Thứ sáu, 29/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Sân khấu xiếc, múa rối: vẫn loay hoay bài toán nguồn lực và kịch bản

An Phú

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Ba tháng hè luôn là mùa cao điểm doanh thu của nhà hát với loại hình biểu diễn xiếc, múa rối tại Việt Nam. Trước nhiều lựa chọn giải trí cho con em dịp này, giờ đây, các nhà hát đã tự làm mới mình, thay đổi để phù hợp với nhu cầu đa dạng người xem. Tuy vậy, những thách thức về nhân sự, đội ngũ chuyên môn vẫn là bài toán chung đang chờ thế hệ nối tiếp “hạ hồi phân giải”.

Tập trung vào nội lực, giữ chân khán giả tương lai

Tìm kiếm nội dung, dàn dựng tập luyện vở diễn là những hoạt động hàng ngày của tập thể diễn viên đoàn múa rối rồng Phương Nam, thuộc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam. Ông Trần Được, Phó trưởng đoàn, hào hứng chia sẻ niềm vui khi tất cả mọi thành viên vẫn có cơ hội làm nghề thường xuyên với các suất diễn đều đều quanh năm.

Ông cho biết ngoài mùa diễn chính trong mùa hè và mùa lễ Tết - vốn luôn phải tăng cường các suất diễn vào cuối tuần - thì đoàn thường xuyên có lịch biểu diễn tại các trường học hay tại các lễ hội truyền thống, liên hoan nghệ thuật ở khắp các địa phương trong năm. Điều này cho thấy khán giả vẫn luôn dành sự quan tâm cho nghệ thuật truyền thống, đồng thời cũng là động lực để đoàn tìm kiếm và mở rộng thế hệ khán giả, tiếp lửa cho thế hệ làm nghề tương lai.

Múa rối nước thu hút nhiều em thiếu nhi và khán giả quốc tế quan tâm. Ảnh: DNCC

Đại diện đoàn múa rối chia sẻ, ban lãnh đạo nhà hát ngày càng đầu tư vào các suất diễn cũng như những mô hình chỉn chu hơn, hướng tới tạo xúc tác gần gũi, trải nghiệm thật với người xem. Cụ thể, cơ sở vật chất phục vụ vở diễn được thay mới hoàn toàn, công tác tập luyện, duyệt bài khắt khe, nội dung vở đan xen nhiều cảm hứng mới, không theo lối mòn cũ kĩ.

Bộ phận bán vé cũng chú trọng truyền thông, quảng cáo đến nhiều không gian khác nhau chứ không đơn thuần đi theo kênh truyền thống nữa. Khán giả bỏ tiền đến xem cũng gia tăng tương tác với nghệ sĩ. Chẳng hạn, thiếu nhi được tham gia múa rối trực tiếp ngay tại sân khấu, hiểu về một ngày làm diễn viên múa rối nước diễn ra như thế nào…

Một phân cảnh trong múa rối nước tại nhà hát nghệ thuật Phương Nam. Ảnh: DNCC

Nhìn nhận về chỗ đứng của loại hình múa rối trong lòng đại chúng, ông Trần Được nhận định đoàn vẫn còn đất sống và phát triển ổn định. Ông quan niệm đã là món ăn tinh thần, giải trí thì việc thay đổi mình để thích ứng với thời cuộc là chuyện đương nhiên, không thể vin vào loại hình truyền trống mà dậm chân tại chỗ, không chịu làm mới mình.

“Bên cạnh đó, chúng tôi luôn tự tin mình có khán giả thiếu nhi do phụ huynh muốn con em một lần tìm hiểu về bộ môn này thay vì tiếp xúc với công nghệ, lớp trẻ sinh viên làm nghiên cứu, tìm hiểu đời sống văn hóa cũng không thể bỏ qua và cuối cùng là khán giả quốc tế luôn có sự quan tâm đặc biệt dành cho múa rối Việt Nam”, ông nói.

Không chỉ múa rối, đoàn xiếc cũng trong chiến lược giữ chân khán giả bằng sự đầu tư, đặt ra nhiều tiêu chí cần đạt được cho tác phẩm trước khi lên sân khấu. Với số lượng vở mới, vở cũ chiếm tỷ lệ khoảng 50:50 trong mùa hè này, ông Nguyễn Quốc Công, phó trưởng đoàn xiếc Bầu Trời Xanh, cho biết đoàn thừa thắng xông lên từ kịch xiếc nước năm ngoái, nhà hát nhận được doanh thu tốt vì hiệu ứng sân khấu đẹp mắt, hình ảnh biểu diễn mới mẻ…

Năm nay, vở cũ hay vở mới đều có sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, đồng thời đan xen thêm các yếu tố diễn xuất, cảm xúc vào, tạo nên các vở kịch xiếc vì khán giả có xu hướng thích câu chuyện lồng ghép bên cạnh biểu diễn kỹ thuật đỉnh cao.

Đau đáu câu chuyện nguồn lực và kịch bản

Bao năm qua, để mở rộng quy mô và nâng tầm chất lượng, vấn đề chung của các nhà hát vẫn là chuyện tìm người giỏi và những nội dung, ý tưởng chuyển thể hay. Thực tế, các trường đào tạo diễn viên biểu diễn xiếc và múa rối ở Việt Nam không nhiều, nếu có, những đơn vị này thường tập trung ở phía Bắc, cho nên việc tìm kiếm năng khiếu, tài năng để phát triển ở TPHCM vẫn cần nhiều đầu tư.

Ông Nguyễn Quốc Công tâm sự chính ông và những đồng nghiệp đều phải suy nghĩ, cân nhắc rất nhiều để chuyển vào Nam lập nghiệp, cống hiến cho nhà hát nhưng cũng không phải ai cũng chịu đi xa vì tương lai công việc không đủ hứa hẹn.

Theo ông, để mà nói nghệ sĩ làm giàu từ nghệ thuật thì rất hiếm, hiện các diễn viên vẫn phải làm thêm ngành nghề khác để tăng thu nhập. Việc thiếu đội ngũ diễn viên trẻ, có chuyên môn cao cộng với đặc thù tuổi nghề thấp của nghệ sĩ biểu diễn xiếc tạo nên vòng luẩn quẩn tìm nhân sự chưa có hướng giải quyết triệt để. Ông bộc bạch cá nhân mình cũng xuất thân từ diễn viên xiếc, khi qua giai đoạn diễn đỉnh cao trong vòng 15 năm, ông cảm nhận được những hạn chế trong kỹ thuật hoặc “ngại” diễn các phân đoạn mạo hiểm.

Kịch xiếc Ba Tư Huyền Bí đang bán vé tại rạp xiếc TPHCM. Ảnh: DNCC

“Tôi quyết định học thêm chuyên môn quản lý để đứng ở vai trò khác trong đoàn nếu lui về không diễn, nhưng không phải anh em nào cũng có thể đi học ở tuổi này. Vậy cái khó ở đây là nhân sự trẻ để đào tạo xiếc thì thiếu, người giỏi thì đang gần qua tuổi thực hiện những kỹ thuật khó”, ông bộc bạch.

Ngoài ra, đại diện đoàn xiếc nói thêm để giải quyết chuyện công ăn việc làm cho nghệ sĩ đến tuổi cũng không dễ bởi lẽ thách thức riêng của ngành. Khán giả thích cái mới đẹp, trẻ trung, hơn nữa yếu tố an toàn, chất lượng đêm diễn nên không thể cho những diễn viên ở độ tuổi U40, U50 trình diễn. Vậy nên, nhà hát đang nỗ lực tạo việc làm và hướng đi phù hợp cho những nghệ sĩ xiếc đến tuổi “về hưu”, giúp họ bảo đảm cuộc sống.

Được biết hiện nhà hát thường xuyên đón nhiều đoàn trường học đến xem biểu diễn nhưng vẫn chưa đủ công suất phục vụ, phải tách đoàn để đảm bảo cơ sở vật chất. Ban lãnh đạo nhà hát hy vọng mở rộng được quy mô lên đến 400 – 500 ghế đáp ứng nhu cầu công chúng tìm hiểu về môn nghệ thuật này.

Thách thức khác của đội ngũ làm xiếc, múa rối là nguồn kịch bản, đội ngũ chuyên dựng các vở mới. Theo ông Trần Được, tìm người sản xuất, làm nội dung hiếm như đếm trên đầu ngón tay. Vì đặc thù của loại hình nghệ thuật này sử dụng ngôn ngữ cơ thể, kỹ thuật để biểu diễn là chính nên không thể đem kịch bản của các bộ môn khác nặng tính diễn người sang ứng dụng.

Nghệ sĩ trẻ biểu diễn những phân đoạn xiếc khó. Ảnh: DNCC

Ông Được cho biết kịch bản có thể chuyển thể từ những tác phẩm bên ngoài, nhưng khâu biên tập để trình diễn phù hợp với loại hình thì cần những người chuyên môn có tư duy về rối và xiếc người. “Phân tích hình thể, ngôn ngữ thể hiện, yếu tố văn hóa, tình tiết âm thanh, ánh sáng trong vở… rất cần biên kịch, đạo diễn giỏi phê bình để cho ra vở hoàn chỉnh, nhưng hiện tại nguồn nhân lực này vẫn khan hiếm, chủ yếu sử dụng người nhà, kiểu cây nhà lá vườn. Chúng tôi hy vọng tương lai sẽ thu hút được người tài để có quy trình làm vở diễn hệ thống thay vì tự thân làm mọi thứ”, ông Công nhấn mạnh.

Trước những rào cản trong việc phổ biến bộ môn xiếc, múa rối đến với công chúng, những người theo nghề luôn tin tưởng vào thế hệ khán giả hiện tại, và cả thế hệ tương lai. Họ vẫn dành sự ưa chuộng nếu nghệ sĩ không ngừng chiêu đãi món ăn tinh thần mới mẻ, đậm yếu tố giải trí cùng năng lượng trình diễn dồi dào.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới