Thứ Ba, 30/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ngành tư pháp ASEAN tìm tiếng nói chung

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Ngành tư pháp ASEAN tìm tiếng nói chung

Đá Bàn

Ngành tư pháp ASEAN tìm tiếng nói chung
Toàn cảnh Hội nghị Chánh án ASEAN lần 4 tại TPHCM Ảnh: Đá Bàn

(TBKTSG Online) – Tại TPHCM, chánh án tòa tối cao các nước ASEAN ngày hôm nay, 1-4, đã cùng thảo luận về câu chuyện hội nhập qua việc tìm kiếm cơ chế tống đạt giấy tờ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, thương mại giữa các nước và xây dựng Cổng thông tin điện tử tòa án ASEAN.

Hội nghị Chánh án các nước ASEAN lần thứ 4, diễn ra sáng nay, 1-4, tại Dinh Thống Nhất, là hội nghị thường niên và do Tòa án tối cao các nước ASEAN luân phiên đăng cai tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy sự hợp tác gắn kết và hiểu biết lẫn nhau giữa tòa án các nước ASEAN, tạo ra một diễn đàn cho Chánh án các nước ASEAN thảo luận, trao đổi về các vấn đề tư pháp mà Tòa án các nước cùng quan tâm.

Ba cái “bắt tay” đầu tiên…

Bà Lourdes Sereno, Chánh án Tòa án tối cao Philippines (nước chủ nhà Hội nghị Chánh án các nước ASEAN lần 3), cho biết, qua ba hội nghị, đến nay Hội nghị Chánh án ASEAN đã phê chuẩn và đang thực hiện việc xây dựng Cổng thông tin điện tử tòa án các nước ASEAN; xây dựng cơ chế tống đạt giấy tờ tư pháp trong tố tụng dân sự, thương mại giữa các nước ASEAN; và đào tạo tư pháp.

Hiện việc xây dựng Cổng thông tin điện tử tòa án các nước ASEAN đang được Tòa án tối cao Singapore triển khai, hoàn thiện. Theo Thẩm phán Lee Seiu Kin từ Tòa tối cao Singapore, thông qua Bộ Ngoại giao nước này, phía Singapore đã tiếp cận với Na Uy để tìm nguồn tài trợ trong việc xây dựng trang web. Ông cho biết, Na Uy đã sẵn lòng tài trợ và họ mong muốn nhanh chóng đăng tải văn bản pháp luật các nước thành viên ASEAN lên trang web (có thể bằng ngôn ngữ quốc gia tương ứng trước, rồi từ từ dịch sang tiếng Anh sau).

Tại hội nghị, các nước thành viên ASEAN đã đồng thuận để cho Singapore và tiểu ban về Cổng thông tin điện tử Tòa án ASEAN quản lý dự án này (Cổng thông tin điện tử); đồng thời phía Singapore cũng cho biết họ tự lo chi phí quản lý, chưa cần đến sự đóng góp của các nước thành viên khác. Tuy nhiên, một số nước không phải nước nói tiếng Anh như Việt Nam, Campuchia, Lào… mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các nước trong khối (như Singapore, Malaysia) trong việc chuyển ngữ các văn bản pháp luật từ tiếng Việt, tiếng Campuchia… sang tiếng Anh để đưa lên Cổng thông tin điện tử Tòa án ASEAN.

Cổng thông tin điện tử Tòa án ASEAN sẽ cung cấp, minh bạch thông tin pháp luật các nước ASEAN, qua đó, củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện hợp tác kinh tế và tư pháp nội khối. Mặt khác, cổng thông tin này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các thẩm phán, luật sư các nước có thể dễ dàng tra cứu, tìm hiểu pháp luật các nước, nhằm giải quyết tốt các tranh chấp có liên quan đến các nước thành viên.

Đối với đào tạo tư pháp, tại hội nghị, Chánh án Tòa án tối cao Indonesia cho biết Indonesia đã phối hợp với Hội luật gia ASEAN (ALA) tổ chức chương trình đào tạo thẩm phán tại nước này. Và, ông đề xuất rằng, (i) đào tạo cần tổ chức luân chuyển trong khu vực; (ii) chủ đề chương trình đào tạo phải được xác định và thiết kế bởi Ủy ban quản lý dự án đào tạo (mỗi quốc gia thành viên phải cử người đại diện ở Ủy ban dự án, mỗi tháng phải họp một lần). Trong khi đó, Chánh án Tòa án tối cao Singapore cho biết nước này vừa thành lập Trường cao đẳng tư pháp để đại diện cho họ tham gia vào các dự án hợp tác đào tạo.

Việc tống đạt giấy tờ tư pháp trong nội khối cũng được các nước ASEAN quan tâm đặc biệt. Việc hướng đến một Điều ước hay thỏa thuận đa phương, nhằm thống nhất một cơ chế chung, đảm bảo hiệu quả hoạt động tống đạt giấy tờ tư pháp trong lĩnh vực dân sự là xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều nước trên thế giới đã tham gia Công ước La Hay 1965 về “Tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại”.

Vì hiện nay tất cả các quốc gia thành viên ASEAN đều chưa tham gia Công ước La Hay 1965, nên các chánh án đều hướng đến xây dựng một hiệp định hoặc thỏa thuận chung về tống đạt giấy tờ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, dựa trên mô hình của Công ước La Hay 1965. Mục đích của thỏa thuận là tạo cơ chế đơn giản, nhanh gọn cho tòa án các nước nội khối thực hiện việc tống đạt giấy tờ sang các nước thành viên khác, qua đó giúp các tòa án giải quyết, xử lý các vụ án nhanh chóng, hiệu quả.

Hội nhập tư pháp thúc đẩy ASEAN phát triển

Tại Hội nghị lần thứ 4 này, Chánh án các nước ASEAN thống nhất việc thể chế hóa Hội nghị Chánh án ASEAN, đưa hội nghị Chánh án ASEAN ngang tầm với Hội nghị của người đứng đầu cơ quan lập pháp, hành pháp của các nước trong khu vực.

Hội nghị cũng thảo luận nhiều về hội nhập nhằm chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực cải cách pháp luật và tư pháp, cùng nhau tìm ra những chuẩn mực chung của khu vực, làm hài hòa pháp luật và thực tiễn tư pháp của các nước cho phù hợp với các chuẩn mực chung đó.

Theo Chánh án Tòa án tối cao Việt Nam, ông Trương Hòa Bình, với mong muốn xây dựng một cộng đồng ASEAN hoạt động trên các nguyên tắc chung, vì lợi ích của người dân – người dân được thụ hưởng những thành quả từ việc hội nhập khu vực ASEAN – sự hợp tác của Tòa án các nước ASEAN là một kênh hợp tác đa phương, hữu hiệu để hiện thực hóa các mục tiêu chung của Cộng đồng ASEAN và của Tòa án các nước ASEAN nói triêng.

Được biết, tuyên bố Kuala Lumpur được lãnh đạo các nước ASEAN ký tháng 11-2015 vừa  qua đã nhấn mạnh nội dung cam kết trong các tuyên bố trước đây, xác định phương hướng tương lai cho một ASEAN là: “Gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, có trách nhiệm xã hội, dựa trên luật lệ, thực sự hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm”.

Theo đó, cùng với ba trụ cột chính hình thành Cộng đồng ASEAN là chính trị – an ninh, kinh tế, và văn hóa xã hội, thì pháp luật được coi là yếu tố góp phần tạo nên một Cộng đồng ASEAN “thống nhất trong đa dạng”.

Trong phát biểu của mình, bà Chánh án Philippines nhấn mạnh những lợi ích chung hàng đầu hiện nay giữa các quốc gia thành viên, đó là việc cải thiện môi trường cho các mục tiêu kinh tế và chính trị ASEAN. Bà nói: “Các tòa án ASEAN phải tiếp tục bảo đảm tuân thủ nguyên tắc pháp quyền đã được quy định trong các hiệp định khác nhau và tăng cường mối quan hệ giữa các tòa án”.

Xem thêm:

Kết thúc chương trình đối tác tư pháp Việt Nam – châu Âu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới