(KTSG Online) – Các doanh nghiệp nội dung số cho biết họ mong muốn được Chính phủ hỗ trợ khó khăn khi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Thông điệp trên được các doanh nghiệp đưa ra tại tọa đàm “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số” được tổ chức ngày 28-9.
- Sconnect Việt Nam kiện chủ sở hữu Peppa Pig ra tòa vì liên quan đến bản quyền
- Nhà làm phim Wolfoo Việt Nam tiếp tục khởi kiện nhà làm phim Peppa của Anh
- Sconnect gửi đơn đến 4 Bộ nhờ bảo vệ trong vụ việc với chủ sở hữu Peppa Pig
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Tổng giám đốc Ant Group - công ty vận hành 500 kênh YouTube và các nền tảng khác, cho biết các công ty sản xuất nội dung số đã làm ra những sản phẩm tốt, kiếm tiền từ nước ngoài về nhưng gặp khó khăn khi xuất khẩu, như bị tranh chấp bản quyền, bị cạnh tranh bởi những doanh nghiệp mạnh có tiềm lực ở nước ngoài..., thì không biết dựa vào đâu. Ông nói các doanh nghiệp khởi nghiệp rất mong muốn được sự đồng hành của các cơ quan nhà nước khi đi ra nước ngoài.
Ant Group là doanh nghiệp chuyên sản xuất âm nhạc. Trong hoạt động kinh doanh trực tuyến có gặp vấn đề tại Mỹ - khi Ant Group tranh chấp với các đơn vị khác trên YouTube, cần giấy tờ xác minh và hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước. Do đó, doanh nghiệp này mong muốn cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp vấn đề giấy phép và pháp lý khi kinh doanh tại nước ngoài.
Ông Tạ Mạnh Hoàng, Giám đốc điều hành Công ty Sconnect, cho biết khi công ty này kinh doanh tại nước ngoài đã gặp phải cạnh tranh không lành mạnh. Sconnect đã khởi kiện 2 doanh nghiệp của Anh ra tòa án Hà Nội về vi phạm sở hữu trí tuệ và quyền tác giả. Hiện 2 vụ khởi kiện đang được tòa án Hà Nội thụ lý (KTSG Online có đưa tin về sự việc, có link dẫn kèm bài).
Qua sự việc trên, ông Hoàng kiến nghị Nhà nước cần hoàn thiện sớm các quy định của pháp luật, cơ chế áp dụng pháp luật phù hợp với nền kinh tế số và có hiệu lực áp dụng với cả các chủ thể nước ngoài. Tăng cường hợp tác quốc tế, ký kết các hiệp ước tương trợ pháp lý với các quốc gia khác để đảm bảo giá trị pháp lý của các quy định pháp luật Việt Nam có giá trị toàn cầu.
Ông Hoàng cũng cho rằng việc ký kết các hiệp ước song phương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển tại các thị trường quốc tế. Chẳng hạn, tại Mỹ doanh thu của doanh nghiệp công nghệ số bị giữ lại tới 21% do khoản thuế quốc gia.
Theo ông Hoàng, hiện Việt Nam có khoảng 700.000 doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế số. Hành lang pháp lý đã có nhưng thực tế rất khó áp dụng cho các nền tảng xuyên biên giới cung cấp dịch vụ qua mạng internet. Thiếu các công cụ hữu hiệu để chống độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ các doanh nghiệp Việt Nam trên không gian mạng...
Ông Trần Lê Hồng, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cho hay quyền sở hữu trí tuệ có tính chất lãnh thổ bởi nó sáng tạo ở Việt Nam thì nó chỉ được bảo vệ ở Việt Nam. Khi nói đến yêu cầu xử lý thì ở mỗi quốc gia sẽ được bảo vệ theo pháp luật ở quốc gia hiện hành.
Nhãn hiệu là một trong những đối tượng bị xâm phạm nhiều trên internet và thương mại điện tử. Trong bối cảnh kinh doanh xuyên quốc gia, doanh nghiệp phải xác định việc đăng ký ra nước ngoài là vô cùng quan trọng trong việc xây kinh doanh và cần có chiến lược để bảo vệ nhãn hiệu của mình tại các thị trường đó.
Theo Sách trắng "Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam 2021", từ 2.700 doanh nghiệp nội dung số vào năm 2016 đã tăng lên gần 4.200 vào năm 2020. Doanh thu ngành công nghiệp nội dung số cũng tăng từ 739 triệu đô la Mỹ năm 2016 lên 888 triệu đô la Mỹ năm 2020. Trong đó riêng sản phẩm nội dung số được xuất khẩu ra nước ngoài đạt doanh thu 710 triệu đô la Mỹ vào năm 2020.Trong lĩnh vực giải trí trực tuyến, một số doanh nghiệp nội dung số Việt Nam đã có những sản phẩm nằm trong top đầu khi cung cấp ra thị trường nước ngoài như các trò chơi Flappy Bird và Axie Infinity hay phim hoạt hình Wolfoo…