được sản xuất để tái chế).

Người phát ngôn của Adidas nói: “Những sản phẩm này được tạo ra chỉ bằng một chất liệu và khi hết thời gian sử dụng, chúng có thể được làm sạch, cắt nhỏ và tái chế để sử dụng cho các sản phẩm mới”.

Tuy nhiên, một số sản phẩm may mặc làm từ sợi đơn có thể không đủ bền trong một số trường hợp, người phát ngôn của hãng thời trang Hennes & Mauritz (HM) của Thụy Điển cho biết. Hiện tại, các loại vải có thành phần 100% sợi đơn chiếm khoảng 1/3 ba tổng sản lượng quần áo của H&M.

Năm ngoái, Adidas đã tung ra một dòng sản phẩm thời trang bao gồm giày thể thao và quần áo được làm từ một chất liệu sợi, giúp dễ tái chế hơn. Ảnh: Adidas

Theo người phát ngôn của H&M, các sản phẩm không bền, vì chúng không đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng về sự thoải mái hoặc chất lượng, không thể được coi là bền vững hơn. H&M đang đẩy mạnh dịch vụ sửa chữa và cho thuê quần áo cũ như một phần của nỗ lực cắt giảm quần áo phế thải và lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Nhưng trong ngành thời trang, khâu thiết kế vẫn là yếu tố quan trọng nhất, Christina Dean, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận thời trang Redress, cho biết. Theo bà, sự chú trọng của EU đối với cách thiết kế quần áo sẽ khiến các nhà thiết kế phải chọn những chất liệu đơn lẻ.

Công nghệ vẫn là một trở ngại lớn đối với việc tái chế quần áo. Tuy nhiên, một số công ty khởi nghiệp (startup) đã đưa ra các giải pháp và đang giành được hợp đồng từ các nhà bán lẻ lớn. Carbios, một startup của Pháp, cung cấp các enzyme sinh học có thể phân hủy sợi polyester và các loại sợi tổng hợp khác, đã ký thỏa thuận hợp tác với các thương hiệu thời trang thể thao vào đầu năm nay, bao gồm Puma (Đức) và Patagonia (Mỹ).

Carbios cho biết công nghệ của họ có thể giúp tái chế sợi polyester pha trộn với các sợi tổng hợp khác và sợi hữu cơ trong quần áo. Adam Cochrane, nhà phân tích bán lẻ tại ngân hàng đầu tư Deutsche Bank, nói: “Lý do khiến bạn không thấy tái chế tăng lên trong ngành thời trang là vì việc phân tách các loại sợi trong áo quần khá tốn công sức
lao động”.

Ông cho biết ưu tiên của các công ty thời trang là đảm bảo rằng các quy định về tính bền vững được áp dụng một cách bình đẳng và công bằng. “Tôi có thể hỏi 100 công ty thời trang và tất cả những gì họ muốn là một sân chơi bình đẳng”, ông nói.

Theo WSJ

 

  • Chủ đề :
  • EU

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới