Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Ngành chăn nuôi hy vọng vào những dấu hiệu tích cực

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo các chuyên gia phân tích tại Công ty CP Chứng khoán VNDirect, chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ giảm dần vào năm 2023, nhu cầu tiêu thụ tăng khi thu nhập của người tiêu dùng tăng và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến phục hồi dần trong năm 2023. Tất cả những yếu tố này đang tạo nên dấu hiệu tích cực cho ngành chăn nuôi.

Nhiều dấu hiệu tích cực cho doanh nghiệp chăn nuôi trong năm 2023 như nhu cầu tiêu thụ tăng, giá nguyên liệu giảm... Ảnh: dongnai.gov.vn

TTXVN đưa thông tin từ dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), mức tiêu thụ thịt heo bình quân đầu người đã giảm từ 31,4kg/người/năm vào năm 2018 (mức tiêu thụ bình quân trước đại dịch) xuống còn 26,8kg/người/năm vào năm 2022.

Dữ liệu này cho biết thêm, năm 2023, khả năng mức tiêu thụ thịt heo bình quân đầu người sẽ tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chuyên gia phân tích tại Công ty CP Chứng khoán VNDirect, năm 2023, khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất thịt heo sẽ giảm khi giá heo dự báo tăng 5%. Nhu cầu tiêu thụ thịt tăng khi thu nhập của người tiêu dùng tăng và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến phục hồi dần trong năm 2023.

Bên cạnh đó, giá ngũ cốc cũng có khả năng giảm khi các nước xuất khẩu tăng nguồn cung, hàng ngũ cốc của Ukraine được vận chuyển trở lại sau thỏa thuận chấm dứt phong tỏa.

Công ty CP Chứng khoán SSI nhận định, việc Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 sẽ là cơ hội cho hoạt động xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt trong năm 2023.

Mặc dù vậy, vẫn có những tín hiệu không mấy lạc quan cho hoạt động chăn nuôi. Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, dự báo nguồn cung thịt tương đối ổn định nhưng nhu cầu tiêu thụ sẽ giảm so với những năm trước. Giá các sản phẩm gia cầm có xu hướng giảm trong khi nhu cầu tiêu dùng mặt hàng này tại các nhà hàng, bếp ăn tập thể,  trường học... vẫn còn khá yếu.

Về mặt chi phí, theo SSI, chi phí thức ăn đã tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021 và gấp đôi so với mức chi phí của năm 2020. Chi phí sản xuất trung bình của trang trại ước tính khoảng 50.000 đồng/kg trong khi chi phí nguyên liệu thô chiếm đến 75% tổng chi phí chăn nuôi.

Với giá heo hơi bình quân 55.000 đồng/kg, các hộ chăn nuôi hầu như không có lời hoặc thua lỗ. Các trang trại thương mại theo mô hình 3F (Feed-Farm- Food) cũng có biên lợi nhuận thấp hơn nhiều so với các năm trước.

Theo Cục Chăn nuôi, tổng giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi năm 2022 ước đạt trên 506 ngàn tỉ đồng, tăng 5,5% so với năm 2021. Tổng sản lượng thịt heo hơi xuất chuồng ước đạt 7 triệu tấn; sản lượng trứng ước đạt trên 18,4 tỉ quả và trên 1,1 triệu tấn sữa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới