Thứ Ba, 30/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Khối nợ khổng lồ của các địa phương đe dọa kinh tế Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Khối nợ khổng lồ của các địa phương đe dọa kinh tế Trung Quốc

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Khối nợ lên đến hàng ngàn tỉ đô la Mỹ của nhiều chính quyền địa phương tại Trung Quốc đang đe dọa hệ thống tài chính cũng như kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tiêu biểu như khoản nợ của thành phố Nhữ Châu, Hà Nam.

Khối nợ khổng lồ của các địa phương đe dọa kinh tế Trung Quốc
Khu phức hợp thể thao ở thành phố Nhữ Châu đã được chuyển đổi thành trung tâm thương mại điện tử và dữ liệu lớn nhưng phần lớn vẫn để trống vì không có ai thuê. Ảnh: New York Times

Thiếu tiền, chính quyền yêu cầu y bác sĩ mua trái phiếu

Khi chính quyền thành phố Nhữ Châu cần vốn để xây dựng một bệnh viện mới, lãnh đạo thành phố yêu cầu đội ngũ y bác sĩ địa phương góp vốn đầu tư theo hình thức mua trái phiếu chuyển đổi (trái phiếu có lãi suất cố định tương đối thấp nhưng có thể chuyển thành cổ phiếu thường vào một thời điểm được xác định trước trong tương lai).

Theo đó, một số bệnh viện đã yêu cầu các nhân viên phải mua trái phiếu theo định mức. Họ được hướng dẫn đến các ngân hàng vay rồi mua trái phiếu nếu họ không có tiền sẵn.

Chẳng hạn, các bác sĩ và y tá ở Bệnh viện y học cổ truyền Nhữ Châu bị yêu cầu phải mua trái phiếu chuyển đổi có trị giá 14.000-28.000 đô la; trong khi đó tại Bệnh viện nhi và phụ sản Nhữ Châu là 8.500-14.000 đô la.

Nhữ Châu, nơi có một triệu dân sinh sống, đang cõng khối nợ lớn và không thể vay thêm từ các ngân hàng nên phải thiết kế các hình thức để huy động vốn. Câu chuyện nợ của thành phố này là biểu hiện rõ nét nhất của tình trạng nợ nần hàng ngàn tỉ đô la của các chính quyền địa phương, được ví như "quả bom" chực chờ đe dọa nền kinh tế nước này.

Từ lâu, các quan chức chính quyền địa phương ở Trung Quốc dựa vào các gói chi tiêu lớn để duy trì tăng trưởng cho nền kinh tế. Nhữ Châu có hàng loạt các dự án tốn kém gây lãng phí bao gồm một khu phức hợp thể thao mà nay đã được cải tạo thành một trung tâm thương mại điện tử và dữ liệu, nhưng phần lớn vẫn còn bỏ trống vì chưa có ai thuê. Một dự án cải tạo khu nhà ổ chuột khởi động cách đây 4 năm để giúp những người dân nông thôn có những ngôi nhà mới. Nhưng dự án này đang đình trệ vì thiếu tiền.

Trước đây, khi Bắc Kinh nhấn mạnh tầm quan trọng của các vận động viên, chính quyền Nhữ Châu quyết định xây khu phức hợp thể thao trên bao gồm một sân vận động hơn 15.000 chỗ ngồi, một sân bóng rổ trong nhà và một trung tâm hội nghị với hội trường bắt chước phong cách của Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh.

Khi phát triển công nghệ trở thành một ưu tiên đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhữ Châu liền chuyển đổi khu phức hợp thể thao này thành trung tâm thương mại điện tử và dữ liệu lớn.

Để có tiền rót vào các dự án, họ phải dựa vào các nguồn vốn phân bổ từ chính quyền trung ương và từ các cuộc bán đấu giá đất đai cho các nhà phát triển bất động sản. Tuy nhiên, các nguồn vốn này ít khi phục vụ đủ nhu cầu và tham vọng của họ.

Để vay nhiều tiền hơn, nhiều chính quyền địa phương đã thành lập các công ty tài chính hoạt động giống hình thức một quỹ đầu tư để giúp họ huy động vốn cho các dự án hạ tầng lớn mà không cần phải ghi nhận nợ công khai.

Nguy cơ gây đổ vỡ hệ thống tài chính

Vào năm 2008, khi chính phủ Trung Quốc tung gói kích thích kinh tế 586 tỉ đô la để ứng phó tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các ngân hàng nhà nước đồng loạt "mở van" cho vay và tiền vay ồ ạt chảy vào các công ty tài chính như vậy.

Sau đó, Bắc Kinh buộc phải thay đổi chính sách. Cách đây hai năm, Trung Quốc lo lắng về khoản nợ chìm nên đã yêu cầu các chính quyền địa phương phải “dọn dẹp” chúng. Đồng thời, Bắc Kinh cũng kiểm soát chặt hơn các hoạt động cho vay ở hệ thống ngân hàng nhà nước.

Các chính quyền địa phương như Nhữ Châu buộc phải tìm đến các ngân hàng tư nhân, vay các khoản tiền với mức lãi suất cao để tài trợ vốn cho các dự án công bao gồm các bệnh viện. Chính quyền thành phố này đã vay hàng chục triệu đô la từ các ngân hàng tư nhân và giờ đây không thể trả nổi.

Bắt đầu vào cuối năm ngoái, 3 ngân hàng tư nhân tiến hành khởi kiện ba bệnh viện ở Nhữ Châu, Quỹ đầu tư văn hóa Nhữ Châu và hai quỹ đầu tư khác của chính quyền với cáo buộc họ không trả các khoản nợ trị giá 45 triệu đô la.

Hồi tháng 8, Quỹ đầu tư văn hóa Nhữ Châu và Bệnh viện y học cổ truyền Trung Quốc ở Nhữ Châu đã bị đưa vào danh sách đen của quốc gia để hạn chế họ vay thêm hay thiết kế các thương vụ đầu tư khác.

Sau khi các bệnh viện bị kiện, các quan chức chính quyền Nhữ Châu yêu cầu đội ngũ y bác sĩ mua trái phiếu chuyển đổi.

Các khoản nợ “chìm” của các chính quyền địa phương như Nhữ Châu là thách thức lớn đối với Trung Quốc. Hệ thống tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể gãy đổ nếu các khối nợ gây ra phản ứng dây chuyền, lan sang các khu vực khác của đất nước và tác động đến cuộc sống của người dân.

Nợ nần lớn ở các chính quyền địa phương cũng có thể khiến Bắc Kinh không dám đẩy mạnh cho vay để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Không ai biết chắc khối nợ của các địa phương ở Trung Quốc lớn đến mức nào. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho biết tổng nợ của các chính quyền địa phương vào khoảng 2.500 tỉ đô la. Trong khi đó, Vincent Zhu, nhà phân tích từ Công ty nghiên cứu Rhodium Group, cho rằng con số này có thể lên đến hơn 8.000 tỉ đô la.

“Hãy tưởng tượng nền kinh tế Trung Quốc giống như con tàu Titanic và khối nợ của các địa phương giống như các container hàng hóa chất đầy trên boong của nó. Giờ đây, có quá nhiều containter đang chất cao trên con tàu này”, Zhu nói.

Theo New York Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới