Thứ Tư, 1/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nghĩ khác về hướng nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nghĩ khác về hướng nghiệp

Thùy Ngân

(TBKTSG) – Bài viết Ngộ nhận về hướng nghiệp của tác giả Huỳnh thế Du trên TBKTSG số 10 ra ngày 6-3-2014 có nhiều ý kiến khá hay và mới về chuyện hướng nghiệp. Đã đến lúc nên nghĩ khác, làm khác.

Số lượng học sinh bước vào giáo dục bậc cao của Việt Nam là nhiều hay ít? Theo tác giả bài báo kể trên, thống kê của Ngân hàng Thế giới năm 2012 cho thấy con số này chỉ bằng 24,6% số học sinh tốt nghiệp THPT, thấp hơn hầu hết ở các nước trong khu vực. Do vậy, theo tác giả, vấn đề của Việt Nam hiện nay là cần nâng tỷ lệ nêu trên ở mức cao nhất có thể, chứ không phải loay hoay trong việc định hướng nghề nghiệp.

Đồng ý và xin cung cấp một con số khác có thể minh họa cho nhận định của tác giả là tỷ lệ sinh viên/vạn dân hiện nay của Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước, chỉ khoảng 220 sinh viên/vạn dân (dự kiến đến năm 2020 là 256).

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý vấn đề: khi đặt trong cơ cấu các bậc học thì đại học luôn vượt trội. Trong kỳ tuyển sinh 2013, 79% thí sinh nộp hồ sơ đăng ký thi đại học trong khi chỉ 21% vào cao đẳng. Thế thì đừng nói đến bậc trung học chuyên nghiệp. Một thống kê của Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề cho thấy tỷ lệ giữa các bậc học đại học – trung cấp – dạy nghề ở Việt Nam ngày càng bất hợp lý. Nếu năm 1979 tỷ lệ trên lần lượt là 1-2,25-7,1 thì năm 2006 là 1-1,17-0,9, đến năm 2012 là 1-0,43-0,56. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nước công nghiệp là 1-4-60.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2013 Việt Nam có trên 1 triệu người trong độ tuổi 15 trở lên thất nghiệp, trong đó nhóm tuổi 24-25 chiếm tỷ lệ 48%, số lượng sinh viên có bằng đại học ở độ tuổi 21-29 khoảng 100.000 người.

Sinh viên đại học ra trường không có việc làm phù hợp khiến họ chấp nhận làm những công việc vốn là của người học cao đẳng hoặc trung cấp. Thậm chí, họ chấp nhận làm công nhân. Điều này khiến những người có bằng cấp thấp hơn có nhiều nguy cơ không có việc làm. Thế là bằng cách gì mọi người cũng phải đổ xô vào đại học. Thực tế số đậu vào đại học, cao đẳng khoảng 60% nhưng những người thi rớt cũng không vào học nghề.

Để giải quyết tình trạng nói nôm na là thầy (thừa) nhưng chưa đạt trình độ thầy mà thợ thì thiếu, mọi người nghĩ đến chính sách phân luồng, hướng nghiệp học sinh ngay từ sau trung học cơ sở.
Điều này là cần thiết. Tuy nhiên, nếu vẫn cứ cách nghĩ và cách làm như hiện nay thì sẽ không bao giờ đạt chỉ tiêu 30% học sinh sau trung học cơ sở học nghề như đã đề ra (hiện tại con số này khoảng 2%). Không thể máy móc bằng mọi cách đẩy học sinh vào học nghề.

Qua báo chí, có thể thấy số học sinh bỏ học từ bậc trung học cơ sở trở lên ngày càng tăng, đặc biệt ở nông thôn. Phần lớn do không đủ sức theo học và phải phụ giúp gia đình làm kinh tế. Đối với những học sinh này, tìm cách cho các em trở lại trường sẽ là cách làm “bắt cóc bỏ dĩa”. Thay vì thế hãy phân luồng những học sinh này theo hướng nghề một cách tự nguyện. Nghĩa là dạy họ kiến thức nghề, những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống mà người lao động cần có.

Ngoài ra, việc phân luồng chỉ thực hiện được khi có những chính sách đồng bộ. Phải buộc các trường đại học nâng cao chất lượng và có sự phân tầng trong giáo dục đại học. Nếu cứ để các trường đại học, cao đẳng đào tạo trung học chuyên nghiệp thì không bao giờ các trường trung học chuyên nghiệp và trường nghề tuyển sinh được. Quy chế liên thông mà Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu thực hiện trong năm 2013 đã cho thấy thí sinh không muốn dự thi cao đẳng. Các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp sẽ còn khốn khó nếu năm nay bộ bỏ luôn điểm sàn để cho nhiều trường đại học xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới