Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thức ăn chăn nuôi kêu trời vì …một cái thông tư!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thức ăn chăn nuôi kêu trời vì ...một cái thông tư!

Châu Giang

Thức ăn chăn nuôi kêu trời vì ...một cái thông tư!
Tranh cãi đang nổ ra trong việc xác định mặt hàng ngô (bắp) nhập khẩu có phải chịu thuế GTGT hay không. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG Online) - Hiệp hội thức ăn chăn nuôi "kêu trời" vì mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) do một số cục hải quan áp trên hàng vạn tấn bắp và lúa mì nhập khẩu do có sự hiểu lầm về hai khái niệm “thức ăn chăn nuôi” và “nguyên liệu thức ăn chăn nuôi”.

>> Vì câu chữ, DN cao su bị treo tiền hoàn thuế

>> Doanh nghiệp mới thành lập gặp khó vì thuế GTGT

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, điểm xuất phát của những “hiểu lầm” này là từ những mâu thuẫn trong Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31-12-2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế GTGT và Nghị định 209/2013/NĐ-CP ngày 18-12-2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế GTGT.

Cụ thể, theo khoản 1, điều 4, Thông tư 219 thì “sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu” không phải chịu thuế GTGT. Điều này đồng nghĩa, sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi như ngô, lúa mì… nhập khẩu không phải chịu thuế.

Khoản 5, điều 5 của Thông tư trên cũng ghi rõ các trường hợp không phải kê khai tính nộp thuế GTGT gồm: “Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Trên hóa đơn GTGT, ghi dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ”.

Như vậy, theo Hiệp hội thức ăn chăn nuôi, với những quy định trên thì rõ ràng bắp và lúa mì không chịu thuế GTGT.

Tuy nhiên, cũng trong Thông tư 219, tại điều 10, Bộ Tài chính quy định các trường hợp, sản phẩm áp thuế suất thuế GTGT 5% bao gồm: “Thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác theo quy định của pháp luật về quản lý thức ăn chăn nuôi, bao gồm các loại đã qua chế biến hoặc chưa chế biến như cám, bã, khô dầu các loại, bột cá, bột xương, bột tôm và các loại thức ăn khác dùng cho gia súc, gia cầm và vật nuôi” (khoản 3) và “Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế, bảo quản ở khâu kinh doanh thương mại, trừ các trường hợp hướng dẫn tại khoản 5, điều 5 của thông tư này. Sản phẩm trồng trọt chưa qua chế biến hướng dẫn tại khoản này bao gồm cả thóc, gạo, ngô, khoai, sắn, lúa mì” (khoản 5). 

Từ những lắt léo trong các điều khoản trên của cùng một thông tư mà doanh nghiệp chịu nhiều hệ lụy. Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, tại công văn số 2713/TCHQ-TXNK ngày 17-3-2014 của Tổng cục Hải quan, cơ quan hải quan đã viện lý do chờ xin ý kiến các bộ về thuế GTGT và đã áp dụng khoản 3, điều 10 của thông tư 219, ép các doanh nghiệp nhập khẩu bắp và lúa mì nộp thuế GTGT.

Cụ thể là tại Cục Hải quan các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương… doanh nghiệp phải nộp thuế GTGT cho hàng vạn tấn bắp và lúa mì nhập khẩu mới được giải phóng hàng.

Một số doanh nghiệp hiện rơi vào tình huống khó xử bởi theo Luật Hải quan, sau khi nhận được thông báo 7 ngày, nếu không nộp thuế sẽ bị phạt và chuyến tàu sau sẽ không cho thông quan.

Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho rằng, đây không phải lần đầu tiên Bộ Tài chính có sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm “thức ăn chăn nuôi” và “nguyên liệu thức ăn chăn nuôi” và gây ra những tác động đáng tiếc đến hoạt động của doanh nghiệp.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới