Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

3G đưa viễn thông vào cuộc đua mới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

3G đưa viễn thông vào cuộc đua mới

Tuyết Ân

Mobifone đang được nhiều tập đoàn nước ngoài mời chào hợp tác đầu tư để triển khai các dịch vụ 3G. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Giấy phép khai thác tần số theo chuẩn mới 3G đã khiến cuộc đua của thị trường viễn thông trở nên quyết liệt hơn.

Liệu có thể kỳ vọng đây là “điểm tựa mới” thúc đẩy các nhà cung cấp dịch vụ hiện đại hóa mạng lưới công nghệ và năng lực quản trị nhằm đưa ra những dịch vụ gắn liền với nhu cầu phát triển của nền kinh tế?

Tài sản doanh nghiệp tăng bao nhiêu?

Từ khi hợp đồng hợp tác kinh doanh mạng MobiFone giữa VNPT và Comvik chấm dứt năm 2005 cùng với quyết định cổ phần hóa mạng di động đầu tiên, không ít nhà đầu tư đã “tiên đoán nhầm” lộ trình và chờ đợi MobiFone được cổ phần hóa.

Sau những trúc trắc về thanh lý hợp đồng vốn phức tạp vì “chưa có tiền lệ” được giải quyết thì quá trình chuyển đổi này cũng chậm lại. Giới chuyên môn nhận định MobiFone không thể cổ phần hóa trước khi có giấy phép 3G, vì đó là tài sản của nhà đầu tư. Giá trị của mạng MobiFone sẽ được “định lại” trước khi doanh nghiệp này chào bán cổ phần ra công chúng.

Vấn đề là liệu 3G giúp tăng thêm giá trị cho một mạng viễn thông bao nhiêu lần: 1, 2 hay 3? Hàng loạt nhà cung cấp hạ tầng, các quỹ đầu tư lâu nay chờ đợi để làm “vệ tinh” cho mạng viễn thông này.

Có thể thấy danh sách dài các hãng không ngại ngùng công bố kỳ vọng hợp tác với MobiFone như France Telecom, Telenor, Comvik, Qualcomm, Ericsson…

Những cuộc “giao duyên” giữa các doanh nghiệp đang cho thấy xu hướng kết hợp đầu tư và công nghệ trong tương lai, như VinaPhone với NTT DoCoMo, Motorola; AT&T và Viettel, EVN với Hutchinson, GTel với Ericsson, Alcatel Lucent, IBM…

Băng tần cho GSM hiện đã quá tải, các nhà khai thác mạng nếu không được cấp phép băng tần mới sẽ đồng nghĩa với thất bại. Đây cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp mở “con đường cao tốc” chuyển đổi mạng di động GSM sang các dịch vụ băng rộng đa phương tiện.

Cũng vì giá trị của loại tài sản đặc biệt đó mà tổng số tiền cam kết đầu tư trong ba năm đầu của bốn doanh nghiệp được cấp phép 3G xấp xỉ 34.000 tỉ đồng và số tiền đặt cọc hơn 8.000 tỉ. Riêng Viettel cam kết đầu tư gần 13.000 tỉ, cao hơn 1,5 lần hai mạng của VNPT và có mức đặt cọc lên đến 4.500 tỉ.

Thử ước tính độ lớn của thị trường viễn thông. Tổng doanh thu năm 2008 của hai tập đoàn lớn là VNPT với 55.000 tỉ đồng và Viettel là 33.000 tỉ đồng, trong đó khoảng 85% thu từ dịch vụ di động. Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp viễn thông công bố tăng trưởng 30-50% và lợi nhuận khoảng 30% mỗi năm. Riêng Viettel tăng trưởng 100% mỗi năm trong suốt sáu năm qua.

Chính vì “miếng bánh ngon” này mà vẫn còn nhiều nhà cung cấp kỳ vọng vào thị trường Việt Nam ngoài bảy doanh nghiệp hiện nay. Hiện bốn giấy phép 3G được cấp và sáu nhà khai thác sử dụng, chưa kể S-Fone hiện đã cung cấp dịch vụ 3G trên nền công nghệ CDMA 1X EV-DO.

Tương lai và thực tế

Thực ra độ lớn của thị trường còn tùy thuộc vào hiệu quả khai thác của các doanh nghiệp trên băng tần mới. Ví dụ năm 2008 Viettel đạt hơn 21.000 tỉ đồng doanh thu từ mạng di động nhưng doanh thu từ thoại đến 20.000 tỉ, còn lại từ các dịch vụ gia tăng khác. Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, xét về cả hai yếu tố: cơ cấu doanh thu và quy trình quản lý – khai thác mạng lưới thì các mạng viễn thông Việt Nam hiện vẫn chưa đến giai đoạn “trưởng thành”. 3G được kỳ vọng sẽ đưa các dịch vụ nội dung gia tăng theo cấp số nhân, thúc đẩy độ lớn của thị trường viễn thông lên gấp nhiều lần và quyết định sự thành công của các nhà khai thác.

Theo ông Hoàng Ngọc Diệp, chuyên gia viễn thông, đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, bên cạnh những nội dung, ứng dụng, 3G còn là giải pháp kết nối băng thông rộng, bảo mật và chất lượng cao cho các tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng các dịch vụ quan trọng như eGovernment, eCommerce, eHealthcare, eLearning…

Trên bình diện chung thì mạng nào sở hữu khách hàng thuê bao trả sau cao cấp, phân khúc thị trường phù hợp, tạo được môi trường hợp tác đa phương giữa nhà khai thác, cộng đồng công nghệ thông tin, các tổ chức, công ty hiệu quả thì họ có cơ hội thắng thế. Việc sử dụng chung hạ tầng 2G hiện có là cơ sở đưa các dịch vụ 3G tiếp cận người dùng nhanh hơn và kinh phí hợp lý hơn.

Trong cam kết lộ trình đầu tư, các doanh nghiệp cho biết trước tiên họ nhắm đến những dịch vụ như thoại truyền hình (video call); các dịch vụ thanh toán qua thiết bị di động, dịch vụ định vị (location-based), kết nối từ xa tới mạng Intranet của các công ty… Cả MobiFone và Viettel công bố sẽ triển khai công nghệ HSPA (3.75G) với tốc độ đường truyền lên tới 7.2Mbps (gấp hàng trăm lần tốc độ truyền tải trên mạng GSM hiện nay) để hỗ trợ người dùng truy cập Internet và dịch vụ nội dung nhanh chóng và tiện lợi. Viettel công bố sẽ khai trương dịch vụ 3G đầu năm tới, ban đầu với 5.000 trạm phát sóng đến khoảng 86% dân cư. MobiFone trong vòng một năm sẽ phủ sóng 3G tới 100% đô thị và ba năm tới sẽ phủ sóng tới 98% dân số.

VinaPhone cũng lựa chọn công nghệ WCDMA-HSPA để giải quyết vấn đề tăng tốc độ trên giao diện radio 3G. Doanh nghiệp này cho biết ngoài kinh doanh còn thực hiện các mục tiêu công ích của Chính phủ, vì thế mạng 3G sẽ được triển khai đến những vùng mà mạng băng rộng hữu tuyến chưa đáp ứng được nhu cầu.

Các kế hoạch đầu tư nói trên cho thấy viễn cảnh của ngành viễn thông, tuy nhiên dịch vụ thoại vẫn “thống trị” cho đến khi 3G “lớn” được trên thị trường. Giai đoạn này ngắn hay dài phụ thuộc vào “điểm gặp” của nhà cung cấp và cộng đồng. Kinh nghiệm ở thị trường quốc tế cho thấy, nhiều thị trường đã quảng bá 3G như một dịch vụ có tính phổ biến, cao cấp nhưng rốt cuộc khách hàng đã “bị phản bội” vì nhiều khu vực không được phủ sóng hoặc có nơi mật độ phủ sóng cao nhưng dịch vụ không tạo được sự khác biệt. Hoặc các dịch vụ được kỳ vọng như truyền hình di động vốn thành công ở nhiều thị trường nhưng không ít nhà khai thác vẫn bị thất bại.

Theo khuyến cáo của ông Masatoshi Suzuki, Phó chủ tịch NTT DoCoMo, ngành kinh doanh viễn thông đang phát triển nhưng môi trường thay đổi nhanh chóng. Các nhà cung cấp chỉ thành công khi vừa khai thác vừa phải nắm bắt được xu hướng vận động của thị trường để đưa ra các dịch vụ và thiết bị phù hợp.

Theo ông Kim Kyung Tai, Phó chủ tịch SK Telecom Vietnam, để tránh lãng phí khi triển khai 3G từ hạ tầng mạng 2G, các doanh nghiệp cần có lộ trình phù hợp với nhu cầu của người dùng. “Mạng viễn thông vốn có sự khác biệt, cộng đồng ứng dụng là trung tâm của các dịch vụ và quyết định sự thành công của nhà khai thác”, Kim Kyung Tai chia sẻ.

Một thách thức của các nhà mạng hiện nay là tần số sẽ bị chia nhỏ do có đến sáu nhà cung cấp dịch vụ khai thác băng tần 2.100 Mhz. Bên cạnh đó, việc các doanh nghiệp phải đầu tư trùng lặp cho cùng một dải tần và các dịch vụ có thể dẫn đến lãng phí.

Khi thị trường bị phân tán sẽ khó có được nhà khai thác đủ lớn và vượt trội để làm đối tác ngang hàng với các nhà khai thác khác của thế giới. Theo ông Diệp, thực tế tại nhiều thị trường cho thấy một số nhà khai thác phải thua cuộc, bị đóng cửa hay sáp nhập, nhưng không tận dụng được hệ thống đã đầu tư, dẫn đến lãng phí, mà suy cho cùng là lãng phí tài nguyên chung của quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ vừa cho phép Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện Việt Nam (VTC) – công ty 100% vốn nhà nước trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông – thử nghiệm cung cấp dịch vụ thông tin di động không sử dụng tần số. Trước khi được Chính phủ chấp thuận, VTC phải đạt được thỏa thuận sử dụng chung mạng vô tuyến với nhà khai thác mạng khác và được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép.

Như vậy VTC là nhà cung cấp dịch vụ di động thứ tám được phép hoạt động tại Việt Nam. Gần đây Công ty cổ phần Viễn thông Đông Dương (Indochina Telecom) cũng xin phép cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam. Nếu được cấp phép, đây sẽ là nhà khai thác di động thứ chín.

Một trong những cam kết trong tự do hóa viễn thông theo WTO là không hạn chế về số lượng doanh nghiệp trên thị trường, tuy nhiên việc cấp phép phụ thuộc vào tài nguyên băng tần và kho số. Hiện tại băng tần 2G đã cạn trong khi 3G đã có chủ nên các nhà khai thác di động mới có thể hợp tác với doanh nghiệp khác để khai thác hoặc thiết lập mạng theo giải pháp di động ảo. Vậy các mạng mới nếu được cấp phép sẽ làm vệ tinh xoay quanh các nhà cung cấp hạ tầng hiện có, hay liệu 3G cũng sẽ được khai thác ở băng tần khác ngoài 2.100Mhz và 800Mhz hiện nay?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới