(KTSG Online) - Mới đây, Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15-8-2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
- Dự báo xuất khẩu gạo năm 2022 vượt 6,5 triệu tấn, mức giá cao hơn Thái Lan, Ấn Độ
- Bộ Công Thương lập đoàn kiểm tra nhập khẩu gạo giá rẻ từ Ấn Độ
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam xuất khẩu 6-6,5 triệu tấn gạo/năm. Tuy nhiên, thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2021, tổng lượng gạo nhập khẩu của Việt Nam khoảng 1 triệu tấn. Gạo nhập khẩu chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh như làm bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu... Tuy nhiên, điều này làm tăng sự cạnh tranh với sản phẩm trong nước, tác động đến đời sống của người sản xuất.
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15-8-2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo TTXVN đưa tin, tại dự thảo sửa đổi nghị định 107, Bộ Công Thương đã bổ sung quy định về quản lý nhập khẩu gạo. Cụ thể, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ áp dụng biện pháp quản lý nhập khẩu.
Tổng cục Hải quan thực hiện thống kê, cập nhật tình hình nhập khẩu gạo và gửi Bộ Công Thương. Các thống kê thực hiện theo định kỳ tháng, quý, năm hoặc đột xuất theo yêu cầu. Trường hợp lượng gạo nhập khẩu tăng cao, Tổng cục Hải quan cần báo cáo chi tiết với Bộ Công Thương các nội dung về số lượng, trị giá, chủng loại, thị trường, khách hàng xuất khẩu, thương nhân nhập khẩu, cửa khẩu nhập khẩu và đề xuất biện pháp quản lý phù hợp...
Dự thảo sửa đổi nghị định 107 này tập trung vào tám vấn đề. Mục đích là để hoàn thiện khung pháp lý đủ mạnh để khắc phục các tồn tại, bất cập phát sinh, định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo mục tiêu xuất khẩu bền vững.
Trong đó, một số bất cập mà Bộ Công Thương nêu lên như ở khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 24 quy định thương nhân thực hiện báo cáo định kỳ quý, năm về tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo, thực tế tồn kho. Thực tế, nhiều thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo không thực hiện theo yêu cầu hoặc có báo cáo nhưng không đầy đủ, không phân biệt giữa doanh nghiệp báo cáo và doanh nghiệp không báo cáo. Vì vậy, quy định của Nghị định 107/2018/NĐ-CP khó có thể coi là “chế tài”.
Cùng với đó, tại Điều 5 quy định Sở Công Thương địa phương cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đơn vị liên quan tổ chức hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay, xát thóc, gạo của thương nhân sau khi được cấp giấy chứng nhận. Nhưng thực tế bộc lộ việc chậm tiến hành hậu kiểm; việc duy trì điều kiện kinh doanh của các thương nhân còn chưa được quan tâm, nhất là về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy.