Thứ Năm, 15/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Xung đột Nga-Ukraine có thể khiến nhu cầu nhiên liệu hóa thạch đạt đỉnh

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhu cầu tổng thể của toàn cầu đối với nhiên liệu hóa thạch gồm dầu thô, khí đốt và than có thể đạt đỉnh vào cuối thập niên này. Đó là nhờ sự chuyển đổi sang năng lượng sạch nhanh hơn được thúc đẩy bởi cuộc khủng hoảng năng lượng bắt nguồn từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, theo báo cáo thường niên về Triển vọng năng lượng thế giới của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), có trụ sở ở Paris, Pháp.

IEA dự báo Trung Quốc, nước tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch lớn nhất thế giới sẽ chứng kiến nhu cầu than và dầu đạt đỉnh trước cuối thập niên này nhờ các khoản đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo. Ảnh: Xinhua/AP

Báo cáo của IEA đưa ra hôm 27-10 cho biết, chiến tranh và các gián đoạn đối với các thị trường năng lượng mà nó gây ra đã phân bổ lại cung và cầu năng lượng toàn cầu. IEA nhận định, nếu các chính phủ thực hiện tốt các mục tiêu chính sách đề ra gần đây để ứng phó khủng hoảng năng lượng thì sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo sạch.

Dựa theo kịch bản đó, IEA cho rằng nhu cầu than tăng thêm do cuộc khủng hoảng năng lượng thúc đẩy chỉ là tạm thời, trong khi nhu cầu khí đốt sẽ bão hòa vào cuối thập niên này. Với việc sử dụng xe điện ngày càng tăng, nhu cầu dầu thô sẽ đạt đỉnh vào khoảng năm 2035, đi ngang đến khoảng năm 2050 và sau đó sẽ giảm xuống.

“Sau khi tiêu thụ khí đốt tăng trưởng nhanh chóng trong 10 năm qua, chúng tôi nghĩ rằng thời kỳ hoàng kim của khí đốt sắp kết thúc. Giờ đây, chúng tôi thấy đỉnh nhu cầu đối với tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch sẽ đến vào năm 2030”, Fatih Birol, Giám đốc điều hành IEA nói.

Birol cho rằng, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm thay đổi thị trường và chính sách năng lượng không chỉ trong thời điểm hiện tại mà còn trong nhiều thập niên tới. “Phản ứng của các chính phủ trên khắp thế giới đối với cuộc xung đột hứa hẹn tạo sẽ ra bước ngoặt lịch sử và dứt khoát ”, ông nói.

IEA ghi nhận các chính phủ đang sốt sắng thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, với tổng cam kết đầu tư trị giá 2 nghìn tỉ đô la Mỹ vào năm 2030, nhiều hơn 50% so với mức hiện tại.

Kịch bản dự báo IEA về đỉnh nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch của thế giới dựa trên việc các chính phủ tuân thủ các cam kết đó. Một số chính phủ phương Tây đã lên kế hoạch đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo.

Tại Mỹ, gói luật pháp về khí hậu, chăm sóc sức khỏe và thuế của chính quyền Biden, được gọi là Đạo luật Giảm lạm phát đã phân bổ khoảng 369 tỉ đô la Mỹ cho các chương trình khí hậu và năng lượng, bao gồm hỗ trợ người tiêu dùng mua xe điện và đầu tư vào năng lượng tái tạo và hạt nhân.

EU đã vạch ra kế hoạch chi tiêu tương đương 317 tỉ đô la Mỹ trong 5 năm tới để cải tổ nguồn cung cấp năng lượng và chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. IEA cũng chỉ ra các mục tiêu năng lượng sạch đầy tham vọng ở Trung Quốc và Ấn Độ; Trung Quốc cũng đang đạt kỷ lục về công suất lắp đặt năng lượng gió và mặt trời.

Báo cáo của IEA nhận định Trung Quốc, nước tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch lớn nhất thế giới sẽ chứng kiến nhu cầu than và dầu đạt đỉnh trước cuối thập niên này nhờ các khoản đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo.

Theo Jasbir Basi, đối tác cấp cao về năng lượng tại Công ty tư vấn Global Counsel có trụ sở tại London, hiện có những mục tiêu thực sự đầy tham vọng để thúc đẩy năng lượng tái tạo. Cuộc khủng hoảng năng lượng có tác dụng như một bộ khuếch đại và lời thức tỉnh để chuyển đổi năng lượng.

IEA cho biết, sản lượng dầu đang suy giảm của Nga là một yếu tố quan trọng để tính toán thời điểm nhu cầu nhiên liệu hóa thạch đạt đỉnh. Mức suy giảm này có thể là vĩnh viễn. Sự xoay trục của châu Âu sang năng lượng tái tạo sẽ làm khu vực này rời xa năng lượng của Nga trong tương lai. Nga cũng sẽ đối mặt với thách thức khi tìm cách chuyển nguồn cung khí đốt và dầu sang các nền kinh tế châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ.

Giám đốc điều hành IEA, Fatih Birol, cho biết các chính sách và thị trường năng lượng đã thay đổi do hậu quả của cuộc xung đột Nga- Ukraine. Ảnh: Reuters

Theo đó, EU đặt mục tiêu áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với việc vận chuyển dầu thô của Nga trên toàn thế giới. Trong khi đó, việc thiếu các đường ống ở các vùng phía đông của nước này sẽ khiến việc vận chuyển khí đốt sang Trung Quốc trở nên khó khăn.

Các nhóm khác, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), đã đặt ra mốc thời gian xa hơn nhiều đối với đỉnh nhu cầu dầu. OPEC dự báo, nhu cầu dầu mỏ sẽ đạt đỉnh ở các quốc gia giàu có bắt đầu từ giữa thập niên 2020 nhưng nhu cầu ở các nước nghèo hơn sẽ tiếp tục tăng ít nhất cho đến năm 2045.

IEA là một trong số ít các tổ chức cung cấp các dự báo dài hạn về xu hướng năng lượng. Tổ chức này đã kêu gọi giảm đầu tư vào việc phát triển dầu khí để đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon của các chính phủ. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dầu khí và OPEC chỉ trích lời kêu gọi là này là không thực tế.

Về tỉ trọng cung cấp năng lượng toàn cầu, nhiên liệu hóa thạch giữ ổn định ở mức 80% trong nhiều thập niên. IEA cho biết, sự thay đổi do cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay sẽ khiến tỉ trọng này giảm xuống dưới 75% vào năm 2030 và xuống 60% vào năm 2050.

Dù vậy, nhiều nhà kinh tế năng lượng cảnh báo kế hoạch giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tăng cường nguồn năng lượng sạch của các ước đang đối mặt những trở ngại lớn trong thực tế. Đặc biệt, là trong thời kỳ thị trường hỗn loạn và thiếu điện như hiện nay.

Tiêu thụ than đã tăng lên ở châu Âu vì việc Nga cắt nguồn khí đốt đã thúc đẩy các nước từ Đức đến Ý duy trì hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than lâu hơn kế hoạch, tăng sản lượng hoặc vận hành trở lại các nhà máy đã dừng hoạt động.

Các chính phủ châu Âu đang nghiên lại cứu các biện pháp ngăn ngừa khủng hoảng năng lượng trong tương, bao gồm sử dụng các hợp đồng mua khí đốt dài hạn và xây dựng các kho cảng khí đốt hóa lỏng đắt đỏ. Đây là điều mà các nhà bảo vệ môi trường cho rằng có thể kéo dài việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Thị trường năng lượng toàn cầu đang bất ổn và tình trạng thiếu điện trong năm qua đã khiến Trung Quốc, nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới xem xét xây dựng thêm nhiều nhà máy điện than.

Trong khi đó, việc triển khai năng lượng tái tạo như gió và mặt trời bị đình trệ ở các nước bao gồm Mỹ và Ấn Độ do các yếu tố khác nhau từ chính sách và rào cản thương mại cho đến tắc nghẽn vận tải biển và chậm cấp phép.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới