Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nạn trộm cắp làm sứt mẻ lợi nhuận của các nhà bán lẻ Mỹ

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nạn trộm cắp hàng hóa, với giá trị lên đến hàng chục tỉ đô la Mỹ mỗi năm, đã làm giảm một lợi thế rõ ràng của các nhà bán lẻ Mỹ đang vận hành các chuỗi cửa hàng và siêu thị trước các đối thủ thương mại điện tử, đó là cho phép khách hàng chạm vào sản phẩm để trải nghiệm trước khi mua.

Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) ước tính rằng hao hụt hàng tồn kho, chủ yếu là do trộm cắp, chiếm khoảng 1,4% doanh thu bán lẻ của Mỹ vào năm 2021, tương đương khoảng 94,5 tỉ đô la Mỹ. Ảnh: WSJ

Không chỉ vậy, nạn ăn cắp tại cửa hàng, có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây, cũng làm sứt mẻ thu nhập đáng kể của các nhà bán lẻ vốn chỉ có biên lợi nhuận rất mỏng.

Lợi thế không thể chối cãi của bán lẻ truyền thống so với thương mại điện tử là người tiêu dùng có thể mua những gì họ muốn ngay lập tức và có thể chạm và cảm nhận sản phẩm trước khi mua. Song nạn trộm cắp gia tăng và các biện pháp ngăn chặn vấn đề này của các nhà bán lẻ có thể làm suy yếu lợi thế đó.

Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) ước tính rằng hao hụt hàng tồn kho (shrinkage), một thuật ngữ trong ngành đề cập đến tổn thất hàng tồn kho, chiếm khoảng 1,4% doanh thu bán lẻ của Mỹ vào năm 2021, tương đương khoảng 94,5 tỉ đô la Mỹ.

Có nhiều yếu tố dẫn đến sự hao hụt hàng tồn kho như hành vi trộm cắp của khách hàng, nhân viên, lỗi hành chính, gian lận của nhà cung cấp, hư hỏng sản phẩm... Tuy nhiên, trộm cắp của khách hàng và nhân viên chiếm phần lớn trong sự hao hụt đó.

Trong một cuộc phỏng vấn của CNBC vào đầu tháng này, Giám đốc điều hành Tập đoàn bán lẻ Walmart Doug McMillon nói rằng nếu vấn đề trộm cắp trong ngành bán lẻ không được giải quyết, giá cả hàng hóa sẽ tăng cao hơn hoặc một số các cửa hàng bị mất cắp nhiều sẽ phải đóng cửa.

Dù hao hụt hàng tồn kho là một vấn đề lâu năm của ngành bán lẻ, nhưng vấn đề này thực sự trở nên nổi cộm sau khi đại dịch Covid-19 ập đến. Theo dữ liệu từ NRF, trong 5 năm tính đến năm 2019, tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm đối với hao hụt hàng tồn kho ở Mỹ khoảng 7%. Nhưng trong năm 2020, tốc độ này đã lên đến 47% và tăng thêm 4% nữa trong năm 2021. Một số nhà bán lẻ, bao gồm cả Ulta Beauty và Target, ghi nhận tình trạng hao hụt hàng tồn kho đã trở nên tồi tệ hơn trong năm nay.

Scott Settersten, Giám đốc tài chính Ulta Beauty, công ty quản lý chuỗi cửa hàng mỹ phẩm, có trụ sở ở bang Illinois, nói: “Vào những thời điểm kinh tế khó khăn, vấn đề hao hụt hàng tồn kho sẽ nghiêm trọng hơn. Chúng tôi đã thấy điều đó trong lĩnh vực bán lẻ trong một thời gian dài”.

Target, nhà bán lẻ lớn thứ 7 của Mỹ, dự báo hao hụt hàng tồn kho, bao gồm cả hành vi trộm cắp, sẽ làm mất 600 triệu đô la Mỹ lợi nhuận gộp của công ty trong năm tài chính hiện tại. Ảnh minh họa: Getty

Các nhà bán lẻ được NRF khảo sát cho biết đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng nạn ăn cắp tại cửa hàng, một phần là do tình trạng thiếu lao động gây khó khăn cho nỗ lực bố trí đầy đủ nhân viên. Hơn nữa, tình trạng thiếu hụt trong chuỗi cung ứng khiến một số sản phẩm có nguy cơ bị bị ăn cắp cao hơn vì chúng có giá trị cao hơn nếu được bán lại, theo Mark Mathews, Phó chủ tịch phụ trách phát triển nghiên cứu và phân tích bán lẻ tại NRF.

Hao hụt hàng tồn kho có thể có tác động đáng kể đến biên lợi nhuận bán lẻ vốn đã mỏng. Target, nhà bán lẻ lớn thứ 7 của Mỹ, cho biết vấn đề hao hụt hàng tồn kho, bao gồm cả hành vi trộm cắp, đã làm giảm hơn 400 triệu đô la Mỹ lợi nhuận gộp của công ty này trong ba quí đầu tiên của năm tài chính 2022-2023 so với một năm trước đó.

Con số này có thể lên đến 600 triệu đô la Mỹ nếu tính cả năm tài chính hiện tại. Trong cuộc họp báo về kết quả kinh doanh trong tháng 11, chuỗi cửa hàng giảm giá Dollar Tree cho biết, trong quí gần đây nhất, áp lực chi phí do lạm phát và hao hụt hàng tồn kho đã làm giảm 1 điểm phần trăm biên lợi nhuận hoạt động tại các cửa hàng thương hiệu Dollar Tree và 1,7 điểm phần trăm tại các cửa hàng thương hiệu Family Dollar. Mức tổn thất đó là đáng kể vì biên lợi nhuận hoạt động hợp nhất của Dollar Tree chỉ ở mức 5,5% trong quí vừa rồi.

Giám đốc tài chính James Kehoe của Walgreens Boots Alliance, công ty điều hành các chuỗi cửa hàng thuốc tây ở Mỹ, cho biết hao hụt hàng tồn kho có thể chiếm đến 3,25% doanh thu của công ty trong năm tài chính hiện tại, cao hơn mức trung bình chỉ hơn 2% trong lịch sử.

Các biện pháp nhằm giảm thiểu vấn đề trộm cắp bao gồm biện pháp cơ bản nhất, như khóa các sản phẩm trong tủ kính cho đến những biện pháp tinh vi hơn về mặt công nghệ, như giám sát video với tính năng nhận dạng khuôn mặt đều đã đươc áp dụng.

Có một số biện pháp được thiết kế để làm cho sản phẩm ít có giá trị hơn đối với hành vi trộm cắp. Chúng bao gồm thẻ mực (ink tags) làm ố quần áo nếu bị gỡ ra hoặc các sản phẩm phải được nhân viên thu ngân kích hoạt để lấy ra xem.

Các biện pháp tinh tế hơn bao gồm đặt các mặt hàng có giá trị cao nằm cách xa lối vào hoặc bố trí nhân viên đứng gần các sản phẩm đó.

Thương mại điện tử có thể vô tình hưởng lợi từ những khó khăn trên của ngành bán lẻ trực tiếp. Việc phải triệu tập nhân viên để mở khóa từng mặt hàng sẽ làm giảm trải nghiệm mua sắm của khách tại các cửa hàng. Và cũng sẽ là điều phiền toái đối khách hàng nếu họ được yêu cầu phải quét mã QR (phản hồi nhanh) trước khi được phép thử các tai nghe tại các cửa hàng điện tử.

Đầu năm nay, Scott Mushkin, nhà phân tích của R5 Capital ,đã khuyến nghị bán cổ phiếu của chuỗi bán lẻ hàng điện tử Best Buy sau khi đến thăm hơn 35 cửa hàng của công ty này và nhận thấy rằng ở nhiều cửa hàng, các sản phẩm bị khóa hoặc bị loại bỏ khỏi mặt sàn.

Các nền tảng mua bán hàng trực tuyến như Amazon và eBay có thể là thị trường thứ cấp được nhiều kẻ trộm cắp lựa chọn để nhanh chóng chuyển đổi hàng hóa trộm cắp thành tiền mặt. Khoảng 95% nhà bán lẻ được NRF khảo sát cho biết họ đã tìm thấy thẻ quà tặng bị đánh cắp được bán trực tuyến.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới